Nhóm máu nào ít có nguy cơ mắc COVID-19?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Kết quả một số nghiên cứu trên thế giới cho thấy có xu hướng tỷ lệ mắc COVID-19 ở người nhóm máu O thấp nhất so các nhóm khác. Tuy nhiên, đa phần các nghiên cứu là đơn lẻ, chỉ xem xét dữ liệu từ nhóm nhỏ cá nhân, còn có nhiều yếu tố gây sai lệch kết quả.
Ảnh minh họa: Shutterstock
Ảnh minh họa: Shutterstock

Theo TS.BS Trần Ngọc Quế, Phụ trách Trung tâm Máu quốc gia, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương chia sẻ, hệ nhóm máu ABO của con người do kháng nguyên A và B có hay không có trên bề mặt hồng cầu quy định, mỗi người có một trong 4 nhóm máu chính là A, B, AB và O (không có kháng nguyên A và B).

"Số lượng kháng nguyên nhóm máu có rất nhiều trên bề mặt hồng cầu, tuy nhiên, có rất ít trên bề mặt các tế bào khác. Bên cạnh đó, bệnh COVID-19 liên quan đến niêm mạc đường hô hấp, có cơ chế phân tử rất phức tạp, virus chủ yếu xâm nhập vào tế bào niêm mạc đường hô hấp mà không vào tế bào máu (cũng không lây nhiễm qua đường máu). Vì vậy, khó có thể khẳng định nhóm máu ảnh hưởng đến nguy cơ nhiễm cũng như những tiến triển của COVID-19", bác sĩ Quế cho hay.

Một số nhà nghiên cứu trên thế giới đưa ra giả thuyết, tìm hiểu mối tương quan giữa hệ nhóm máu ABO và COVID-19. Kết quả một số nghiên cứu cho thấy có xu hướng tỷ lệ mắc COVID-19 ở người nhóm máu O thấp nhất so các nhóm khác. Tuy nhiên, đa phần các nghiên cứu là đơn lẻ, chỉ xem xét dữ liệu từ nhóm nhỏ cá nhân, còn có nhiều yếu tố gây sai lệch kết quả.

Ví dụ, trên bề mặt hồng cầu thực chất có đến 36 hệ nhóm máu với hơn 300 nhóm máu khác nhau… để khẳng định cần nghiên cứu thêm với nhiều đối tượng, phân tích đa biến, chuyên sâu hơn. Do vậy, kết quả chỉ mang tính chất tham khảo.

Cũng theo bác sĩ Quế, các tài liệu đến thời điểm này, cũng như các hội chuyên ngành về truyền máu đều cho rằng: dường như không có bất kỳ mối quan hệ nào giữa nhóm máu và mức độ nghiêm trọng của bệnh tật hoặc tử vong liên quan đến COVID-19, không ủng hộ việc xem các nhóm máu thuộc hệ nhóm máu ABO như một phần dự đoán bệnh tật, tiến triển bệnh hoặc tử vong do virus.

Vấn đề nguy cơ lây nhiễm cũng như mức độ nặng nhẹ của bệnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Việc bạn đã từng tiếp xúc với nhiều F0 nhưng vẫn chưa bị nhiễm bệnh có thể do hệ thống miễn dịch của bạn tốt, hoặc do quy trình xét nghiệm, chất lượng test nhanh, hoặc sai thời điểm lấy mẫu…

"Nếu bạn đã tiếp xúc với F0, có triệu chứng COVID-19 điển hình song xét nghiệm nhanh âm tính cũng không nên chủ quan, cần theo dõi 5-7 ngày, hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh", bác sĩ Quế nhấn mạnh.

Đọc thêm