Nghị định 100 thay thế Nghị định 46/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, quy định mức xử phạt cao hơn nhiều đối với nhiều vi phạm giao thông, đặc biệt là mức xử phạt tối đa đối với các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn. Tại Hà Nội, ngày 2/1, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT), Công an TP Hà Nội đã đồng loạt triển khai xử lý vi phạm giao thông theo Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100.
Chia sẻ với phóng viên, chiến sĩ CSGT thuộc Đội CSGT số 2 (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) cho biết: Trong tình hình giao thông dịp cận Tết Nguyên đán vô cùng đông đúc và phức tạp, Đội đã thành lập nhiều tổ công tác, tổ tuần tra tại các tuyến đường thuộc quận Ba Đình và Tây Hồ để xử lý các vi phạm. Trong đó, các lỗi thường gặp là không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, không bật tín hiệu khi chuyển hướng…
|
Lực lượng CSGT Hà Nội tiến hành đo nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện |
Đặc biệt, triển khai Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100, Đội đã xây dựng kế hoạch và thành lập các tổ chuyên đề để xử lý vi phạm về nồng độ cồn trên địa bàn. Theo đó, sẽ có một tổ hoạt động buổi sáng từ 12h đến 15h và một tổ tuần tra theo tuyến hoạt động từ 18h đến 22h để xử lý các vi phạm, trong đó có vi phạm về nồng độ cồn.
Tuy nhiên, mỗi đơn vị chỉ có 3-4 máy đo nồng độ cồn mà lực lượng CSGT trên địa bàn Thủ đô đang đồng loạt ra quân tiến hành xử lý vi phạm về vấn đề này nên đôi khi số lượng máy chưa đáp ứng đủ để lực lượng chức năng làm nhiệm vụ. Về vấn đề vệ sinh ống thổi, chiến sĩ CSGT này cho biết máy đo nồng độ cồn sử dụng loại ống thổi dùng một lần nên khi tiến hành kiểm tra, mỗi trường hợp sẽ sử dụng một ống thổi riêng nên đảm bảo độ tin cậy và vệ sinh.
Thượng úy Ngô Văn Tâm, Đội CSGT số 1 cho biết, chỉ trong vòng 30 phút, từ 13 giờ đến 13 giờ 30 phút ngày đầu tiên triển khai Nghị định 100 (ngày 2/1), lực lượng chức năng đã dừng kiểm tra 4 người điều khiển xe máy thì cả 4 trường hợp đều vi phạm nồng độ cồn. “Đối với người điều khiển phương tiện xe máy vi phạm 0,489 miligam/1 lít khí thở, theo Nghị định xử phạt mới sẽ bị phạt tiền từ 6-8 triệu đồng. Ngoài ra, còn bị tước giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng và biện pháp ngăn chặn tạm giữ phương tiện đến 7 ngày theo quy định” - Thượng úy Tâm cho biết.
|
Lực lượng CSGT kiểm tra giấy tờ của người tham gia giao thông |
Theo Thượng úy Tâm, tuyến đường, địa bàn Đội CSGT số 1 quản lý nằm trong phố cổ, tập trung nhiều nhà hàng, quán ăn. Do vậy, để triển khai xử lý nghiêm vi phạm giao thông theo quy định mới, nhất là đối với những trường hợp tài xế đã sử dụng rượu, bia, lực lượng chức năng phải tuyên truyền, giải thích, xử lý chặt chẽ, đúng quy định.
Trung tá Vũ Kiên Cường (Đội CSGT số 10, Hà Nội) nhận thấy từ khi Nghị định 100 có hiệu lực thi hành ngày 1/1/2020, ý thức tham gia giao thông của người dân tốt hơn. “Ngoài trường hợp sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông ra thì các lỗi khác, người tham gia giao thông cũng chấp hành tốt hơn, từ đội mũ bảo hiểm” - ông Cường nói.
