Đại đội Pháo cao xạ 612 của chúng tôi được thành lập từ năm 1951. Tôi còn nhớ rất rõ, hôm đó là ngày 2 – 1 – 1952, trên đường đi làm việc ở Liên Xô (cũ) và Trung Quốc về, Bác Hồ ghé lại nghỉ ở Ban tiếp nhận biên giới của ta cũng đặt trụ sở gần đó. Ban này thuộc Tổng cục Cung cấp của QĐND Việt Nam làm nhiệm vụ tiếp nhận hàng viện trợ của các nước anh em giúp ta.
Bác Hồ về thăm Lai Sơn. |
Chiều hôm ấy, theo lệnh trên, Đại đội 612 tập trung để đón một cán bộ cao cấp đến thăm. Đúng 15 giờ, trừ một số anh em trực chiến, mọi người đã tới đầy đủ, đội ngũ chỉnh tề tại mảnh sân nhỏ. Đại đội phó Trần Thọ Vệ đang nhắc bộ đội đốn chỉnh lại trang phục thì đã thấy Bác Hồ cùng đồng chí Trần Đăng Ninh – Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp của quân đội (nay gọi là Tổng cục Hậu cần) từ nhà làm việc của Ban tiếp nhận biên giới đi thẳng đến nơi đơn vị đang họp.
Anh Vệ và chúng tôi vô cùng phấn khởi không ngờ người cán bộ cao cấp đến thăm đại đội lại chính là Bác Hồ. Sinh thời ở cương vị Chủ tịch nước, Bác đã tới thăm nhiều địa phương, cơ quan và đơn vị quân đội. Nhưng trường hợp Đại đội chúng tôi được Bác Hồ đến thăm thật đặc biệt.
Đại đội phó Trần Thọ Vệ đĩnh đạc hô bộ đội đứng nghiêm và bước chân tới chào, báo cáo Bác và đồng chí Trần Đăng Ninh. Bác giơ tay cho phép anh em về tư thế nghỉ và nói:
- Hôm nay trên đường đi công tác xa về, Bác đến thăm các chú. Các chú có khỏe không, ăn có no không, có tranh thủ tăng gia sản xuất để cải thiện bữa ăn không, có phạm kỷ luật gì với dân không?
Anh Vệ thay mặt đơn vị lần lượt trả lời những câu hỏi của Bác. Chưa được lệnh của chỉ huy trực tiếp, chúng tôi vẫn ở tư thế đứng nghiêm. Thấy vậy, Bác Hồ cười và nhắc anh Vệ:
- Kìa, chú chỉ huy cho anh em nghỉ đi chứ để bộ đội “lập chính” mãi sao? (lập chính là đứng nghiêm theo tiếng Trung Quốc).
Anh Vệ vừa hô “Nghỉ” thì toàn đại đội không ai bảo ai đã đồng thanh hô to nhiều lần “Hồ Chủ tịch muôn năm!”.
Khi bắt đầu nói chuyện với bộ đội, Bác Hồ mới bỏ khăn ra vắt lên vai trái. Bác còn đeo một túi dết to bên vai phải. Bác hỏi:
- Hồi sáng các chú bắn máy bay phải không?
Anh Trần Thọ Vệ thưa với Bác:
- Dạ, đúng ạ!
- Có trúng không?
Chỉ huy của chúng tôi nói nhỏ như nhận lỗi với Bác:
- Dạ, không ạ!
Bác Hồ hỏi tiếp:
- Các chú bắn hết bao nhiêu đạn?
- Dạ, không kể đạn 12 ly 7, riêng đạn 37 ly thì hơn năm chục viên ạ!
- Các chú có biết mỗi viên đạn bao nhiêu tiền không?
Anh Vệ thưa:
- Dạ, chúng cháu có nghe đồng chí giáo viên người Trung Quốc nói mỗi viên đạn pháo 37 ly giá tương đương một đồng cân (chỉ) vàng ạ.
Bác Hồ gật đầu và nói nhẹ nhàng:
- Vậy là sáng nay các chú đã bắn đi hơn năm lượng vàng rồi đấy. Nước ta còn rất nghèo, lại lạc hậu, phần lớn vũ khí phải nhờ anh em bè bạn giúp đỡ. Súng đạn là loại hàng quý và đắt. Khi sử dụng phải hết sức tiết kiệm. Muốn thế phải chịu khó tập luyện, nắm vững kỹ thuật, làm chủ được trang bị, thành thạo chiến thuật để bảo đảm đã đánh là thắng, đã bắn là trúng phải không các chú?
Cả đại đội đồng thanh đáp:
- Thưa Bác, đúng ạ!
Bác Hồ tiếp tục nói chuyện với đơn vị, Bác căn dặn mọi người phải đoàn kết chặt chẽ, giữ nghiêm kỷ luật, có mối quan hệ tốt với nhân dân trong vùng, tôn trọng phong tục tập quán của đồng bào.
Bác nói tiếp:
- Bây giờ chúng ta mới có 4 khẩu cao xạ pháo 37 ly. Sau này trên bước đường đi lên của cuộc kháng chiến, chúng ta sẽ có hàng trăm khẩu như thế này. Các chú phải phấn đấu làm nòng cốt cho một binh chủng pháo cao xạ lớn mạnh trong tương lai. Các chú phải an tâm công tác vì đóng quân ở nơi đây, chiến đấu ở nơi này cũng là nhiệm vụ cách mạng giao cho.
Trước lúc ra về, Bác Hồ còn căn dặn:
- Hôm nay tới thăm các chú cũng là dịp Bác chính thức phát động một đợt thi đua luyện quân lập công mới cho đơn vị các chú. Khi nào các chú bắn rơi được máy bay nhớ báo tin cho Bác biết, Bác sẽ khen thưởng.
Sau ngày được đón Bác Hồ, đơn vị chúng tôi đã sôi nổi thi đua thực hiện lời căn dặn của Người. Và ngày 5 – 3 – 1952, sau hơn 2 tháng Bác Hồ đến thăm, trong một trận đánh bảo vệ cầu Thuỷ Khẩu, chỉ bằng hai loạt điểm xạ ngắn, chưa đến 30 viên đạn 37 ly, Đại đội chúng tôi đã bắn rơi tại chỗ một máy bay khu trục Pháp F8F Biê-cát biệt danh “gấu mèo”.
Chính trị viên đại đội Bùi Văn Số viết ngay thư báo công lên Bác Hồ. Chỉ ít ngày sau, Đại đội chúng tôi đã nhận được thư khen của Bác Hồ tự tay đánh máy.
Lá thư bằng giấy pơ-luya nhỏ hơn khổ giấy học sinh bây giờ. Thư của Bác rất ngắn gọn, dễ nhớ. Bác viết: “Bác rất vui khi nhận được thư báo công của các chú báo cho Bác biết các chú đã bắn rơi được máy bay địch tại chỗ. Các chú đã thực hiện được mong ước của Bác. Bác sẽ đề nghị Chính phủ khen tặng Huân chương cho đơn vị các chú. Riêng Bác, Bác thưởng cho các chú một con bò để khao quân.”
Tấm Huân chương Chiến công hạng nhất mãi hơn một năm sau đơn vị mới nhận được nhưng chỉ vài ngày sau khi nhận được thư của Bác Hồ, đồng chí Nguyễn Danh Phan, trưởng ban Tiếp nhận biên giới thừa lệnh Bác đã chuyển cho chúng tôi con bò nặng gần một tạ để đơn vị tổ chức bữa ăn tươi liên hoan mừng chiến thắng.
Thế Trường
(Cựu chiến binh pháo cao xạ)