Qua 2 ngày thảo luận về văn kiện, có 34 đại biểu thuộc các đoàn đại biểu, các đảng đoàn, ban cán sự đảng, cơ quan phát biểu tại Hội trường và 686 ý kiến phát biểu tại đoàn về các dự thảo văn kiện Đại hội XII với tinh thần sôi nổi, thẳng thắn, dân chủ.
Các ý kiến cơ bản thống nhất đánh giá, các văn kiện thể hiện được điểm mới “phát huy sức mạnh toàn dân tộc”, “phát huy dân chủ XHCN”, “bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định”.
Trong Báo cáo trình Đại hội XII, Đảng đã đánh giá rất thẳng thắn về những thành công, đồng thời nói rõ khuyết điểm và các mục tiêu phát triển là “sự thể hiện rất nghiêm túc, nhìn thẳng vào sự thật, không né tránh, đây là việc dũng cảm của Đảng” – Đại biểu Đặng Quốc Vinh (Hà Tĩnh) nhận xét.
Đánh giá Báo cáo chính trị trình Đại hội XII đã được chuẩn bị kỹ càng, chu đáo, nhưng đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) thấy cần tiếp tục làm rõ ba vấn đề là cơ sở để tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực. Song hành cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế là xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Nhận thấy văn kiện Đại hội XII đã “tiếp thu một cách đầy đủ và mang tầm khái quát cao” các ý kiến góp ý từ cơ sở, đại biểu Nguyễn Minh Hùng (Hải Dương) tin tưởng: “Việc triển khai đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống sẽ tạo bước đột phá, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nước nhà”.
Nhiều đại biểu như đại biểu Đặng Quốc Vinh kỳ vọng “Đại hội XII sẽ là một khởi đầu cho công cuộc đổi mới (lần II) của Đảng” nên theo ông, cần thực hiện tốt yếu tố mấu chốt là “dân chủ tập trung, kiểm soát quyền lực, vững bước đi lên trên con đường đổi mới” để mở ra một thời kỳ mới cho dân tộc ta, đất nước ta, Đảng ta.
Cũng theo các đại biểu, văn kiện Đại hội XII đề cập được những thành tựu kinh tế - xã hội nước ta đã đạt được 5 năm qua dù bối cảnh có nhiều diễn biến phức tạp như kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế ở mức phù hợp...
Vì vậy, đại biểu cũng cơ bản tán thành những nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới mà theo đại biểu Nghiêm Xuân Thành (Đoàn khối doanh nghiệp Trung ương) là “hết sức lớn lao”, nhất là khi đất nước đang hòa nhập sâu rộng với thế giới.
Theo đại biểu Phạm Minh Đạo (Đồng Nai), cần có sự chuẩn bị kỹ, phải tự nâng “sức đề kháng”, đó là năng suất, giá thành, chất lượng khi nền sản xuất trong nước còn nhỏ bé, cần có những định hướng chiến lược, đẩy mạnh liên kết để xử lý những vấn đề cần khắc phục để kinh tế hợp tác đủ mạnh, vươn lên, đủ sức tham gia “sân chơi hội nhập”.
Trong khi đó, đại biểu Phạm Thiện Nghĩa (Đồng Tháp) mong muốn quan tâm hơn đến ngành công nghiệp để tạo động lực cho kinh tế phát triển thời gian tới vì “lực lượng này phải có sự đầu tư, phát triển tương xứng khi đang có những chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp”.