Bởi trong vài năm gần đây, một số trường như: Chuyên THPT Hà Nội - Amsterdam, THCS Cầu Giấy, THCS Lương Thế Vinh, THCS Đoàn Thị Điểm… đều tuyển sinh vào lớp 6 bằng cách xét tuyển dựa trên học bạ 5 năm tiểu học và giải thưởng các cuộc thi. Song học bạ và các giải thưởng “đẹp như mơ” ấy, nhiều em có sức học ngược lại với những thành tích hào nhoáng…
Cuộc đua “chạy” giải thưởng
Năm 2014, Bộ GD&ĐT đã ban hành Chỉ thị chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm đối với giáo dục tiểu học. Trong đó, nêu rõ các trường không tổ chức khảo sát học sinh đầu năm học, không tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp 6 dưới mọi hình thức. Từ năm học 2015 - 2016 đến nay, các trường điểm, trường chất lượng cao trên địa bàn thành phố Hà Nội như: THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, THCS Cầu Giấy, Lương Thế Vinh, Marie Curie... chỉ thực hiện xét tuyển học sinh vào lớp 6 dựa vào kết quả 5 năm tiểu học của học sinh và các tiêu chí phụ.
Thế nhưng thực tế, nhiều trường THCS lại cho rằng, việc tuyển sinh dựa trên học bạ có thể không chính xác. Điều đó được thể hiện khi việc kiểm tra kiến thức đầu năm học lớp 6, nhiều học sinh có học bạ đẹp nhưng kiến thức thực sự không như vậy. Mặt khác, có một số trường lại cho rằng, việc đánh giá kết quả học ở các trường tiểu học rất khác nhau nên Bộ GD&ĐT cần sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh vào cấp THCS với trường có đông học sinh đăng kí.
Những năm lại đây, điều kiện để xét tuyển vào trường, học sinh phải có 5 năm liền đạt học sinh giỏi, nhưng đó chỉ là điều kiện cần. Do hầu hết các học sinh dự tuyển đều đạt được tiêu chí này nên nhà trường phải tìm những tiêu chí khác để lựa chọn học sinh. Để có một “tấm vé” vào trường điểm, nhiều phụ huynh bắt con phải tham gia các cuộc thi của thành phố, của ngành Giáo dục… để có thêm điểm cộng.
Mùa tuyển sinh năm 2017, cố PGS Văn Như Cương - Chủ tịch HĐQT Trường Lương Thế Vinh cho biết: “Khoảng 2 năm trở lại đây, khi Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường thay vì tổ chức thi tuyển, phải tiến hành xét tuyển vào lớp 6, trung bình mỗi năm Trường Lương Thế Vinh nhận được khoảng 4.000 hồ sơ xét tuyển.
Trong đó, có đến 1.000 hồ sơ được điểm 10 tuyệt đối cả hai môn Toán, tiếng Việt suốt 5 năm tiểu học. Do có hàng nghìn hồ sơ đạt điểm tuyệt đối mà chỉ tiêu tuyển sinh chỉ được 600, chúng tôi buộc phải đưa ra tiêu chí phụ là các giải thưởng văn hóa, thể thao để lọc hồ sơ. Nhưng cứ 10 thí sinh đăng ký vào trường thì 3 em có giải thi học sinh giỏi cấp trường, cấp quận, thi Toán, tiếng Anh qua mạng, thi thể dục thể thao…
Không hiểu sao học sinh hai năm qua lại được nhiều điểm tuyệt đối, nhiều giải thưởng ở các cuộc thi như vậy? Chúng tôi không làm khảo sát và cũng không thể kiểm tra lại tất cả giải thưởng mà hàng nghìn học sinh đạt được trong các cuộc thi. Tuy nhiên, có phụ huynh đã nói nhỏ với tôi rằng những giải văn nghệ, thể thao họ bỏ vài triệu ra mua, thậm chí xin là được. Thực tế đó khiến chúng tôi băn khoăn liệu những hồ sơ được điểm 10 tuyệt đối và các giải thưởng văn nghệ, thể thao, thi qua mạng kia có là thực chất?”.
