Nhìn lại bức tranh du lịch Việt sau những con số giảm

(PLVN) - Dịp lễ 2/9 vừa qua cho thấy doanh thu về du lịch giảm sút ở nhiều địa phương trên cả nước. Nguyên nhân không chỉ do nhu cầu nghỉ ngơi, tham quan của người dân “hạ nhiệt” trong một thời điểm mà còn do nhiều vấn đề về chất lượng du lịch.
Dịp lễ vừa qua, nhiều cơ sở lưu trú ở Đà Lạt gắn biển còn phòng, giảm giá nhằm thu hút du khách. (Nguồn: Báo NLĐ)
Dịp lễ vừa qua, nhiều cơ sở lưu trú ở Đà Lạt gắn biển còn phòng, giảm giá nhằm thu hút du khách. (Nguồn: Báo NLĐ)

Nhiều điểm du lịch nổi tiếng vắng khách

Trong dịp nghỉ Lễ Quốc khánh vừa qua, theo báo cáo của ngành Du lịch, cả nước có 2,5 triệu lượt khách đi du lịch, giảm 17% so cùng kỳ 2022 và bằng 34% kỳ nghỉ lễ 30/4. Theo báo cáo từ UBND TP Đà Lạt và Sở VH,TT&DL tỉnh Lâm Đồng, trong kì nghỉ lễ, thành phố Đà Lạt có khoảng 90.000 lượt khách, trong đó có 76.500 lượt khách lưu trú, khách quốc tế đạt 6.300 lượt. Mặc dù lượng khách tăng 25% so với cùng kỳ năm 2022 nhưng vẫn chỉ lấp đầy khoảng 50% công suất phòng của toàn thành phố Đà Lạt, thấp hơn so với dự kiến ban đầu.

Thành phố Nha Trang dịp lễ lượng du khách tăng không quá đột biến so với ngày thường, công suất phòng chỉ đạt 60 - 70%, là con số không như kì vọng so với một kì nghỉ lễ dài ngày. Thành phố Phú Quốc đón 62.544 lượt khách, giảm 26,5% so với cùng kỳ, khách tham quan các khu, điểm du lịch 43.335 lượt, giảm 24,4% so với cùng kỳ; khách có lưu trú đạt 19.209 lượt khách, giảm 38,6% so với cùng kỳ. Nhiều địa phương khác cũng ghi nhận số du khách giảm đáng kể, lượng phòng trống nhiều, tình trạng thưa vắng khách tại các khu du lịch...

Tuy nhiên, cũng có vài “điểm sáng” trong bức tranh du lịch đang khá trầm dịp nghỉ lễ vừa qua. Như Đà Nẵng, trong dịp nghỉ lễ, tổng lượng khách đến thành phố tham quan, du lịch đạt khoảng 254.000 lượt, tăng 6,3% so với năm 2022. Trong đó, khách quốc tế đạt gần 78.900 lượt và khách nội địa đạt hơn 175.100 lượt, tổng thu du lịch ước đạt gần 915 tỷ đồng. Bình Thuận ước tính khoảng 116.000 lượt khách, tăng 26% so với 2022, doanh thu khoảng 290 tỷ đồng, bình quân công suất phòng đạt từ 70 - 90%.

Đặc biệt là hai thành phố “đầu tàu” về kinh tế cả nước là TP HCM và Hà Nội, năm nay có những tín hiệu khả quan về du lịch với sự khởi sắc ngay từ thời điểm đầu năm. Trong dịp Lễ Quốc khánh vừa qua, đây cũng là hai thành phố có lượng khách du lịch lớn hàng đầu cả nước. Theo thống kê, TP HCM đạt 960.000 lượt (tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2022) và Hà Nội với 640.000 lượt, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2022.

