Nhóm người có nguy cơ mắc và tử vong cao do Covid-19

(PLVN) - Những người lớn tuổi, mắc bệnh mạn tính, ung thư chính là nhóm người có nguy cơ mắc Covid-19 cao, khi mắc bệnh sẽ có nguy cơ gặp biến cố lâm sàng nặng hơn do các chức năng miễn dịch yếu, không đủ sức chống chọi lại bệnh tật.
Người bệnh ung thư có nguy cơ mắc và tử vong do Covid-19 cao hơn người bình thường. Ảnh minh họa.

Nguy cơ cao từ người ung thư

TS, BS Phùng Thị Huyền, Trưởng khoa Nội 6, Phụ trách phòng Kế hoạch tổng hợp, Phó Ban chỉ đạo phòng chống dịch Sars-CoV-2 Bệnh viện K, cho biết, một nghiên cứu mới đây được các nhà khoa học Trung Quốc thực hiện và công bố trên tạp chí khoa học nổi tiếng thế giới The Lancet Oncology tháng 3/2020 cho thấy, người bệnh ung thư có nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 cao hơn so với người không mắc bệnh ung thư. Người bệnh ung thư (đặc biệt là ung thư phổi) đang hoặc vừa được điều trị phẫu thuật hay hóa chất, khi nhiễm SARS-CoV-2 có nguy cơ gặp biến cố lâm sàng nặng cao hơn người không ung thư.

Khi khởi phát, nhiễm SARS-CoV-2 có thể gây ho khan, sốt. Trường hợp tiến triển nặng có thể dẫn đến viêm phổi, suy hô hấp, thậm chí tử vong. Do đó, khi người bệnh ung thư phổi đã có tổn thương ở phổi thì việc nhiễm thêm SARS-CoV-2 càng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Đặc biệt với người bệnh ung thư phổi đang xạ trị, hoá trị, nếu mắc SARS-CoV-2  bệnh dễ có nguy cơ diễn biến nặng hơn.

Không riêng gì bệnh ung thư, người bệnh có các bệnh lý nền mạn tính khác như đái tháo đường, tăng huyết áp, suy thận... có nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 cao hơn và nếu mắc Covid-19 thì tình trạng bệnh sẽ nặng hơn so với những người không mắc các bệnh kèm theo này.

Còn theo GS.TS Trần Văn Thuấn - Giám đốc Bệnh viện K, bệnh viện đã thực hiện nhiều biện pháp phòng ngừa lây lan bệnh truyền nhiễm, đảm bảo an toàn cho người bệnh, người nhà người bệnh và nhân viên y tế.

Đặc biệt, bệnh viện đã tăng cường các biện pháp bảo hộ cho người bệnh ung thư và sau điều trị ung thư; tích cực sàng lọc, theo dõi sát người bệnh ung thư lớn tuổi hoặc có bệnh lý kèm theo.

Sàng lọc, giám sát chặt chẽ những người ra vào bệnh viện. Theo đó, bệnh viện đã bổ sung nhiều điểm sàng lọc tại các vị trí trong bệnh viện; khu vực cách ly đã sẵn sàng ứng phó nếu có trường hợp nghi ngờ và tiếp tục triển khai chặt chẽ nhiều phương án để ngăn ngừa dịch bệnh.

Công tác vệ sinh khử khuẩn toàn bệnh viện cũng được chú trọng hơn… Bệnh viện tăng cường tần suất vệ sinh khử khuẩn các khu vực công cộng trong toàn bệnh viện, kể cả các vị trí lau tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, thang máy, vòi xịt labo, ghế ngồi... Tất cả khoa, phòng khám điều trị đều được vệ sinh hàng ngày, khu vực phòng khám vệ sinh tối thiểu 2-3 lần/ngày.

Giờ vào thăm cũng được điều chỉnh để phù hợp hơn với công tác khám chữa bệnh và phòng ngừa dịch bệnh Covid-19, cùng với đó số lượng người nhà đi cùng nên hạn chế tối thiểu, bệnh viện khuyến cáo mỗi người bệnh chỉ nên đi cùng 1, 2 người nhà. Những người có biểu hiện bệnh hô hấp như ho, hoặc sốt được yêu cầu không vào thăm người bệnh.

Cũng theo ông Thuấn, các thuốc điều trị ung thư, đặc biệt là thuốc sử dụng trong hóa trị, có thể gây ức chế hệ thống miễn dịch. Vì thế, người bệnh bị sốt khi điều trị nhưng không có yếu tố dịch tễ hay tiếp xúc gần người nghi mắc Covid-19 thì không có gì phải lo lắng. Nếu biểu hiện bất thường, người bệnh hãy liên lạc với bác sĩ điều trị và tuân thủ các hướng dẫn.

“Dù nguyên tắc và các phương pháp dự phòng Covid-19 không có gì khác biệt so với người bình thường, nhưng người bệnh ung thư cần lưu ý, thận trọng thực hiện chúng một cách triệt để và nghiêm ngặt hơn”, ông Thuấn nói.

