Sáng ngày 08 tháng 02 năm 2015, tại trạm thu phí Dầu Giây (Km 52+300), ấp Trần Hưng Đạo, xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chính thức thông xe và đưa vào khai thác Đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, nằm trên tuyến đường bộ cao tốc phía Đông thuộc quy hoạch mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam từ TP. Hồ Chí Minh nối Quốc lộ 51, sân bay quốc tế Long Thành và Quốc lộ 1A.
Dự án đi qua địa phận của TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai, được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 334/QĐ-BGTVT ngày 13/02/2007 và điều chỉnh tại Quyết định số 2445/QĐ-BGTVT ngày 08/8/2008; Quyết định số 3064/QĐ-BGTVT ngày 28/11/2012 và Quyết định số 5097/QĐ-BGTVT ngày 31/12/2014 và giao Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam làm Chủ đầu tư.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, dự án đường cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây là một dự án giao thông quy mô lớn với tổng vốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD; được thiết kế xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc hiện đại và đã vượt tiến độ 1 năm, được Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước đánh giá là dự án đường cao tốc đạt chất lượng cao nhất, tốt nhất từ trước tới nay.
Đây là dự án có ý nghĩa quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an ninh quốc phòng của khu vực và của cả nước. Đặc biệt chỉ trong thời gian ngắn nữa là đến dịp kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, công trình được hoàn thành và đưa vào sử dụng có ý nghĩa tri ân sâu sắc đối với đồng chí, đồng bào;đặc biệt là đồng bào, chiến sĩ đã ngã xuống trên mảnh đất này khi tiến vào giải phóng Sài Gòn ngày 30/4/1975.
Nhân dịp này, thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn các tổ chức quốc tế, Chính phủ và nhân dân các nước, đặc biệt là cảm ơn Ngân hàng Phát triển châu Á, Chính phủ và nhân dân Nhật Bản đã tài trợ vốn ưu đãi thời gian dài cho Việt Nam để thực hiện đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng, trong đó có dự án đường cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây.
Thủ tướng nói: Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, tài trợ của các đối tác, đồng thời cam kết sẽ sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay trong và ngoài nước để đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng.
Dự án Đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây có tổng chiều dài toàn tuyến là 55 km và được chia làm hai dự án thành phần với tổng mức đầu tư giai đoạn I là 20.630 tỷ đồng từ vốn vay thương mại (OCR) của ADB (276,8 triệu USD), vốn vay ODA của JICA (640,3 triệu USD) và vốn đối ứng của Việt Nam.
Dự án thành phần I (Đoạn An Phú – Vành đai II) được thiết kế theo tiêu chuẩn đường đô thị, tốc độ thiết kế 80 km/h; quy mô giai đoạn I: 4 làn xe, chiều rộng nền đường 26,5m, mặt đường rộng 2x7,5m và 02 làn dừng khẩn cấp 2x3m. Dự án thành phần II (Đoạn Vành đai II - Long Thành - Dầu Giây) được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 120km/h, riêng cầu Long Thành tốc độ thiết kế 100 km/h; quy mô mặt cắt ngang giai đoạn I: 4 làn xe, chiều rộng nền đường là 27,5m, phần mặt đường rộng 2x7,5m và 02 làn dừng xe khẩn cấp 2x3m.
Do điều kiện địa chất, thủy văn khu vực xây dựng Dự án phức tạp với số lượng lớn gồm 32 cầu (chiều dài 17,5km) nên trong quá trình khảo sát, thiết kế Bộ GTVT và Chủ đầu tư đã chỉ đạo tư vấn nghiên cứu, điều chỉnh thiết kế một số hạng mục của Dự án, điều chỉnh kết cấu cầu Long Thành từ kết cấu cầu dây văng sang sử dụng kết cấu dầm hộp bê tông cốt thép dự ứng lực,... giảm chi phí xây dựng của Dự án so với phương án dự kiến ban đầu hàng nghìn tỷ đồng.
