Có sự lấp liếm và thiếu trung thực ở đây?
Màn thể hiện “bày tỏ quá nhiều cảm xúc” của đạo diễn Việt Tú trong vấn đề tranh chấp bản quyền với công ty Tuần Châu Hà Nội mới đây đã đặt ra nhiều vấn đề về cách một nghệ sĩ lớn cư xử với đứa con tinh thần của mình và với nghệ thuật.
Trước hết, cùng nhìn lại những diễn biến chính trong vụ kiện. Tháng 11/2015, Công ty CP Tuần Châu Hà Nội (Công ty con của tập đoàn Tuần Châu) và Công ty DS (đạo diễn Việt Tú làm chủ) ký hợp đồng sáng tác vở diễn Ngày xưa. Tháng 8/2016, đạo diễn Việt Tú đăng ký quyền tác giả vở diễn, Công ty DS là chủ sở hữu quyền tác giả.
Đạo diễn Việt Tú trong phiên tòa |
Tháng 6/2017, công diễn vở Ngày xưa. Nhưng đợi mãi không thấy đạo diễn “múc cháo”, mặc dù tiền đã trao đầy đủ.
Cực chẳng đã, một tháng sau, Công ty CP Tuần Châu Hà Nội ký hợp đồng với Công ty TMCP Sen Vàng sáng tác, dàn dựng vở Tinh hoa Bắc Bộ.
Tháng 8/2017, Công ty CP Tuần Châu Hà Nội đơn phương chấm dứt hợp đồng với Việt Tú. Tháng 10/2017, Tinh hoa Bắc Bộ ra mắt.
Tháng 3/2018, Công ty CP Tuần Châu Hà Nội kiện đạo diễn Việt Tú vi phạm hợp đồng, chiếm giữ tác phẩm và đòi bồi thường hơn 6 tỷ đồng.
Tháng 5/2018, đạo diễn Việt Tú phản tố, kiện Công ty CP Tuần Châu Hà Nội và đòi bồi thường hơn 6 tỷ đồng. Tháng 3/2019, TAND Hà Nội đưa vụ án ra xét xử.
Ngày 20/3 vừa qua, TAND Hà Nội đã đưa ra phán quyết, theo đó, đạo diễn Việt Tú là tác giả của vở diễn “Ngày xưa”, còn Công ty CP Tuần Châu Hà Nội là chủ sở hữu kịch bản.
Tòa cũng tuyên bố không chấp nhận yêu cầu đòi bồi thường dân sự giữa hai bên, ngoài ra Công ty DS phải giao quyền sở hữu kịch bản vở diễn cho Công ty CP Tuần Châu Hà Nội…
Có thể thấy, bản hợp đồng ký hồi tháng 11/2015 là dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự ra đời tác phẩm Ngày xưa.
Hợp đồng đã ký mang lại lợi ích cho cả hai bên khi Công ty CP Tuần Châu Hà Nội bỏ tiền để có tác phẩm nghệ thuật còn đạo diễn Việt Tú khẳng định được tên tuổi, tạo dấu mốc mới trong nền nghệ thuật nước nhà khi không phải “sống từ sữa mẹ” bằng việc đặt hàng từ Nhà nước.
Việc một công ty lớn chấp nhận rủi ro, ném tiền đầu tư vào một lĩnh vực nhạy cảm như sáng tạo nghệ thuật đủ để khẳng định cái tâm của Công ty CP Tuần Châu Hà Nội muốn góp phần cho nghệ thuật nước nhà.
Một phân cảnh trong vở Tinh Hoa Bắc Bộ |
Đạo diễn Việt Tú chắc chắn biết điều đó và có thể đã lên ý tưởng cho những kế hoạch tiếp theo sau khi ký hợp đồng với Công ty CP Tuần Châu Hà Nội.
Nói có thể là bởi, Công ty DS và đạo diễn Việt Tú lần lượt được đăng ký chủ sở hữu và quyền tác giả đối với vở diễn Ngày xưa.
Trong khi, đáng lẽ Công ty CP Tuần Châu Hà Nội mới là người nắm giữ các quyền này. Nhiều lần trên các phương tiện thông tin đại chúng, Việt Tú khẳng định mời Công ty của ông Đào Hồng Tuyển cùng đăng ký quyền tác giả, vậy còn bản hợp đồng đã ký giữa Công ty CP Tuần Châu Hà Nội với đạo diễn Việt Tú để sản xuất vở Ngày xưa thì sao? Nếu đã bỏ tiền để đạo diễn Việt Tú viết vở Ngày xưa thì đương nhiên các quyền trên phải thuộc về Công ty CP Tuần Châu Hà Nội.
Tuy nhiên, đạo diễn Việt Tú lại có cách ứng xử thiếu văn hóa. Thay vì thực hiện theo hợp đồng đã ký, trung thực, thật thà thì đạo diễn Việt Tú lại chọn cách chống chế, lấp liếm với chính người đã tạo cơ hội cho mình.
Đỉnh điểm của sự việc là màn ăn mừng thái quá của Việt Tú trong phiên tòa diễn ra ngày 20/3 mới đây.
Sự thực Việt Tú có chiến thắng không? Có phải anh đến tòa vì danh dự, vì lương tâm nghề nghiệp như cách anh đã phát ngôn với báo chí ở thời điểm đó? Nếu thực sự có lương tâm với nghề nghiệp, vì sao lại đẩy đứa con tinh thần của mình vào cảnh tranh chấp đáng thương đến vậy?
