Tháng 8/2012, trời cao nguyên bất chợt mưa, bất chợt nắng. Giám đốc Sở Tư pháp Lâm Đồng –Vũ Văn Sê nói với tôi: “Trong các hoạt động của Tư pháp tại địa phương, tôi thấy nổi bật nhất vẫn là hoạt động của Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL). Anh thử tìm hiểu xem sao”…
|
Trợ giúp pháp lý cho bà con dân tộc huyện Đam Rông |
Giải tỏa tranh chấp bằng trợ giúp tại chỗ
Cho tới bây giờ tôi vẫn chưa quên những cảm giác nhọc nhằn, vất vả nhưng mà …vui trong những chuyến “cõng” luật về với bà con dân tộc vùng sâu huyện Đam Rông cùng với anh chị em Trung tâm TGPL tỉnh Lâm Đồng (TT).
Từ mờ sáng chúng tôi đã phải tập trung và vượt hàng trăm cây số đèo dốc, mới vào được tận nơi. Đoàn trợ giúp mang theo lỉnh kỉnh nào băng rôn, biểu ngữ, nào tài liệu, tập gấp pháp luật, nào loa phóng thanh… Ăn uống thì chẳng có gì ngoài bánh ướt, mì gói và bánh mì. Vào đến nơi thì đã xế chiều, bà con và các em nhỏ đón chúng tôi như … đón đoàn văn công!
Chúng tôi vừa tuyên truyền pháp luật, vừa tư vấn giúp bà con giải quyết những thắc mắc về đất đai, hôn nhân gia đình. Bà con thì cứ hỏi đi hỏi lại, ai cũng đòi phải phát cho một tờ gấp pháp luật, không ai chịu nhường ai, khiến cả đoàn tất bật nhưng trên môi ai cũng nở nụ cười.
Vất vả là vậy, song từ đầu năm đến nay anh chị em ở TT và 2 chi nhánh Bảo Lộc và Di Linh đã thực hiện 59 cuộc TGPL lưu động đến 8 thôn, 50 xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn của 9 huyện tại địa phương. Qua các đợt TGPL các chuyên viên của TT phối hợp với các cộng tác viên (CTV) cơ sở đã trực tiếp tư vấn cho bà con tổng cộng 1.296 vụ việc, cấp phát 6.480 tờ gấp pháp luật với những nội dung khá phong phú, ngắn gọn có liên quan đến pháp luật đất đai, hình sự, hôn nhân gia đình…
Đồng thời qua đó, cũng đã nắm bắt được nhu cầu TGPLcủa người dân địa phương, sự quan tâm của các ban ngành đoàn thể đến hoạt động trợ giúp pháp lý. Sau khi được trợ giúp pháp lý, nhiều người hiểu ra thở phào nhẹ nhõm, từ đó đã góp phần không nhỏ trong việc giải tỏa các tranh chấp, giúp người dân hiểu biết pháp luật và nâng cao nhận thức ý thức chấp hành pháp luật.
Gỡ “vướng” bằng nhân lực và nguồn kinh phí
Chỉ trong 9 tháng (từ 01/10/2011-30/6/2012) TT đã thực hiện TGPL được 1.681 việc cho các đối tượng có nhu cầu trợ giúp pháp lý, trong đó có hơn 1.200 người là đồng bào dân tộc, số còn lại là đồng bào nghèo, trẻ em và người có công với cách mạng. Bên cạnh đó, TT còn thực hiện tư vấn, giải đáp pháp luật tại trụ sở được 274 vụ việc; TGPLdưới hình thức tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng 111 vụ việc nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà con dân tộc và các đối tượng chính sách. So với cùng kỳ năm 2011 thì hầu hết các đối tượng được TGPL đều tăng.
Điều đáng ghi nhận là TT đã tập hợp một lực lượng CTV khá hùng hậu gồm 169 người. Ngoài ra, còn có 44 câu lạc bộ TGPL (CLB) được thành lập tại 12 huyện, thị, thành phố với 339 thành viên Ban chủ nhiệm, nhằm đưa kiến thức pháp luật về tận địa bàn dân cư vùng sâu, vùng xa. Các CLB sinh hoạt định kỳ mỗi tháng 1 lần với nội dung sinh hoạt liên quan thiết thực đến đời sống hàng ngày của người dân địa phương.
Tuy nhiên, trao đổi với PLVN ông Đỗ Xuân Hùng- Giám đốc TT tâm sự : “Công tác TGPLtrên địa bàn tỉnh thời gian quan cũng gặp một số khó khăn, hạn chế như: Đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý tuy đã được tăng cường nhưng do mới bổ nhiệm nên chưa có kinh nghiệm trong hoạt động TGPL bằng hình thức tố tụng; Việc khuyến khích các CTV tham gia TGPL gặp nhiều khó khăn vì hiện nay các CTV chủ yếu là kiêm nhiệm nên không có thời gian, chế độ thanh toán thấp, thủ tục thanh toán rườm rà, nhất là việc cử Luật sư là CTV tham gia tố tụng ở vùng sâu tiền thù lao không đủ chi phí đi lại. Công tác tham gia tố tụng của Trợ giúp viên ở vùng sâu không có công tác phí, chế độ bồi dưỡng thấp nên khó quá!”
Hi vọng rằng những “cái khó” nói trên sẽ được các cơ quan chức năng và chính quyền tỉnh Lâm Đồng kịp thời quan tâm giải quyết để giúp ngành Tư pháp địa phương và TT có thể hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ đưa pháp luật về với bà con dân tộc, bà con nghèo, gia đình chính sách vùng sâu, vùng xa nhằm góp phần thực hiện công bằng xã hội.
Phúc Ân