Đặc biệt, cầu Long Thành vượt sông Đồng Nai dài 2,35 km có kết cấu dầm hộp đúc hẫng cân bằng, tĩnh không thông thuyền cao 30,5m thuộc loại lớn nhất tại Việt Nam. Dự án xây dựng 4 nút giao, 01 trung tâm điều hành với hệ thống ITS, 03 trạm thu phí, 1 trạm dừng nghỉ. Xử lý đất yếu với chiều dài 18 km bằng các biện pháp tiên tiến như áp dụng những công nghệ mới, mới được áp dụng tại Việt Nam nhằm nâng cao hiệu quả, rút ngắn thời gian thi công như: cọc đất gia cố xi măng, bơm hút chân không, độ lún có khu vực đến 2,4m…
Được sự quan tâm, hỗ trợ, chỉ đạo sát sao của Chính phủ và sự phối hợp của UBND TP. Hồ Chí Minh, UBND tỉnh Đồng Nai và các Sở Ngành có liên quan cùng với sự cố gắng, nỗ lực của Chủ đầu tư, các Nhà thầu thi công, ngày 02/01/2014 đoạn từ Vành đai II đến Quốc lộ 51 dài 20km đã thông xe đưa vào khai thác; ngày 10/01/2015 đưa vào khai thác thành phần I của Dự án dài 4 km từ Nút giao An Phú (quận 2) đến nút giao Vành đai II (quận 9) vượt tiến độ thi công 6 tháng. Sau 1 năm đưa vào khai thác, đoạn tuyến đã đảm bảo phục vụ cho hơn 5 triệu lượt phương tiện lưu thông an toàn và thông suốt.
Tiếp theo đây, đoạn từ Nút giao Quốc lộ 51 đến Nút giao Dầu Giây dài 30km sẽ được đưa vào khai thác. Như vậy, 9/9 gói thầu được thông xe với chiều dài 55 km đường cao tốc của Dự án đã hoàn thành và đưa vào khai thác, góp phần đẩy mạnh giao thương giữa TP. Hồ Chí Minh với các vùng lân cận, phục vụ việc phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh trong khu vực.
Đoạn từ Nút giao Quốc lộ 51 đến Nút giao Dầu Giây có lý trình từ Km23+900 đến Km54+984 thuộc phạm vi gói thầu xây lắp 5A và 6 do ADB tài trợ. Gói thầu xây lắp số 5A được khởi công vào tháng 12/2013 và đã hoàn thành vượt tiến độ 10 tháng. Gói thầu xây dựng đường, cầu với khối lượng các hạng mục thi công lớn bao gồm 13,9 km trong đó chủ yếu là phần đường đắp cao, có 03 cầu chính và 01 cầu vượt với tổng chiều dài cầu 240m, 07 cống hộp dân sinh, 18 cống thoát nước, 02 cống hộp kỹ thuật, bố trí hoàn chỉnh hệ thống chiếu sáng và các công trình phụ trợ…. Gói thầu xây lắp số 6 được khởi công vào tháng 10/2010, có chiều dài 17Km, xây dựng 9 cầu trên tuyến và cầu vượt với tổng chiều dài cầu 840.6m, 07 cống hộp dân sinh, 57 cống thoát nước, 07 cống hộp kỹ thuật, 01 nút giao (Nút giao Dầu Giây giao QL1A (dạng nút giao hoa thị).
Việc đưa vào khai thác toàn tuyến cao tốc dài 55 km sẽ rút ngắn khoảng cách và thời gian đi các vùng lân cận TP. Hồ Chí Minh. Từ TP.HCM đi Ngã ba Dầu Giây (giao Quốc lộ 1A và hướng đi Liên Khương) theo lộ trình cũ hiện nay dài khoảng 70 km, mất 3 giờ đồng do thường xuyên ùn tắc trong khi đi theo đường cao tốc sẽ rút ngắn được 20km và thời gian lưu thông chỉ còn 1 giờ; đi huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai hiện nay dài khoảng 45 km, mất khoảng 60 phút nay rút ngắn khoảng cách xuống còn khoảng 22 km với thời gian lưu thông chỉ còn khoảng 20 phút và đi Vũng Tàu hiện nay dài khoảng 120 km, thời gian lưu thông hơn 2,5 giờ trong khi đi đường cao tốc sẽ rút ngắn khoảng cách xuống còn khoảng 95km với thời gian lưu thông chỉ còn khoảng 1 giờ 20 phút do rút ngắn được quãng đường và chất lượng lưu thông được đảm bảo không ùn tắc./.