Người già, bệnh mãn tính càng cẩn trọng với Covid-19

Ngoài người mắc bệnh ung thư thì người già, bệnh mãn tính... những người có hệ thống miễn dịch yếu sẽ gặp nhiều nguy cơ hơn.

Nếu chú ý, trong tổng số 66 trường hợp nhiễm Covid-19 tại Việt Nam (tính đến 17/3/2020) đang được điều trị tại các bệnh viện trong cả nước, phần lớn đều ổn định sức khỏe. Chỉ có hai bệnh nhân Covid-19 suy hô hấp nặng hơn do nhiều bệnh nền. Cụ thể:

 Trường hợp bệnh nhân người Anh (69 tuổi), với nhiều bệnh lý nền phải điều trị thở máy tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội).

Nữ bệnh nhân người Việt (64 tuổi), có bệnh lý nền là rối loạn tiền đình, biểu hiện suy hô hấp tăng. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã chỉ định đặt ống khí quản, thở máy, đặt Catheter tĩnh mạch trong T, chuyển bệnh nhân tới Khoa Hồi sức tích cực, lọc máu, theo dõi điều trị. Các bác sĩ cho biết, hiện hai bệnh nhân vẫn giữ được mạch, huyết áp, oxy máu ổn định và đang điều trị tích cực.

Trước ca bệnh của bệnh nhân cao tuổi người Anh, với nhiều yếu tố nguy hiểm tới sức khỏe, sau khi các chuyên gia đầu ngành hội chẩn qua Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán và điều trị Covid-19, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Trưởng tiểu ban Điều trị đã đề nghị Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tập trung tối đa mọi nguồn lực để điều trị, chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân.

Đồng thời, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 điều động Bệnh viện Bạch Mai cử ngay 1 đội cơ động phản ứng nhanh chống dịch Covid-19 sang hỗ trợ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. PGS-TS Đào Xuân Cơ, Trưởng khoa Điều trị tích cực Bệnh viện Bạch Mai đã trực tiếp thăm khám cho bệnh nhân cao tuổi người Anh này.

Cùng với đó, tại Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chẩn đoán, điều trị Covid-19, các giáo sư đầu ngành chuyên khoa hô hấp, truyền nhiễm, lọc máu tiếp tục hội chẩn chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân. Qua đó, các chuyên gia xác định bệnh nhân người Anh có các bệnh nền đi kèm như: tim mạch, cao huyết áp, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mãn tính, bệnh thận mãn tính… cần tập trung bác sĩ giỏi nhất thuộc các lĩnh vực hồi sức cấp cứu, lọc máu, dinh dưỡng để điều trị.

Yếu ớt trước sự tấn công của virus

Giải thích về vấn đề người cao tuổi dễ bị bệnh nặng hơn khi bị mắc Covid-19, PGS-TS Hồ Thị Kim Thanh, Trưởng bộ môn Y học gia đình, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, ngoài việc phải uống nhiều loại thuốc điều trị bệnh nền, cơ thể của người cao tuổi cũng suy giảm miễn dịch, giảm sức đề kháng, dễ mắc thêm các bệnh khác.

Khi người cao tuổi bị nhiễm virus, thường bị rất nặng do tương tác của bệnh mới với bệnh nền, cũng như tương tác của nhiều loại thuốc; cơ thể không đủ sức chống lại, đồng thời lại khởi động một chuỗi rối loạn kèm theo trên nền bệnh mãn tính như: suy gan, suy thận, suy đa tạng khiến việc điều trị phức tạp và khó khăn hơn.

Trong khi đó, TS Trần Quang Thắng, Trưởng khoa Cấp cứu và đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, cho biết, thống kê mới đây về dịch Covid-19 cho thấy, nhóm người cao tuổi nhiễm bệnh chiếm tỷ lệ cao nhất và tỷ lệ tử vong cũng cao nhất. Người cao tuổi bị Covid-19 sẽ làm cho các bệnh mãn tính có sẵn thúc đẩy chuyển thành giai đoạn cấp hoặc đợt cấp, nên rất dễ tử vong nếu không được tập trung điều trị tích cực, kịp thời. 

Trước sự lây lan nhanh của dịch Covid-19, khi chưa có vaccine phòng ngừa và thuốc điều trị đặc hiệu, các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân nên bình tĩnh, chủ động thực hiện những biện pháp phòng bệnh như: tránh tụ tập nơi đông người, đeo khẩu trang và vệ sinh cơ thể, rửa tay thường xuyên. 

PGS-TS Hồ Thị Kim Thanh nhấn mạnh, người cao tuổi thường ít uống nước, nhất là khi thời tiết lạnh nên trong mỗi gia đình nên chủ động đặt nước ấm, nước hoa quả, trà ấm tại các vị trí thuận lợi và thường xuyên nhắc người cao tuổi uống nước định kỳ, ngay cả khi không khát để tăng sức đề kháng.

Đọc thêm