Nhiều vườn cam ở Trà Vinh 'càng trồng càng lỗ'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thời “hoàng kim”, những nhà vườn tại Trà Vinh đầu tư trồng cam sành rất ăn nên làm ra. Nhưng nay loại trái cây này rớt giá, dẫn đến nhiều hộ thua lỗ, thậm chí mắc nợ ngân hàng.
Một thương lái thu mua cam tại Trà Vinh dự đoán sắp tới khi vào vụ rộ, giá cam có thể sẽ thấp hơn 5 triệu đồng/tấn. (Ảnh: Thuận - Đỉnh)
Một thương lái thu mua cam tại Trà Vinh dự đoán sắp tới khi vào vụ rộ, giá cam có thể sẽ thấp hơn 5 triệu đồng/tấn. (Ảnh: Thuận - Đỉnh)

Những ngày giữa tháng 4/2024, ông Huỳnh Bá Nhanh (ngụ huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh, chủ vườn cam hơn 3.000m2) thấp thỏm vì thương lái đang thu mua cam với giá thấp, chỉ 3.000 - 6.000 đồng/kg. Gắn bó với cây cam hơn 24 năm, bao năm đổ dồn tiền và công sức vào mảnh vườn, ông chưa từng thấy khi nào giá cam rớt mạnh và liên tục như vậy.

“Thời kỳ đỉnh cao của trái cam, người người, nhà nhà phất lên nhờ cam. Lúc đó cam có giá đến 30 triệu đồng/tấn (tương đương 30.000 đồng/kg), nên ai cũng mạnh dạn đầu tư. Nhưng giờ đã khác, tôi thu hẹp diện tích trồng từ gần 10.000m2 ban đầu chỉ còn hơn 3.000m2 vì càng trồng càng lỗ”, ông Nhanh nói.

Ông Nhanh hiện là Chủ nhiệm Tổ hợp tác trồng cam sành của ấp Rạch Nghệ, xã Thông Hòa. Tổ hợp tác có 25 thành viên, tổng diện tích trồng cam hơn 15ha. Trước đây vườn của ông là điểm sáng cho những nông dân khác học hỏi, phát triển kinh tế gia đình, nhiều thành viên tham gia. Nhưng sau thời gian dài giá cam tuột dốc, đã không còn mấy ai mặn mà với mô hình này. “Rất nhiều người xây nhà cửa cũng nhờ cây cam, nhưng nay cũng có người vì loại cây này mà mắc nợ ngân hàng chưa trả được”, ông Nhanh nói.

Đối diện vườn cam ông Nhanh là vườn cam của ông Nguyễn Hoàng Bê, vừa mới bán vụ cam nghịch mùa với sản lượng hơn chục tấn, nhưng chỉ có giá 3,5 triệu đồng/tấn. Ông Bê nói chấp nhận bán giá thấp nhằm “kiếm được đồng nào hay đồng đó”.

“Bốn năm trước, thấy nhiều người trồng cam có lời, giá cả ổn định, nên tôi quyết định đầu tư 200 triệu đồng thuê 4.500m2 đất rồi cải tạo thành từng luống. Dự đoán là sau năm thứ 2 khi thu hoạch vẫn sẽ có lãi, nào ngờ giá cam rớt thảm hại”, ông Bê nói.

Ông Bê kể, mùa vụ đầu tiên, mảnh vườn mà ông canh tác chỉ vỏn vẹn thu về có 4 triệu đồng, lỗ đậm. Thấy không ổn, ông không dám đầu tư chi phí nhiều vào năm tiếp theo. Thế nhưng sau 4 năm, gia đình ông vẫn lỗ 250 triệu đồng.

Ông Bê cho biết, sau 4 năm đầu tư vào mảnh vườn trồng cam, ước tính lỗ 250 triệu đồng. (Ảnh: Thuận - Đỉnh)

Ông Bê cho biết, sau 4 năm đầu tư vào mảnh vườn trồng cam, ước tính lỗ 250 triệu đồng. (Ảnh: Thuận - Đỉnh)

Những nông dân trồng cam tại địa phương cho biết, với giá bán từ 3.000 - 6.000 đồng/kg, người trồng cam thua lỗ nặng. Cụ thể, để đầu tư 1ha cam, cần 300 triệu đồng cho 2 năm đầu. Sau vụ mùa đầu tiên sẽ bỏ ra thêm khoảng 250 triệu đồng chi phí phân, thuốc, chăm sóc cây cho năm tiếp theo. Chưa tính đến việc chủ vườn đi thuê đất canh tác, xử lý nghịch mùa và thuê người canh giữ vườn thì chi phí sẽ “đội” thêm từ 60 - 100 triệu đồng.

Ông Huỳnh Tây, một đầu mối thu mua cam ở Trà Vinh cho biết, thị trường ngày càng thu hẹp nên khó mua bán; giá cả lại biến động tùy theo từng ngày, tùy thời điểm hàng ít hay nhiều và hàng đẹp hay xấu. Nếu ngày nào hàng ít sẽ có giá nhỉnh hơn, hàng nhiều dội chợ, giá sẽ xuống thấp. "Bây giờ không còn phân biệt rõ ràng mùa thuận hay mùa nghịch nữa, mà mùa nào cam cũng nhiều. Cam đẹp được thu mua giá khoảng trên 6 triệu đồng/tấn, cam xấu giá sẽ thấp hơn. Nhưng nhìn chung giá hiện tại đã có cải thiện hơn trước khi giá cam rớt chạm đáy”, ông Tây chia sẻ.

Theo Sở NN&PTNT Trà Vinh, diện tích trồng cam của tỉnh tập trung chủ yếu ở huyện Cầu Kè với trên 2.600ha, cho sản lượng khoảng 157.000 tấn/năm. Trước tình trạng này, Sở đang bàn với các ngành chức năng để tìm đầu ra và hướng hỗ trợ cho nông dân.