Như vậy, áp lực đối với học sinh và phụ huynh không hề giảm đi mà dường như đang chuyển hướng khi các em phải tham gia quá nhiều cuộc thi từ văn hóa đến văn nghệ, thể thao với mục đích chỉ để lấy được điểm ưu tiên trong xét tuyển. Và qua quá trình triển khai, các trường trung học cơ sở lúng túng không biết phải làm sao, khi số lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển cao gấp 3-4 lần chỉ tiêu và gần như hồ sơ nào cũng “đẹp tuyệt đối”.
Thi một sàng sẽ tránh “lọt học sinh giỏi”!
Theo ông Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Marie Curie, trong bối cảnh bỏ chấm điểm ở bậc tiểu học, học bạ của các em đều đẹp như nhau, ngành Giáo dục lại cấm thi tuyển thì việc đạt giải ở một kỳ thi nào đó chính là tiêu chí quan trọng để nhà trường có thể lựa chọn học sinh một cách công bằng. Hơn nữa, nếu có những trường hợp chạy điểm để có giải trong một kỳ thi học sinh giỏi nào đó, nhà trường cũng rất khó có thể phát hiện những trường hợp như vậy.
Do đó, việc cho phép các trường được tổ chức thi tuyển để chọn học sinh phù hợp là giải pháp khách quan và công bằng. Đồng quan điểm trên, cố PGS Văn Như Cương cũng đã nhiều lần bày tỏ: “Nếu có một kỳ thi thì sự công bằng sẽ nhìn thấy ngay, vì tất cả học sinh đều phải “nhảy” qua một mức dây hay một cái “sàng”. Còn vẫn tiến hành xét tuyển như hiện nay, tôi e rằng các trường sẽ để lọt lưới học sinh giỏi thật sự”.
Bà Phạm Thị Lệ Hằng - Phòng Giáo dục quận Hà Đông (Hà Nội) cũng cho rằng, đối với những trường chuyên và trường đặc thù, phương án mà Bộ GD&ĐT vừa đưa ra là phù hợp. Điều này càng có ý nghĩa khi mà Bộ GD&ĐT đã và đang tinh giản bớt các cuộc thi để giảm áp lực cho giáo viên và học sinh, siết chặt và điều chỉnh việc cộng điểm từ các cuộc thi, đảm bảo sự công bằng.
Ở góc độ nhà trường, ông Phạm Trung Dũng - Hiệu trưởng Trường Lương Thế Vinh, Hà Nội cho biết: “Nhà trường ủng hộ chủ trương này vì sẽ đảm bảo tính chính xác và công bằng hơn khi tuyển sinh. Cũng theo ông Dũng, với bài thi đánh giá năng lực, dù hiện tại chưa có hướng dẫn chính thức song nhà trường có thể sử dụng phương thức phỏng vấn, kiểm tra trắc nghiệm hay khảo sát đầu vào để lựa chọn học sinh phù hợp. So với việc phải tham gia nhiều cuộc thi để lấy điểm ưu tiên, một cuộc kiểm tra, khảo sát đầu vào sẽ giúp học sinh bớt vất vả và công bằng hơn”.
Và trước băn khoăn của dư luận, liệu có thể tái diễn chuyện ôn thi, luyện thi, ông Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho biết, việc Bộ GD&ĐT đưa ra phương án mới cũng nhằm hạn chế tình trạng này. Nếu kiểm tra kiến thức ở môn Toán học có thể giao cho học sinh một phương trình hay nội dung nào đó dùng kiến thức để giải. Còn khi đánh giá năng lực, giáo viên sẽ giao cho học sinh vận dụng kiến thức mình làm để giải quyết vấn đề cụ thể. Các thầy cô không chỉ trang bị kiến thức mà còn phải làm sao cho học sinh biết vận dụng kiến thức đó để giải quyết tình huống phù hợp.