Quy trình sản xuất rau nghiêm ngặt
Về Sóc Sơn – địa phương sản xuất RHC lớn nhất của Hà Nội hiện nay (gần 30ha), chúng tôi chứng kiến quy trình sản xuất rau khá nghiêm ngặt. Sóc Sơn có 4 xã là Tân Dân, Hiền Linh, Đông Xuân và Thanh Xuân sản xuất RHC, trong đó diện tích sản xuất lớn nhất nằm tại xã Thanh Xuân (26,7ha).
Cùng với huyện Lương Sơn (Hòa Bình), bắt đầu từ năm 2008 thông qua dự án ADDA- dự án sản xuất RHC do Đan Mạch tài trợ, Thanh Xuân là địa bàn đầu tiên sản xuất RHC tại miền Bắc với diện tích hơn 6ha.
Dẫn chúng tôi ra cánh đồng sản xuất RHC, ông Lê Minh Quyền, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Xuân giải thích: “Quy trình sản xuất RHC bao gồm nhiều “không”: Không sử dụng phân bón hóa học, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không dùng chất kích thích, không chất bảo quản, không sử dụng cây biến đổi gen, không dùng thuốc trừ cỏ”.
Người tiêu dùng lo ngại với rau không đảm bảo an toàn. Ảnh minh họa: CTV |
Theo tìm hiểu của chúng tôi ngay tại ruộng thì người nông dân chỉ sử dụng phân chuồng ủ mục theo quy trình ủ nóng để bảo vệ môi trường. Đặc biệt, còn sử dụng hạt đậu tương, cá ngâm để tưới dài ngày theo quy trình giống như chế phẩm EMI.F đang bán trên thị trường. Thuốc bảo vệ thực vật sử dụng cho sản xuất RHC đều được chiết xuất từ cây cỏ.
Cũng theo những kinh nghiệm học được từ dự án ADDA, bà con xã Thanh Xuân còn ngâm tỏi, gừng với rượu để phun trừ sâu rất hiệu quả. Nguyên tắc sản xuất RHC phải đa dạng chủng loại, trồng xen kẽ nhiều loại rau khác nhau trên cùng thửa đất.
Ông Quyền cho biết, do đem lại hiệu quả kinh tế không cao nên Thanh Xuân không sản xuất RHC trái mùa. Chính vì vậy, các sản phẩm hữu cơ trái mùa trên thị trường nếu có thì không phải là rau do xã Thanh Xuân sản xuất.
Để đảm bảo việc các hộ sản xuất RHC luôn chấp hành đúng các quy định nghiêm ngặt đi kèm, 25 nhóm xã Thanh Xuân đều có các trưởng, phó nhóm và thanh tra viên. Thanh tra viên sẽ tổ chức thanh tra định kỳ 2 lần/năm, tuy nhiên công tác kiểm tra hiện nay đang được tổ chức thường xuyên, đột xuất, kiểm tra chéo các nhóm khác nhau.
Cả quy trình sản xuất RHC còn có sự giám sát của ban điều phối hữu cơ PGS thuộc Hiệp hội hữu cơ Việt Nam. Mỗi hộ sản xuất đều phải có nhật ký đồng ruộng. Nếu có tình huống không hay xảy ra có thể căn cứ vào nhật ký để truy xuất nguồn gốc.
Mặc dù trồng RHC mất nhiều thời gian, công sức nhưng trung bình 1 sào, người nông dân có thể thu lợi khoảng 3 triệu đồng. Mỗi gia đình tham gia vào dự án trồng RHC của xã Thanh Xuân đều có từ 2-3 sào, cá biệt có những hộ lên đến 5 sào.
Trà trộn rau hữu cơ?