Tác giả cười, tác phẩm khóc
Sau phiên tòa, dù Việt Tú có vỗ ngực cho rằng mình là người chiến thắng thì đứa con của anh, vở thực cảnh “Ngày xưa” cũng đã phải bất đắc dĩ đón nhận những cái nhìn hoài nghi từ công chúng?
Một tác phẩm có quá nhiều đồn thổi, tranh cãi xung quanh thì người đẻ ra nó (tác giả) còn có thể mỉm cười chiến thắng sao? Nếu có thể, Ngày xưa đã khóc thay người làm ra nó? Việt Tú đã để mất nhiều thứ khi để Ngày xưa vướng vào những tranh chấp!
Mỉm cười và vỗ ngực dương dương tự đắc giữa những tranh cãi về chính tác phẩm của mình, đó không phải là phong thái của một nghệ sĩ lớn, một người làm văn hóa.
Một phân cảnh trong vở Thuở ấy xứ Đoài |
Dĩ nhiên, nghệ thuật cũng có lúc tranh cãi nhưng điều công chúng mong muốn là một thái độ nhẹ nhàng, cầu thị và lắng nghe chứ không phải là sự lên giọng.
Không phải lúc nào nghệ sĩ cũng bị ức hiếp và doanh nghiệp cứ phải là con buôn, mạt hạng xấu xa. Trái lại, nhà đầu tư Tuần Châu Hà Nội đã phải chịu những thiệt thòi khi hợp tác cùng đạo diễn Việt Tú. Họ cũng giữ thái độ im lặng đúng mức trước những phản ứng ồn ào của “đối tác cũ”.
Việt Tú đã đắc thắng trên một số tờ báo nhưng sự thật không phải anh có thể che mặt được hết tất cả giới chuyên môn.
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp vừa có những bày tỏ thẳng thẳn về sự việc tranh chấp bản quyền giữa Cty CP Tuần Châu Hà Nội và đạo diễn Việt Tú.
Chị khảng khái cho rằng: ‘Nghệ sĩ cũng có tiền. Nên người đầu tư mà nhiều tiền không phải cái tội. Nghệ sĩ cũng có công ty. Nên không lo đây là chuyện nghệ sĩ đơn thương độc mã chống lại tập đoàn.
Nghệ sĩ kí hợp đồng nhận đủ thù lao như thỏa thuận. Nên cũng không sợ chuyện ai quỵt tiền của ai. Sáng tạo là một cách gọi.
Tác phẩm là một cách gọi. Đặt hàng cũng là cách gọi. Dự án kinh doanh ăn chia cũng là cách gọi. Ở các góc độ khác nhau muốn cảm tính thế nào thì cảm tính nhưng đừng cứ nhất định đã nghệ nghệ là cao quý và còn lại thì con buôn mạt hạng xấu xa”.
Đạo diễn phim “Đập cánh giữa không trung” nhấn mạnh, vấn đề của sự việc này nằm ở chỗ công ty của đạo diễn Việt Tú đã đi đăng ký bản quyền tác phẩm mà trong hợp đồng ký với công ty đầu tư tác phẩm đó đã được coi là tài sản hợp pháp của nhà đầu tư.
Cũng theo đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, thực cảnh với ao ước đưa sân khấu ra thiên nhiên không phải sáng tạo của cả nghệ sĩ lẫn đầu tư.
“Những mốc thời gian cả hai bên đưa ra đều nhằm mục đích “làm đẹp hồ sơ” của mỗi bên. Thực tế, khi còn hợp tác với nhau, họ đã cùng sang Trung Quốc để xem các vở diễn sân khấu thực cảnh.
Cả nghệ sĩ và nhà đầu tư cũng đều có những tính toán cụ thể về bài toán sinh lợi từ sân khấu thực cảnh và cách kinh doanh văn hóa dân gian”.
Nữ đạo diễn cho rằng dù kết quả được tòa tuyên án thế nào, thì cả Tuần Châu và đạo diễn Việt Tú cùng công chúng đều có những mất mát.
“Vở diễn “Ngày Xưa” mất. “Tinh Hoa Bắc Bộ” mất. Và mình, chúng mình cũng mất nhiều đấy, chẳng ít đâu. Những điều mình tin, chúng mình tin, hoá ra bị dẫm bẹp lâu rồi!”, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp bày tỏ.
Những ồn ào xoay quanh vụ án tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ vở diễn “Ngày xưa” chưa kết thúc mặc dù đã có phán quyết từ tòa án.
Tuy nhiên, qua vụ việc có thể nhận thấy một điểm sáng đó là, trong bối cảnh nền điện ảnh nước nhà vốn quen cảnh “bao cấp”, sống lay lắt theo đơn đặt hàng thì đã có đơn vị tư nhân bỏ ra số tiền lớn, chấp nhận rủi ro để đầu tư vào nghệ thuật.
Nhưng đổi lại, chính những người sáng tạo nghệ thuật, người làm văn hóa lại chưa biết trân trọng điều đó. Ngược lại, sự tham lam của họ khiến nhà đầu tư mất niềm tin, khiến tác phẩm trở nên méo mó. Một người làm văn hóa mà cách hành xử lại thiếu văn hóa thì đó thực sự là một câu chuyện đáng buồn.