Theo anh Ma Văn Tuấn (thôn An Phong, xã Tân Thịnh, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) lên vườn đồi cọ của gia đình để tìm nhộng cọ đãi khách. Anh bảo món này quý lắm nên nó được ví như đặc sản của người Tày. Cầm chiếc rìu bổ mạnh vào thân cây cọ đã mục, anh Tuấn phang thân cọ bổ ra làm đôi.
Nhìn bên ngoài thân cọ có vẻ còn hơi cưng cứng, nhưng bên trong đã mục. Lấy con dao đầu nhọn chọc vào những kẽ cọ, người đàn ông kéo ra những chú nhộng cọ béo mầm. Có những con nhộng chín vàng đã cuốn kén, để chuẩn bị một chu trình nở ra con sâu cọ, gần giống như con bọ dừa nhưng nhỏ hơn.
Nhộng cọ khai thác tốt nhất là lúc bánh tẻ, chưa già. Một cây cọ dài tầm 7m, anh Tuấn khai thác được hơn 1kg nhộng cọ. Anh Tuấn bảo người Tày sau khi ngả cây cọ xuống, người ta dùng rìu chặt nham nhở vào thân cọ để sâu cọ dễ chui vào làm tổ, đẻ ra nhộng cọ.
|
Bổ thân cọ mục để bắt nhộng |
Sau khi nhộng cọ được thu hoạch, người Tày Chiêm Hóa thường rửa rạch, trước khi chế biến ngâm qua nước muối loãng khoảng 10 phút. Chị Hoàng Thị Huệ, vợ anh Tuấn khẳng định, có 3 cách chế biến nhộng cọ ngon nhất là rang qua nấu với măng chua, rán vàng hay nướng vàng chấm gia vị cũng được.
Nhiều thực khách mới đầu nhìn thấy nhộng cọ có cảm giác quá sợ hãi, vì nhộng cọ to hơn cả con tằm. Nhưng khi rán vàng, chế biến nhộng cọ tỏa ra mùi thơm đặc trưng, khi ăn có cảm giác béo ngậy, ngọt.
Trong đời sống người Tày, một số người vẫn thích “ăn gỏi sống” nhộng cọ. Những con nhộng cọ sống được tẩm ướp gia vị, nhưng vẫn còn ngoe nguẩy liên tục được người ăn đưa vào mồm nhai kêu đánh “bụp” một cái.
Khi hỏi một người ăn món này, anh ấy tả lại cảm giác là mát mát, bồn bột, ngòn ngọt. Nhộng cọ được ăm kèm rau sống, rượu cho cảm giác phê phê, lâng lâng, là lạ. Tuy nhiên, số người “dám” ăn nhộng cọ sống không nhiều, đa phần là tầm tuổi trung niên, thanh niên…