Nhớ về bản Hiến pháp đầu tiên thấm đượm tinh thần pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh

(PLO) - Ngày Pháp luật 9/11 có ý nghĩa chính trị, pháp lý quan trọng bởi đó là ngày ban hành Hiến pháp năm 1946 - Hiến pháp đầu tiên của một nước Việt Nam độc lập, thể hiện sâu sắc các nguyên tắc, giá trị cơ bản của Nhà nước pháp quyền và tư tưởng pháp quyền nhân nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tư tưởng Hiến pháp, pháp quyền của Người đã hình thành từ rất sớm, ngay từ trong tác phẩm “Việt Nam yêu cầu ca” năm 1922: “Bảy xin Hiến pháp ban hành. Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”.
Thượng tôn pháp luật không chỉ về nguyên tắc, hình thức
Ngày Pháp luật quốc gia cũng như mỗi ngày, chúng ta ghi nhớ những điều Người đã dạy và mong muốn mọi người thực hiện: “Phải nhận thức cho tốt và chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật. Sự bình đẳng trong xã hội ở nơi pháp luật. Dân chủ đúng đắn cũng ở nơi pháp luật” và: “Quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”.
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cũng bao hàm cả việc học tập và làm theo tư tưởng pháp quyền nhân nghĩa, thượng tôn Hiến pháp, pháp luật của Người. Thượng tôn pháp luật thể hiện ở quyền lực của pháp luật được xác lập, tôn trọng và phục tùng. Thượng tôn pháp luật không chỉ về nguyên tắc, hình thức mà còn về nội dung của pháp luật thể hiện sự công bằng, quyền, tự do, lợi ích chính đáng của con người, trật tự và lợi ích chung của cộng đồng, xã hội.
Làm sao cho tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật thẩm thấu, lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội, không phải là điều gò bó, áp đặt mà là tự nguyện, tự giác. Tinh thần thượng tôn pháp luật cần lan tỏa vào ý thức, vào mỗi việc làm của mỗi cá nhân, ở mọi nơi, mọi lúc, bởi lẽ thượng tôn pháp luật đem lại hữu ích cho cuộc sống của con người.
Đúng là có rất nhiều việc phải làm, nhiều tình huống khó khăn, phức tạp đang đặt ra trước Nhà nước, trước mỗi người. Song, thấm nhuần lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc gì có lợi cho dân, cho nước thì khó mấy cũng phải làm. Vận dụng vào cuộc sống hôm nay, có lẽ chúng ta, mà trách nhiệm trước hết là thuộc về các cơ quan nhà nước, đó là cần xếp theo thứ tự ưu tiên đối với những “việc cần làm ngay” nếu việc đó liên quan trực tiếp đến sự an toàn cho sức khỏe, tính mạng của con người, bởi con người là vốn quý nhất, là giá trị cao quý nhất.
Một trong những việc cần ưu  tiên đầu tư đó là tạo lập, giữ gìn sự an toàn cho con người, cộng đồng  mỗi khi tham gia giao thông, mỗi khi đến với các cơ sở y tế. Đó chính là những việc làm thiết thực nhất, bởi mọi sự chậm trễ, mọi sự tắc trách trong hoạt động của cơ quan, công chức nhà nước đều ảnh hưởng đến lợi ích, sự an toàn, sức khỏe, đôi khi cả tính mạng của con người.    
Tinh thần Ngày Pháp luật sẽ dần dần lan tỏa
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã có câu nói rất ý nghĩa và sinh động khi đề cập đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và Ngày Pháp luật 9/11 sẽ tổ chức hàng năm: “ Trong một Nhà nước pháp quyền thì ngày nào cũng là Ngày Pháp luật”. 
Ngày nào cũng là Ngày Pháp luật, để cho mỗi người tăng thêm hiểu biết về pháp luật liên quan đến cuộc sống của mình qua các kênh truyền tải khác nhau, trong đó có hệ thống thông tin, tiếp cận, giáo dục pháp luật, thi hành pháp luật. Ngày Pháp luật có ý nghĩa xã hội, nhân văn sâu sắc, rộng lớn.
Tinh thần Ngày Pháp luật sẽ dần dần lan tỏa trong đời sống mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng và toàn xã hội. Bằng cách đó để tạo lập tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật, bởi giá trị, vai trò to lớn, thiết thực của Hiến pháp và pháp luật đối với cuộc sống của mỗi người.

Đọc thêm