Ông Quyền khẳng định, thị trường tiêu thụ của RHC Thanh Xuân là Hà Nội thông qua các công ty, cửa hàng làm hợp đồng thu mua tại các nhóm. RHC Thanh Xuân được đưa ra thị trường thông qua các công ty: Vinagap, Tràng An, Lục Thủy, Tâm Đạt, Ecomarrt, Tự nhiên Việt Nam, Nông sản ngon, Thực phẩm ngon và Chi Nông,... với 28 cửa hàng. Giá thu mua các loại rau ở mức chung 15.000 đồng/kg; các loại rau gia vị giá cao hơn từ 20.000-25.000 đồng/kg, cá biệt rau lá chùm ngây có giá 60.000 đồng/kg…
Rau hữu cơ trồng tại xã Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội |
Sự khác nhau giữa RHC và và rau sản xuất thông thường thể hiện rõ nhất ở việc thời gian thu hoạch thường kéo dài hơn từ 10-15 ngày, thậm chí có những loại rau thu hoạch chậm hơn đến gần 1 tháng như quả bí xanh. Về hình thức, RHC thường không mướt mát, xanh non mà thường sẫm màu, lá sâu, thậm chí trông cằn cỗi.
Đến Thanh Xuân vào đúng buổi thu hoạch rau trên đồng, chúng tôi thấy các loại rau xanh như rau muống, rền, mùng tơi nhìn không hề bắt mắt. Đặc biệt, cà chua trông ương, quả nhỏ, mà theo người nông dân thì đây là mẻ cà đầu vụ đầu tiên họ thu hoạch. Tuy nhiên, trên thị trường thì cà chua lại bán quanh năm, về hình thức thì trái vụ cũng bắt mắt như chính vụ.
Người tiêu dùng chấp nhận bỏ ra số tiền gấp vài lần để mua RHC bán trên thị trường, nhưng liệu sản phẩm họ nhận được có đúng là RHC hay không? Ông Quyền cho biết, theo quy định thì việc bày bán RHC của Thanh Xuân tại các cửa hàng phải tuân thủ theo những nguyên tắc như phải có kệ có màu sắc riêng, không bày bán lẫn với rau an toàn, hoặc rau thông thường khác. Trên bất kỳ sản phẩm RHC nào đều phải có tem của các nhóm sản xuất.
Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi tại một số cửa hàng đang bày bán sản phẩm RHC Thanh Xuân cho thấy, việc bày bán vẫn khá lộn xộn, thiếu tem mác. Tại cửa hàng Bác Tôm, phố Yết Kiêu, tất cả các sản phẩm RHC Thanh Xuân đều không có tem. Bên cạnh những bao bì sản phẩm ghi chữ RHC Thanh Xuân lại xuất hiện cả các bao bì trơn, không có bất kỳ thông tin nào về sản phẩm.
Tại cửa hàng “Rau hữu cơ 5 không” tại Khu đô thị Trung Văn, quận Nam Từ Liêm cũng vậy, bày bán RHC lẫn lộn với rau thường. Người bán hàng cho biết, đây là RHC có nguồn gốc ở Thanh Xuân, Sóc Sơn nhưng trên bao bì không dán tem nhóm sản xuất.
RHC nhái hoặc trà trộn rau thường vào bao bì đóng gói của RHC để bán cho người tiêu dùng với giá đắt là chuyện có thể xảy ra. Việc kiểm tra, giám sát như thế nào để người tiêu dùng không bị đánh lừa là việc làm hết sức cần thiết không chỉ của các Ban Điều phối RHC mà còn là sự vào cuộc của cơ quan Quản lý thị trường, để người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm thật đúng như giá tiền họ bỏ ra.
Theo ông Đỗ Minh Quyền, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn thì trong một lần kiểm tra đột xuất, Ban điều phối đã phát hiện cửa hàng Mr Sạch tại số 55 phố Trần Nhân Tông bày bán táo, kẹo lạc ghi trên bao bì sản phẩm là hữu cơ nhưng xã Thanh Xuân không cung cấp 2 sản phẩm này.
Ngay sau đó, ban điều phối đã yêu cầu cửa hàng bỏ chữ hữu cơ trên bao bì 2 sản phẩm nhưng sau 1 tuần cửa hàng vẫn không thực hiện. Ban điều phối đã quyết định loại cửa hàng Mr Sạch ra khỏi hệ thống cung cấp các sản phẩm rau hữu cơ Thanh Xuân.