Về nguyên nhân lượng du khách giảm trên cả nước dịp lễ vừa qua, Cục Du lịch Quốc gia, Bộ VH,TT&DL đưa ra một số yếu tố như xu hướng nghỉ lễ tiết kiệm do người dân thắt chặt chi tiêu, nhiều khách đã đi chơi dịp hè, dành thời gian để trẻ nhỏ chuẩn bị vào năm học mới. Ngoài ra, tại một số địa phương có du lịch biển đảo, do ảnh hưởng của bão, áp thấp nên làm hạn chế số lượng khách đến.

Cần tránh “lối mòn” du lịch

Tuy nhiên, theo đánh giá của một số chuyên gia du lịch, ngoài yếu tố khách quan thì việc giảm sút du khách còn do một số nguyên nhân khác từ nội lực của ngành Du lịch. Một số địa phương như Phú Quốc, Đà Lạt... đã có dấu hiệu “giảm nhiệt” du lịch từ thời điểm trước nghỉ lễ. Nhiều chuyên gia đã đưa ra đánh giá, các địa phương này nhiều tiềm năng, nhưng thời gian qua phát triển chưa đồng bộ, nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp bị ảnh hưởng bởi bố cục xây dựng các công trình “vô tội vạ”, hạ tầng vệ sinh đô thị chưa phù hợp với biến động dân cư và lượng du khách đổ về.

Cạnh đó, theo các chuyên gia, hiện nay nhiều địa phương vẫn đi theo “lối mòn” về du lịch, khai thác các sản phẩm theo lối cũ, chưa có nhiều mô hình sáng tạo mới. Về điều này, TP Hà Nội và TP HCM là hai địa phương trong những năm qua đã có thay đổi đáng kể trong tư duy du lịch, liên tục tìm kiếm và khai thác các tiềm năng vốn có, xây dựng thêm những sản phẩm thú vị, mới mẻ, thế nên đã đạt được con số ấn tượng trong doanh thu du lịch và thu hút du khách nước ngoài từ thời điểm đầu năm đến nay với nhiều con số ấn tượng.

Tại một hội thảo du lịch diễn ra đầu năm 2023, PGS. TS. Phạm Trung Lương đã chia sẻ, Việt Nam là một điểm đến không thua kém các nước trong khu vực, có 8 di sản vật thể và 15 di sản phi vật thể, 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới, 10 vườn di sản mà thế giới đã công nhận. Việt Nam cũng được xem là điểm đến an toàn, thân thiện. Tài nguyên, con người Việt Nam không thua kém các nước khác. Đây là nền tảng hấp dẫn du khách rất lớn mà không phải nước nào cũng có.

Theo phân tích của PGS. TS. Phạm Trung Lương, có một số điểm yếu về du lịch mà chúng ta còn “bỏ ngỏ”, như chậm và chưa cởi mở về kinh tế đêm. Trong khi các nước lân cận phát triển kinh tế đêm theo hướng tích hợp giữa vui chơi, giải trí, mua sắm, ăn uống… thì Việt Nam chỉ có thể làm tốt khoản ẩm thực đêm.

Đồng thời, Việt Nam có rất nhiều điểm du lịch hoang sơ vẫn còn để trống, khiến du khách thất vọng vì những mô hình du lịch thiên nhiên không có gì đổi mới. Theo PGS. TS. Phạm Trung Lương, du lịch khác biệt nằm ở cách khai thác đúng, tối ưu nguồn tài nguyên thiên nhiên, chứ không phải chỉ tập trung vào phát triển khách sạn.

Năm nay, ngành Du lịch đặt mục tiêu sẽ đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, 102 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ khách du lịch khoảng 650.000 tỷ đồng. Để đạt được con số mơ ước này, có lẽ ngành Du lịch cả nước nói chung và mỗi một tỉnh, thành, địa phương nói riêng cần nhìn nhận lại thực tế của hoạt động du lịch, để từ đó khắc phục điểm yếu, lấp đầy những khoảng trống và tạo ra nhiều hơn nữa những sản phẩm ấn tượng, thu hút được du khách xa gần.

Đọc thêm