Lễ tảo mộ Tết thường diễn ra từ ngày 10 đến trưa ngày 30 tháng Chạp hàng năm. Giáp Tết, từ tờ mờ sáng, khá đông gia đình đến các nghĩa trang để tảo mộ cho người thân. Tảo mộ trước Tết Nguyên đán là nét đẹp văn hoá của người Việt, là cách để con cháu nhớ về tổ tiên, để gia tiên phù hộ cho con cháu sức khỏe, tài lộc.
Một số nghĩa trang đã trang hoàng, dọn dẹp tinh tươm để đón người thân người đã khuất tới tảo mộ. Đặc biệt năm nay, một số nghĩa trang còn tổ chức Hội chợ hoa Tết Quý Mão dành cho… người đã khuất.
Tại hội chợ xuân, nhiều người thân sắm cho người đã khuất những cây cảnh, trang trí mộ phần năm mới. |
Những chậu quất vàng mọng, những cành đào phớt hồng khoe nụ, những cây hoa giấy, hoa lan, hoa cúc, hoa thược dược, hoa hồng… đầy sắc màu được sắp xếp gọn ghẽ, đẹp mắt trong Hội chợ hoa Tết 2023 tại Công viên - Tâm linh Lạc Hồng Viên (Hòa Bình).
Ông Hồ Đình Tâm, sinh năm 1954 (phố Đào Tấn, phường Cống Vị, Ba Đình, Hà Nội) không khỏi ngỡ ngàng tưởng đi lạc vào vườn hoa xuân. Ông Hồ Đình Tâm phấn khởi: “Năm nay, tôi và các con cháu đi tảo mộ bà xã. Tôi hoàn toàn bất ngờ vì Hội chợ hoa Tết với đủ loại cây lại có mặt ở đây. Bà xã quá cố của tôi khi còn sống rất thích ngắm chợ hoa ngày Tết. Tôi thường rủ vợ đi cùng. Giờ thác, bà ấy chắc hẳn cảm thấy ấm áp khi tôi và các con cháu đi “thưởng lãm” Hội chợ hoa Tết cùng mình”.
Nhạc công Đinh Tùng Bách và các nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc cổ truyền cho người đã mất tại hội chợ hoa đặc biệt. |
Trong Hội chợ Tết đặc biệt này còn có âm nhạc dân tộc. Tiếng đàn tranh, đàn bầu, đàn tam thập lục, tiếng sáo, tiếng nhị… với sự thể hiện của các nhạc công trong áo dài truyền thống tô điểm ngày xuân thêm rộn rã. Những bản nhạc: “Lục thủy”, “Hoa thơm, bướm lượn”, “Việt Nam, quê hương tôi”, “Quảng Bình, quê ta ơi”, “Xuân đã về”, “Điệp khúc mùa xuân”, “Lắng nghe mùa xuân về”, “Làng quan họ quê tôi”… đầy lạc quan, mang không khí Tết đến, Xuân về.
Nhạc công Đinh Tùng Bách, sinh năm 1970, (Lương Sơn, Hòa Bình) trong ban nhạc dân tộc Hương sắc Hòa Bình rưng rưng cảm động: “Năm nay, lần đầu tiên ban nhạc của chúng tôi thể hiện các bản nhạc tại nơi đặc biệt này. Tôi và các nghệ sĩ bảo nhau đánh nhạc thật hay để người đã khuất được tận hưởng thanh âm, khúc nhạc 3 miền Tổ quốc quê hương.
Đặc biệt, tôi không khỏi xúc động khi được đánh đàn cho bố và vợ tôi cùng mất năm 2017, cũng nằm ở Công viên- Nghĩa trang- Tâm linh Lạc Hồng Viên này. Được thể hiện âm nhạc cho người dương và người âm, tôi thấy dâng lên niềm xúc động, hạnh phúc vì mang sự ấm áp, yên bình, đem lại không khí Tết cho tất cả mọi người”.
“Đi tảo mộ em gái, nghe những bản nhạc Việt được vang lên từ những nhạc cụ cổ truyền dân tộc, gia đình tôi xúc động lắm. “Trần sao, âm vậy”, chắc hẳn em gái tôi ở suối vàng cũng cảm thấy ấm lòng” – anh Nguyễn Đức 30 tuổi (Hoàn Kiếm, Hà Nội) xúc động.
Ông Hồ Đình Tâm cùng con cháu tảo mộ người đã khuất. |
Đại Đức Thích Trí Thịnh, Phó Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hòa Bình cho hay: “Cao nấm, ấm mồ”, người Việt quan niệm, việc tảo mộ là một trong những việc hiếu đạo của con cháu, thể hiện lòng kính trọng đối với đấng sinh thành và các bậc tổ tiên đã khuất.
Theo Đại đức Thích Trí Thịnh, thời gian tốt nhất khi đi tảo mộ là những ngày ấm áp, tạnh ráo. Thông thường, tảo mộ là dịp để mọi người quây quần bên nhau, cùng nhớ về người đã khuất với lòng thành kính. Chính vì vậy, tất cả mọi người trong gia đình đều có thể tham gia hoạt động này".