Nhiều trường nghề kêu 'khó đủ đường'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhiều trường giáo dục nghề nghiệp phản ánh đã và đang gặp những vướng mắc lớn, cần sớm được tháo gỡ...
Nhiều trường nghề kêu 'khó đủ đường'

"Khó đủ đường"

TS. Nguyễn Xuân Sang, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Cao đẳng nghề nghiệp ngoài công lập Việt Nam cho biết, nhiều trường nghề đang gặp khó khăn, nhất là các trường nghề ngoài công lập. Những đơn vị này phải chi trả khoản chi phí rất lớn để duy trì hoạt động của nhà trường như: đầu tư cơ sở vật chất, duy trì và phát triển đội ngũ cán bộ, trang thiết bị máy móc thực hành bởi đặc thù của giáo dục nghề nghiệp thời lượng thực hành chiếm tỷ lệ lớn trong quá trình đào tạo.

Nguồn thu học phí của người học không cao, học phí đào tạo 1 khóa bậc Cao đẳng từ 2-2,5 năm thường chỉ bằng 1 năm học phí của hệ đại học.

Tâm lý của một bộ phận lớn người dân vẫn rất muốn học luôn vào đại học, coi học đại học được đánh giá cao hơn so với học nghề. Theo quy định mới, loại hình đào tạo không còn ghi trên bằng. Nghĩa là trước đây học chính quy, chuyên tu hay học tại chức đều được ghi vào bằng nhưng hiện không ghi thì giá trị bằng là như nhau, đó cũng là thông lệ quốc tế, dẫn tới người học thuận lợi hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, chỉ tiêu tuyển sinh của các trường đại học đang mở rộng, ngoài đào tạo tập trung thì hình thức đào tạo từ xa "nở rộ”. Thậm chí, rất nhiều công ty đầu tư vào các trường mang tính chất “share” (chia sẻ - PV) lợi ích với nhau.

'Khó khăn còn bởi yếu tố cạnh tranh gắt gao giữa giáo dục nghề nghiệp với các trường THPT ngoài công lập (ở hệ tuyển sinh đầu vào sau lớp 9), với các trường đại học khi học sinh đã tốt nghiệp trung học phổ thông, với hàng nghìn trung tâm tư vấn du học, khoảng 400 công ty xuất khẩu lao động cùng các nhà máy xí nghiệp sẵn sàng mở cửa đón học sinh tốt nghiệp THPT vào làm việc và tự đào tạo. Như thế, tất yếu các trường nghề sẽ gặp những bất lợi do nguồn tuyển bị hạn chế và bởi xưa nay tư tưởng trọng bằng cấp, “thích làm thầy hơn làm thợ” vẫn nặng nề trong tư duy, nếp nghĩ của một bộ phận người Việt”, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường cao đẳng nghề nghiệp ngoài công lập Việt Nam nói thêm.

Ông Sang cũng đề cập đến những khó khăn khác liên quan đến việc tiếp cận mặt bằng xây dựng trường và cho biết, đây là một yếu tố khó khăn hàng đầu với các trường nghề ngoài công lập. Tỷ lệ các trường nghề có diện tích đất đáp ứng theo quy chuẩn của Bộ LĐTB&XH rất ít. Nhiều trường phải đi thuê địa điểm để đào tạo trong thời gian xin dự án để có đất xây dựng trường. Do khó khăn về chính sách đất đai, nguồn vốn… nên việc có đất để xây trường trở nên khá xa vời với khá nhiều trường nghề.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Cao đẳng nghề nghiệp ngoài công lập Việt Nam, có những trường nghề theo đuổi dự án xin đất xây trường hàng chục năm nhưng vẫn không xong do quy định phải thỏa thuận nhận chuyển nhượng để thực hiện dự án.

TS. Nguyễn Xuân Sang, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Cao đẳng nghề nghiệp ngoài công lập Việt NamTS. Nguyễn Xuân Sang, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Cao đẳng nghề nghiệp ngoài công lập Việt Nam

Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường cao đẳng nghề ngoài công lập Việt Nam chia sẻ thêm, có sự khác biệt về việc mở ngành cũng như giao chỉ tiêu giữa giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ LĐTB&XH và giáo dục chuyên nghiệp thuộc Bộ GDĐT.

'Bộ GDĐT cho phép mở ngành chính còn các chuyên ngành giao Hiệu trưởng quyết định. Bên Bộ LĐTB&XH thì các chuyên ngành sẽ là các ngành nghề phải đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp và phải được cấp chỉ tiêu riêng. Chỉ tiêu các ngành thường cũng hạn chế do các điều kiện đáp ứng khi đăng ký chỉ tiêu của các trường thường gặp khó khăn vì phải đầu tư lớn. Sau khi các trường đề xuất ý kiến, Tổng cục cũng đã có văn bản cho phép linh hoạt chỉ tiêu giữa các trình độ đào tạo và khối ngành nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn do tính biến động trong các ngành nghề khi tuyển sinh là rất cao, có ngành tuyển vượt thì thiếu chỉ tiêu, có ngành không tuyển sinh được thì thừa chỉ tiêu", TS. Nguyễn Xuân Sang phản ánh.