Trung tá Cường cho biết qua công tác tuần tra, kiểm soát từ ngày 1/1 đến nay, Tổ công tác của ông đã xử phạt 3 trường hợp lái xe ô tô vi phạm vi phạm quy định về nồng độ cồn, có trường hợp xử phạt ở mức cao nhất là trên 0,4miligam/lít khí thở, có trường hợp dưới 0,4 miligam/lít khí thở. Các trường hợp vi phạm này cũng rơi vào mức xử phạt là 17 triệu. So với Nghị định 46, Nghị định mới tăng mức phạt tiền, tăng thời hạn tước giấy phép lái xe. Đây cũng là biện pháp răn đe cho người tham gia giao thông chấp hành tốt hơn.
|
Tiến hành đo nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện |
Quá trình tuần tra, kiểm soát, Trung tá Cường và các anh em cũng gặp phải một số trường hợp người tham gia giao thông đối phó, chống đối, số khác thì quay đầu xe, dừng xe khi gặp Tổ tuần tra kiểm soát trên đường. “Có trường hợp anh em mất đôi ba tiếng đồng hồ vừa vận động, thuyết phục, hướng dẫn người vi phạm về nồng độ cồn, sau đó người ta mới chấp hành” - Trung tá Cường nói về những khó khăn của lực lượng chức năng khi thực thi nhiệm vụ.
Trung tá Vũ Văn Hoài, Đội trưởng Đội Tuyên tuyền, giải quyết tai nạn (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) cho hay, sau 5 ngày triển khai thực hiện Nghị định 100, lực lượng CSGT Hà Nội đã phát hiện, xử lý 84 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, trong đó tạm giữ 4 ô tô, 80 xe máy. Trong số này, có 18 trường hợp bị lập biên bản xử phạt ở khung cao nhất, gồm 4 ô tô 13 xe máy và 1 xe máy điện. Bên cạnh đó, trên địa bàn thành phố cũng ghi nhận 2 trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn. Thậm chí có trường hợp còn mạo danh Vụ trưởng ở Bộ Giáo dục và Đào tạo để gây sức ép, buộc lực lượng chức năng bỏ qua lỗi vi phạm.
Thống kê trên cả nước, sau 2 ngày (từ ngày 1- 2/1) triển khai Nghị định 100/2019/NĐ-CP, lực lượng CSGT trên toàn quốc đã phạt tiền hơn 816 triệu đồng đối với 615 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Cũng theo hồ sơ từ Cục CSGT (Bộ Công an), nhiều trường hợp có biểu hiện say xỉn khi đến ngã tư thấy tổ công tác đang làm nhiệm vụ đã đối phó bằng cách xuống xe dẫn bộ qua khỏi chốt xong tiếp tục leo lên xe đi tiếp.
|
Kiểm tra các vi phạm trật tự an toàn giao thông |
Thiếu tướng Lê Xuân Đức - Phó Cục trưởng Cục CSGT nhấn mạnh, lực lượng CSGT luôn nhận thức rằng hành vi sử dụng bia, rượu (và cả ma túy) khi điều khiển phương tiện là rất nguy hiểm, đã được quy định trong một số văn bản quy phạm pháp luật và gần nhất là Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia. Lực lượng CSGT rất phấn khởi với hành lang pháp lý này.
Nhớ lại quá trình xây dựng Nghị định từ khi còn là dự thảo, Thiếu tướng Đức cho hay, Lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng CSGT xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Trước mắt là vấn đề tuyên truyền, sau là thực thi pháp luật để Nghị định đi vào cuộc sống. Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, Cục CSGT yêu cầu đối với các địa phương là phải hết sức cương quyết. Tuy nhiên, xử lý vi phạm về nồng độ cồn khác rất nhiều so với vi phạm về trật tự an toàn giao thông khác. “Xử lý 1 anh tỉnh đã khó rồi, xuống là xin, xin không được thì nói ra nói vào rồi có đối tượng chống đối, còn rượu bia thì dừng xe là đã đủ thứ trên đời” – Thiếu tướng Đức ví von.
Cũng theo ông Đức, trong năm 2019, nỗ lực của lực lượng toàn quốc, đã xử lý được 182.725 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, tuy còn khiêm tốn nhưng đã là cố gắng lớn của lực lượng CSGT. “Việc xử lý vi phạm thực ra mới chỉ là phần ngọn, vấn đề gốc là tăng cường công tác tuyên truyền” – ông Đức nêu quan điểm.