Tại kỳ họp HĐND các địa phương đang diễn ra, hàng loạt vấn đề nóng được đại biểu thẳng thắn chất vấn…
Hà Nội: Chậm xã hội hóa y tế, giáo dục
Sáng qua, tại phiên chất vấn, một trong những vấn đề mà các ĐB HĐND TP quan tâm là việc chậm thực hiện các dự án xã hội hoá (XHH) bệnh viện, trường học trên địa bàn. Dù khẳng định, "Hà Nội đi đầu trong việc thực hiện chế độ, cơ chế chính sách đối với vấn đề XHH", nhưng GĐ Sở KH-ĐT Nguyễn Văn Sửu vẫn đưa ra hàng loạt lý do khiến các dự án triển khai chậm. Tuy nhiên, theo ĐB Vũ Đức Tân thì phải phân định rõ trách nhiệm của các sở, các cấp trong việc để chậm trễ, bởi có nhiều nguyên nhân“thuộc chức năng nhiệm vụ của chính quyền".
Trước băn khoăn của ĐB Nguyễn Hoài Nam về việc TP dành bao nhiêu quỹ đất có được từ việc thu hồi sau khi di dời các nhà máy lớn (thuốc lá Thăng Long, rượu bia, dệt Minh Khai...) cho việc xây dựng các công trình phúc lợi, "hay chỉ chăm lo xây nhà để bán", ông Sửu sau khi dẫn chứng chuyện đất thu hồi khi di dời Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo ngoài dành cho trung tâm thương mại Vincom thì có dành một phần đất cho 2 trường học phổ thông, đã hứa "TP đang làm quy hoạch di dời, đều dành đất cho các công trình phúc lợi. Như tới đây chuẩn bị di dời nhà máy dệt 8/3 và Hanosimex, đất thu hồi tới 36 ha, cũng có đặt bệnh viện cỡ 300 giường phục vụ nhân dân theo cơ chế XHH”.
Các đại biểu HĐND Hà Nội trao đổi ngoài hội trường. |
Chủ tịch HĐND Ngô Thị Doãn Thanh kết luận, chưa thể bằng lòng với những kết quả XHH y tế, giáo dục vốn có tiềm năng rất lớn và nhu cầu của người dân ngày càng cao. Do đó, đề nghị TP công khai quy hoạch, cũng như rà soát lại danh mục các dự án đã kêu gọi đầu tư trước đây để xem bao nhiêu dự án đã được triển khai, bao nhiêu dự án cần tiếp tục kêu gọi nhằm đảm bảo hiệu quả của chủ trương XHH trong những lĩnh vực này...
TP.HCM nóng chuyện “hố tử thần”
Cùng ngày, kỳ họp thứ 19 HĐND TP.HCM khóa VII "nóng" chuyện 59 “hố tử thần” xảy ra trên địa bàn.
Đăng đàn trả lời, Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Phượng cho rằng, bên cạnh các công trình hạ tầng kỹ thuật hiện hữu đã xuống cấp; Hệ thống cấp thoát nước quá cũ chưa được thay thế; Việc thi công các công trình hạ tầng kỹ thuật của các đơn vị chưa tuân thủ nghiêm các quy trình và nghiệm thu, thì địa chất nhiều khu vực ở TP.HCM là đất yếu, khai thác nước ngầm tràn lan, làm cho nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị bị lún không đều. Chính vì vậy làm cho các công trình hiện hữu dễ bị gãy, xì, làm rò rỉ nước dẫn đến hủy kết cấu móng đường tạo ra các hố sụp...
Theo ông Phượng, trách nhiệm để xảy ra sụp lún thuộc các cơ quan quản lý trực tiếp hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, do thiếu công tác kiểm tra phát hiện kịp thời các hư hỏng, thiếu theo dõi và duy tu bảo dưỡng... Đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật đang thi công hoặc đã thi công xong nhưng chưa nghiệm thu bàn giao và chưa hết thời gian bảo hành: Việc xảy ra sự cố sụp lún trách nhiệm này thuộc về nhà thầu; đơn vị tư vấn giám sát...
Tuy nhiên, hầu hết các đại biểu đã không thỏa mãn. ĐB Nguyễn Đăng Nghĩa nói, giải trình của đồng chí Phượng là khoa học nhưng tôi chưa thỏa mãn: Giải pháp khắc phục thì tức nhiên chúng ta phải làm, nhưng chúng tôi muốn biết là Sở đã quy trách nhiệm và truy cứu ai chưa? Người chịu trách nhiệm trực tiếp những vấn đề này là ai, cần chỉ rõ?.
ĐB Dương Văn Nhân đề nghị giám đốc Sở GTVT trả lời thêm: Sau ba năm thực hiện giải pháp chống kẹt xe, nhưng không biết Sở đã áp dụng đến giải pháp nào rồi mà tình trạng kẹt xe thời gian qua không giảm mà lại... ĐB Huỳnh Công Hùng bức xúc: “Anh Phượng nói không quản lý nước nữa nên không chịu trách nhiệm là không đúng. Việc quản lý đường là trách nhiệm của Sở GTVT, chứ không thể nói không quản lý thì không chịu trách nhiệm”.
Giám đốc Sở TNMT Đào Anh Kiệt tiếp lời, một trong những nguyên nhân sụp lún là do khai thác nước ngầm, nhưng đó là lún đều chứ không lún cục bộ như sụp lún vừa qua. Còn Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Văn Hiệp thì nói 59 hố lún sụt là có nhiều nguyên nhân, kể cả vấn đề kỹ thuật, quy trình kỹ thuật nếu lấp bằng cát sẽ làm cho lượng cát này nén dần và xuất hiện lỗ rỗng... Cạnh đó, hầu hết các công trình chủ yếu làm vào ban đêm, nên khi lấp không có ai giám sát, nhà thi công có bơm nước dằn cát hay không cũng không biết...
Hải Phòng – Nghệ An: Kiện toàn chức danh lãnh đạo
HĐND TP đã nhất trí chương trình hành động của TP năm 2011 là “Năm đô thị và bảo đảm an sinh xã hội”. Theo đó, các Nghị quyết được kỳ họp thứ 19 HĐND TP Hải Phòng thông qua chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực quy hoạch, tài nguyên nhằm chuyển hướng tư duy về mô hình phát triển kinh tế tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu; tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng tăng hàm lượng khoa học công nghệ và tỷ trọng gía trị nội địa trong sản phẩm; ưu tiên phát triển sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, công nghệ tiết kiệm năng lượng... HĐND TP Hải Phòng tiến hành bầu ông Dương Anh Điền, Phó Bí thư Thành ủy Hải Phòng khóa 14 giữ chức Chủ tịch UBND TP Hải Phòng nhiệm kỳ 2006- 2011. Trước đó, sáng 8/12, tại kỳ họp thứ 19 (khóa XV), HĐND tỉnh Nghệ An đã bầu ông Hồ Đức Phớc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh, ông Huỳnh Thanh Điền, nguyên Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhiệm kỳ 2004-2011. |
Nhóm phóng viên