Lãnh đạo một trường Cao đẳng trên địa bàn TP Hà Nội (xin được giấu tên) giãi bày: “Tuyển sinh thật sự rất vất vả bởi Bộ GDĐT quản lý các Sở giáo dục, các Sở lại quản lý các trường phổ thông thì đương nhiên họ sẽ định hướng theo hệ thống của Bộ Giáo dục. Ngay cả những chủ trương về tuyển sinh (thời điểm tuyển sinh, thời điểm xét tuyển), các đề án, bao giờ nguồn tuyển các trường đại học cũng tuyển sinh trước rồi mới đến cao đẳng”.

Giáo dục nghề nghiệp đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân của Việt NamGiáo dục nghề nghiệp đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân của Việt Nam

Một vấn đề khác liên quan đến hệ thống giáo dục nghề nghiệp gây nhiều tranh luận trong thời gian qua là việc đào tạo hệ THPT theo chương trình giáo dục thường xuyên do Bộ GD&ĐT quản lý và các trường nghề. Theo đó, phía Bộ GDĐT cho rằng giao cho các trung tâm Giáo dục nghề - Giáo dục thường xuyên giảng dạy và các trường nghề không được tự giảng dạy mà phải liên kết với các trung tâm nói trên để thực hiện.

Theo đại diện một số trường cao đẳng nghề nghiệp, điều này vô tình đẩy các trường nghề vào cảnh "tréo ngoe" bởi hệ thống Trung tâm Giáo dục thường xuyên thường thì chỉ tiêu biên chế giáo viên ít, số lượng nhân viên hợp đồng nhiều, nhiều giáo viên vừa ra trường, chưa có kinh nghiệm, không đáp ứng yêu cầu phục vụ giảng dạy, đặc biệt là yêu cầu giảng dạy của trường đặc thù như giáo dục thường xuyên nên dẫn tới tình trạng chất lượng "đầu ra" không ổn định, phải liên kết và phụ thuộc vào các trung tâm để giảng dạy văn hóa THPT. Do vậy, các trường nghề vào thế bị động và chất lượng đào tạo cũng bị ảnh hưởng theo.

'Gỡ khó' cho trường nghề thế nào?

Việt Nam hiện có hơn 1.900 cơ sở đào tạo nghề với mức trung bình tuyển sinh 2 triệu người học mỗi năm thuộc các hệ khác nhau (cao đẳng, trung cấp, sơ cấp). Thông tin từ Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, tính đến 31/12/2021, cả nước tuyển sinh được 1.915.548 người, đạt 85,14% kế hoạch (trong đó, trình độ cao đẳng, trung cấp: 375.108 người, trình độ sơ cấp và các chương trình nghề nghiệp khác: 1.540.440 người).

Hệ thống giáo dục nghề nghiệp đóng vai trò quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhân lực qua đào tạo nghề là một trong ba trụ cột tăng trưởng và phát triển bền vững kinh tế. Do vậy, phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo nghề là yêu cầu, là đòi hỏi của đất nước, nhằm góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nói chung.

Tuy nhiên, trong bối cảnh trải qua gần 3 năm chống chọi với đại dịch COVID-19 cộng thêm những bất cập trong cơ chế, chính sách, hệ thống giáo dục nghề nghiệp đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, đặc biệt là những khó khăn lớn như đề cập ở trên. Làm sao để gỡ khó cho trường nghề hiện nay vẫn đang là bài toán nan giải.

Đã có nhiều kiến nghị để tháo gỡ những vướng mắc trong hoạt động của giáo dục nghề nghiệp, trong đó, có ý kiến đề nghị Bộ GDĐT chia sẻ dữ liệu tuyển sinh để các trường chủ động nắm bắt được số lượng và hướng đi của các học sinh sau tốt nghiệp THPT. Việc phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS phải được đẩy mạnh quyết liệt, cân nhắc kỹ việc tăng chỉ tiêu cho các trường THPT thì mới có thể đạt mục tiêu

Ở khía cạnh các đơn vị đào tạo nghề, cần linh hoạt nhiều phương pháp để nâng cao hiệu quả trong công tác tuyển sinh như đẩy mạnh tuyên truyền về GDNN liên quan đến ngành nghề, quy định, quy chế chính sách hỗ trợ cho học sinh, sinh viên để phần nào thay đổi được quan điểm của người Việt về vấn đề bằng cấp và nghề nghiệp. Mặt khác, chú trọng vào chất lượng đào tạo, đào tạo thực chất, thực tế, đầy đủ trang thiết bị máy móc để phục vụ tốt nhất cho công tác dạy và học.

Đồng thời, các trường giáo dục nghề nghiệp đề nghị Bộ LĐTBXH cần sớm ban hành danh mục các nghề nghiệp bắt buộc phải qua đào tạo để các đơn vị đào tạo nghề làm cơ sở phối hợp với các doanh nghiệp.

Đọc thêm