Nhơn Trạch (Đồng Nai) vào nhóm huyện có số thu ngân sách cao nhất nước: 'Trái ngọt' từ tầm nhìn quy hoạch

(PLVN) - Trong báo cáo gửi cơ quan chức năng trước ngày kỷ niệm 30 năm thành lập huyện (1/9/1994 - 1/9/2024), UBND huyện Nhơn Trạch cho biết là địa bàn cấp huyện có tổng thu ngân sách trên địa bàn thuộc nhóm cao nhất cả nước, tỷ lệ thu ngân sách tăng khoảng 20%/năm. Riêng năm 2023, tổng thu ngân sách trên địa bàn huyện trên 13.000 tỷ đồng (chiếm gần 20% tổng thu toàn tỉnh Đồng Nai với 11 huyện, TP).
Một góc Nhơn Trạch. (Ảnh: Xuân Nghi)

Từ vùng đất hoang hóa đến khu đô thị hiện đại

Ba mươi năm trước, huyện Nhơn Trạch được thành lập theo Nghị định 51/CP ngày 21/6/1994. Khi ấy có thể miêu tả địa phương này bằng vài từ ngắn gọn: sâu, xa, nghèo. Đó là vùng đất với 80% dân số sống bằng nghề nông và độc canh cây lúa; nhiều diện tích hoang hoá, nhiễm phèn. Hạ tầng gần như không có gì, 90% là đường giao thông cấp phối, nhiều nơi còn cách biệt không có cầu, đường. Toàn huyện có hơn 32% hộ đói, nghèo.

Nằm ở phía Tây - Nam của Đồng Nai, huyện Nhơn Trạch nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, liền kề phía Đông TP HCM, bao bọc bởi 3 mặt sông Đồng Nai, Lòng Tàu, Đồng Tranh - Thị Vải. Quy hoạch chung ban đầu năm 1996 theo Quyết định 323/1996/QĐ-TTg đặt mục tiêu “xây dựng Nhơn Trạch thành một đô thị để phát triển công nghiệp, dịch vụ”.

Và khi hạ tầng hệ thống giao thông trong khu vực đã dần hình thành hoặc hoàn thiện, với QL51, Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, hệ thống cảng biển nước sâu, các tuyến cao tốc Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành... là lần “thay áo mới” tiếp theo của Nhơn Trạch.

Theo Quyết định 455/QĐ-TTg ngày 22/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung đô thị mới Nhơn Trạch đến 2035, tầm nhìn 2050, thì “Nhơn Trạch được xác định là đầu mối giao thông quan trọng gắn liền với phát triển đô thị, dịch vụ, công nghiệp của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; là một trong những trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ của Đồng Nai”.

Đặc biệt, cuối 2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 24-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ. Nghị quyết này tạo sự chuyển biến về kinh tế - xã hội và các định hướng lớn của vùng, tất cả đều liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến Nhơn Trạch.

Có thể điểm qua một số quy hoạch lớn của vùng, như: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ, Quy hoạch vùng TP HCM, Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Đông Nam bộ, Quy hoạch Cảng Hàng không quốc tế Long Thành... Các quy hoạch này đã bổ sung nhiều yếu tố mới nâng cao vị thế, tính chất chức năng của đô thị mới Nhơn Trạch.

Những số liệu ấn tượng

Bám sát quy hoạch, từ 1994, Nhơn Trạch bắt đầu tập trung thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), một số DN đầu tư trong giai đoạn này tiêu biểu như Hualon, Chingfa, Urbiz, Tongkook, Thái Phong, Lắp máy 45-1, Tín Nghĩa… Đến 1997, hình thành Cty kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp (KCN) và các KCN như Nhơn Trạch I, II, III (giai đoạn 1)...

Nhơn Trạch là đầu mối giao thông quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. (Ảnh: Doãn Khởi)

Sau 30 năm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo đúng định hướng, quy hoạch, Nhơn Trạch có 9 KCN tập trung đang hoạt động, thu hút 447 dự án FDI (số vốn trên 11,2 tỷ USD), 174 dự án đầu tư trong nước (số vốn trên 66 ngàn tỷ đồng). Tỷ trọng công nghiệp xây dựng chiếm trên 81%, gấp hơn 16 lần năm 1994; dịch vụ chiếm 17,14%. Tỷ lệ lấp đầy bình quân tại các KCN trên 88%, giải quyết việc làm cho hơn 130 ngàn lao động.

Năm 2015, Nhơn Trạch là 1 trong 4 đơn vị hành chính đầu tiên của Đồng Nai được Thủ tướng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện 100% địa phương cấp xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Trên địa bàn có 2 tuyến cao tốc (Bến Lức - Long Thành và Long Thành - Dầu Giây) dài khoảng 25,7km; 4 tuyến đường đô thị tỉnh quản lý dài hơn 54km; 796 tuyến đường do huyện quản lý dài gần 320km. Huyện đã xoá cầu khỉ, hầu hết các tuyến đường trên địa bàn đã được nhựa hoá, bê tông hoá, có hệ thống chiếu sáng. Tỷ lệ hộ sử dụng điện, viễn thông đạt 100%.

Nhìn lại sự phát triển của Nhơn Trạch, một chuyên gia thuộc Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhận xét, từ quy hoạch chung ban đầu năm 1996 đến lần điều chỉnh năm 2016 đã chứng tỏ tầm nhìn chiến lược của Chính phủ, địa phương và cơ quan chức năng về tương lai Nhơn Trạch. Bản quy hoạch mới cũng kế thừa những giá trị của các quy hoạch trước đó, đồng thời có sự điều chỉnh phù hợp yêu cầu thực tế.

“Bám sát các quy hoạch chung của Chính phủ, trong những năm qua, nhiều quyết định của Đồng Nai cũng đã được thông qua về phát triển đô thị mới Nhơn Trạch; cụ thể hóa các quy hoạch cấp trên, khớp nối, đồng bộ hóa hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung và các dự án trên địa bàn. Cùng với sự nhạy bén, cố gắng nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân; nên sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, việc đời sống vật chất, tinh thần người dân ngày càng được nâng cao; là điều tất yếu”, chuyên gia này nhận xét.

Thời gian gần đây, Nhơn Trạch tiếp tục thu hút nhiều nhà đầu tư đến đăng ký tham gia trên nhiều lĩnh vực như: nhà ở, dịch vụ, du lịch... Một số khu vực đã điều chỉnh lại chức năng, như thay đổi tính chất quy mô tại một số cảng biển dọc sông Nhà Bè; các trường đại học khu vực xã Phước An; dự án phát triển dân cư...

Để nâng cao chất lượng quy hoạch và hiệu quả quản lý quy hoạch, tỉnh Đồng Nai và huyện Nhơn Trạch đã cụ thể hóa đồ án quy hoạch tổng thể bằng nhiều đề án, chương trình, như: Chương trình phát triển đô thị Nhơn Trạch; đề án đề nghị công nhận huyện Nhơn Trạch đạt tiêu chí đô thị loại III làm cơ sở lập đề án thành lập TP Nhơn Trạch.

Đọc thêm