Nhớ tác giả 'Xứ Đoài mây trắng'

(PLO) -Tham gia hoạt động sáng tác văn chương lâu nay, nhưng “Xứ Đoài mây trắng” lại là tiểu thuyết đầu tay của tác giả Nguyễn Sơn Đỗng. Khi cuốn tiểu thuyết được giới thiệu đến tay bạn đọc thì ông đã ra đi sau thời gian dài lâm trọng bệnh vào tối 28/12 tại nhà riêng thôn 4, xã Chàng Sơn, Thạch Thất, Hà Nội.
Nhớ tác giả 'Xứ Đoài mây trắng'

Ngay sau khi ra mắt, có thể nói, “Xứ Đoài mây trắng” đã có ngay “lối đi riêng” đi vào tâm thức người đọc rất đỗi tự nhiên và đó chính là thành công của tác giả Nguyễn Sơn Đỗng.

Đọc và cảm nhận về cuốn tiểu thuyết, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã viết: Tôi đọc cuốn tiểu thuyết “Xứ Đoài mây trắng” của tác giả Nguyễn Sơn Đỗng, tôi lại nhớ đến quê tôi, cũng ở một làng quê nghèo “Kẻ Rủn”, một làng cổ xứ Thanh- làng Thạch Khê, tỉnh Thanh Hóa. “Xứ Đoài mây trắng lắm” phản ánh rất đậm nét bức tranh sinh động về con người- cảnh vật- mối quan hệ xóm làng những năm đầu thế kỷ 20, người nông dân Viêt Nam bị hai tầng áp bức, bóc lột là thực dân và phong kiến.

Đánh giá của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cũng là cảm nhận của tôi khi lật giở những trang tiểu thuyết “Xứ Đoài mây trắng”. Tác giả là một đảng viên 40 năm tuổi Đảng, nguyên Giám đốc Sở Lâm nghiệp của tỉnh Vĩnh Phú trước đây, nhưng lại rẽ ngang có vẻ trái chiều nghề nghiệp với các sáng tác văn chương.

Tiểu thuyết có 34 chương là bức tranh tổng thể về xã hội nông thôn Bắc bộ, cụ thể ở đây chính là vùng quê Chàng Sơn, Thạch Thất, Hà Nội, quê hương của ông. Cốt truyện cuốn tiểu thuyết có sự pha tạp giữa tư duy hồi cố, khởi đầu từ bối cảnh năm 1943 rồi ngược trở lại thế kỷ 16, cuối thế kỷ 19 và những năm đầu thế kỷ 20, sau đó tiếp diễn đến thời kỳ gần cận Cách mạng Tháng Tám năm 1945…

Trên nền tảng văn hóa vùng Kẻ Nủa-Chàng Sơn-xứ Đoài là câu chuyện của các dòng tộc, dòng họ với sự tiếp nối của vài ba thế hệ. Mạch truyện xòe như nan quạt, vừa xâu chuỗi vào cốt lõi thế hệ gia đình, vừa lan tỏa với chuyện tình làng nghĩa xóm, hội làng, chuyện đi làm thợ xẻ mạn ngược, đi học vẽ, đi phu đồn điền… Tuy nhiên, kể từ khoảng chương 28 đến hết, cốt truyện trở về những vấn đề xã hội tương đối quy phạm, quen thuộc thời kỳ đêm trước Cách mạng Tháng Tám…

Một điểm mạnh của tiểu thuyết “Xứ Đoài mây trắng” chính là khả năng tái hiện tính cách, tâm lý nhân vật và bối cảnh phong tục, tập quán, đời sống làng quê hồi đầu thế kỷ 20. Con người thôn quê cộng sinh trong nếp sống, nếp tâm lý và ứng xử với tất cả sự tốt đẹp và ngô nghê, cổ hủ và láu cá, trong sáng và tăm tối, chân thành đã được thể hiện một cách chân thực, sinh động.

Có thể thấy được nhiều trang viết sinh động về gia cảnh đời thường dân quê, cưới hỏi, ốm đau, vay giật; cảnh hội quê, chợ quê, tết quê, chiều quê; cảnh tát nước, đơm cá, gặt lúa, gặp gỡ bậc chức sắc, kỳ lão, phố thị, người Tây… Lại có thể gặp những mối tình chân quê, bình dị, bản năng đầu làng cuối xóm hồi đầu thế kỷ 20, nhưng đã được phân tích, soi tỏ trong tâm thức hiện đại như chuyện ông Quý, chuyện Hai Vệ với Lành… Nét phồn thực nhân tính muôn đời góp phần gia tăng phong vị đời thường và giá trị nhân văn cho tác phẩm.

Thêm một điểm mạnh khác nữa của tiểu thuyết Xứ Đoài mây trắng là văn phong thực sự giàu chất tiểu thuyết. Lời văn linh hoạt, hàm súc, chuyển đoạn nhanh, giàu phong vị điện ảnh. Có thể tìm thấy ở đây số lượng phong phú các từ ngữ gắn với đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất thôn quê trước đây. Trong đó, nhiều lời thoại và lối sống hầu như đã chuyển về thời quá khứ hoặc chỉ còn được bảo lưu thưa thoáng ở một vài vùng quê. Tiểu thuyết đã khơi gợi, phản ánh sinh động không gian, môi trường, cuộc sống, tâm tư người nông dân nửa đầu thế kỷ 20.

Nhận xét về cuốn tiểu thuyết, Giáo sư, Tiến sĩ Bae Yangsoo, Trưởng khoa Tiếng Việt, Đại học Ngoại ngữ Busan, Hàn Quốc, một nhà nghiên cứu văn học Việt Nam đã viết: “Tiểu thuyết “Xứ Đoài mây trắng” đã thực sự giúp tôi hiểu biết nhiều hơn về văn hóa và con người Việt Nam. Thiết chế làng, xã đúng là nhân tố làm cho văn hóa Việt Nam mãi trường tồn trước tất cả các cuộc xâm lăng văn hóa trong lịch sử, từ chủ ý đồng hóa của thời Bắc thuộc nghìn năm đến cuộc xâm lược của văn hóa phương Tây từ thực dân Pháp.

Thông qua các xung đột nội tâm ở các nhân vật, Nguyễn Sơn Đỗng đã cho chúng ta thấy ở bên ngoài xã hội Việt Nam thời đó đang xảy ra cuộc đấu tranh cam go chống ngoại xâm, giành độc lập dân tộc, thì trong mỗi con người cũng là cuộc đấu tranh không kém phần khốc liệt giữa các lề thói phong kiến của Nho giáo quy định trong xã hội như cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy trong hôn nhân, và những khát khao cháy bỏng của người con gái trong tình yêu nam nữ đòi hỏi được thực sự là mình. Ở góc nhìn văn chương về xã hội, “Xứ Đoài mây trắng” đáng để cho những người nước ngoài như tôi nghiền ngẫm và càng đọc càng cuốn hút...”.

Đọc thêm