Nhộn nhịp không khí sản xuất những ngày đầu năm mới

(PLVN) -  Trong những ngày đầu năm mới 2021, tại Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Tĩnh, Hải Phòng, Bà Rịa-Vũng Tàu, nhiều chuyến hàng xuất nhập khẩu đầu tiên đã được thực hiện. Với một số công trình lớn, các đơn vị thi công bám hiện trường, không nghỉ Tết để đẩy nhanh tiến độ.
Tàu ARNOLD MAERSK cập cảng Cái Mép ngày đầu năm 2021.
Tàu ARNOLD MAERSK cập cảng Cái Mép ngày đầu năm 2021.

Trong 2 ngày 1 và 2/1/2021, đã có 23 tàu biển ra, vào khu vực biển trong tỉnh Quảng Ninh (Cái Lân Hòn Gai, Cẩm Phả) để làm hàng với sản lượng trên 135.000 tấn hàng hóa.

Còn tại cửa khẩu quốc tế Móng Cái, đã có 125 xe làm thủ tục xuất nhập cảnh qua cầu phao Km3+4 Hải Yên để giao nhận hàng hóa, trong đó có 37 xe Việt Nam xuất cảnh giao hàng, 88 xe Trung Quốc nhập cảnh nhận hàng với hơn 2.800 tấn hàng hoá xuất khẩu sang Trung Quốc.

Trong số hàng hóa có 606 tấn hàng xuất khẩu của cư dân biên giới với tổng trị giá hơn 15,8 tỷ đồng (gồm:  119 tấn thanh long, 52 tấn hoa quả khác; 334 tấn cá, tôm đông lạnh, 33 tấn tôm hùm xanh, 2 tấn cua biển, 33 tấn hạt điều, 33 tấn hạt tiêu, giấy cuộn, chè khô); 2.244 tấn hàng của các doanh nghiệp (gồm: 2.044 tấn bột sắn, 97 tấn hạt điều, lạc nhân, hạt tiêu, 80 tấn quả thanh long, 23 tấn hải sản đông lạnh…) với giá trị hơn 1,7 triệu USD.

Tại cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Lào Cai), lô hàng xuất khẩu đầu tiên trong năm 2021 là 138,6 tấn quả thanh long, trị giá gần 1,9 tỷ đồng của Công ty Nam Phong. Lô hàng nhập khẩu đầu tiên là 27,5 tấn quả dưa lê của một công ty nông sản.

Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai cũng đã giải quyết 18 tờ khai hải quan hàng hoá xuất nhập khẩu cho 12 doanh nghiệp với tổng kim ngạch đạt 268.000 USD.

Tại Đà Nẵng, trong dịp đầu năm mới, tàu Spirit of Kolkata, quốc tịch Marshall Islands, thuộc hãng tàu Mediterranean Shipping Company (MSC) tải trọng 15.000 DWT “xông đất” cảng Tiên Sa trong niềm vui của hơn 200 cán bộ, công nhân đang làm việc tại cảng và đại diện khách hàng, đại diện sĩ quan, thủy thủ, thuyền viên các tàu đang làm hàng tại đây.

Tại Hải Phòng, ngay trong ngày đầu năm mới,  Công ty Cảng Hoàng Diệu, tổ chức lễ ra quân, đón mã hàng đầu tiên.

Tại cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh), Công ty Cảng quốc tế Lào - Việt đã đón tàu hàng đầu tiên cập cảng. Tàu hàng cập Cảng Vũng Áng mang quốc tịch Panama, trọng tải 22.332 DWT, bốc xếp 18.500 tấn hàng gỗ băm dăm. Mặc dù đang trong thời gian nghỉ Tết Dương lịch 2021, song Công ty CP Cảng quốc tế Lào - Việt bốc xếp hàng hóa nhanh chóng.

Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, cụm cảng Cái Mép-Thị Vải đã đón  3 chuyến tàu mẹ “xông đất”  làm hàng.

Cập cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) ngày đầu năm, tàu ARNOLD MAERSK (là tàu của Liên minh 2M khai thác trên tuyến TP17/Amecia đi bờ Đông nước Mỹ) đã xếp khoảng 3.100 container tại cảng.

Trong dịp này, cảng quốc tế Tân Cảng - Cái Mép (TCIT) cũng đón 2 chuyến tàu mẹ. Đó là tàu ONE AQUILA, sức chở hơn 14.000 TEUs, thuộc tuyến FP2W kết nối Việt Nam với châu Âu, với sản lượng gần 9.700 TEUs. Tiếp đó, tàu ONE CONTINUITY, sức chở 8.000 TEUs, thuộc tuyến PS3 kết nối Việt Nam với bờ Tây Mỹ, với gần 3.300 TEUs sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu tại Tân Cảng-Cái Mép.

Theo đánh giá của các hãng tàu, các cảng tại khu vực Cái Mép -Thị Vải hiện đã được trang bị hiện đại nhờ đó năng suất làm hàng ngày càng cao, chất lượng dịch vụ tốt. Các hãng tàu quốc tế ngày càng tin tưởng khi đưa tàu mẹ vào khai thác tại đây. Từ Cái Mép - Thị Vải, hàng xuất khẩu của Việt Nam được kết nối trực tiếp ra nước ngoài một cách thuận lợi và tới Mỹ chỉ khoảng 15 đến 17 ngày.

Ở trong nước, một số công trình lớn vẫn bảo đảm tiến độ thi công bình thường.

Tại Quảng Ninh, trên tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, các đơn vị nhà thầu đoạn Tiên Yên - Móng Cái vẫn huy động gần 1.000 đầu máy thiết bị, chia làm 60 mũi thi công 3 ca liên tục.

Còn tại công trường thi công cầu Cửa Lục 1, trong dịp năm mới 2021, chủ đầu tư và các nhà thầu cũng tập trung cao độ, tăng ca, tăng kíp thi công, tạo đà đẩy nhanh tiến độ. Hiện tại, sau hơn 8 tháng tích cực thi công, dự án cầu Cửa Lục 1 đã cơ bản hoàn thành thi công phần hạ bộ, gồm 2 mố cầu, 6 trụ cầu, 178 cọc khoan nhồi.

Dù đợt nghỉ Tết Dương lịch năm nay trùng dịp cuối tuần kéo dài 3 ngày, nhưng việc thi công dự án cải tạo, nâng cấp một số vị trí trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP HCM thuộc nguồn vốn dự phòng Trung hạn giai đoạn 2016-2020 với tổng kinh phí đầu tư 7.000 tỷ đồng vẫn diễn ra bình thường.

Dự án gồm hạng mục cấp thiết có quy mô rất lớn để xây dựng mới, cải tạo trên 100 cầu yếu; cải tạo, nâng cấp khoảng 30 nhà ga, mở mới 7 ga; cải tạo, nâng cấp hơn 200 km đường sắt; gia cố vỏ hầm kết hợp thay thế kiến trúc tầng trên khoảng 10 hầm yếu trên tuyến… Thời gian hoàn thành vào cuối năm 2021.

Đọc thêm