Tăng thuế thuốc lá: Giải pháp 'cấp bách' để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, tăng thu ngân sách quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
Theo các chuyên gia, tăng thuế thuốc lá là giải pháp cấp thiết hiện nay. Việc tăng thuế không chỉ nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, gia tăng nguồn thu ngân sách nhà nước, mà còn để điều tiết tiêu dùng và thực hiện các cam kết quốc tế trong kiểm soát tác hại của thuốc lá.
Toàn cảnh buổi Toạ đàm.
Toàn cảnh buổi Toạ đàm.

Sáng nay (18/10), tại Hà Nội, Truyền hình Quốc hội đã tổ chức tọa đàm “Phương án thuế tiêu thụ đặc biệt hướng tới mục tiêu Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030”.

Tăng thuế thuốc lá là vấn đề “cấp thiết” hiện nay

Chia sẻ tại Toạ đàm, Th.s Bs. Nguyễn Tiến Lâm - Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, khói thuốc lá có chứa tới 7.000 hóa chất, trong đó có 69 chất gây ung thư như nicotin (chất gây nghiện), polium, nhựa thuốc lá và các chất phụ gia khác. Những chất này gây ra các căn bệnh nguy hiểm và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe sinh sản của cả nam và nữ, tăng nguy cơ vô sinh, khó thụ thai, và sảy thai ở phụ nữ cao gấp 3 lần so với những người không hút thuốc.

Th.s Bs. Nguyễn Tiến Lâm - Tổ chức Y tế Thế giới chia sẻ tại Toạ đàm.

Th.s Bs. Nguyễn Tiến Lâm - Tổ chức Y tế Thế giới chia sẻ tại Toạ đàm.

Theo Th.s Bs Lâm, mỗi năm trên thế giới có khoảng 8 triệu ca tử vong liên quan đến thuốc lá, riêng tại Việt Nam con số này là hơn 100.000 ca, với 84.500 ca do hút thuốc chủ động và 18.800 ca do hút thuốc thụ động, trong đó 64% các ca thụ động là phụ nữ.

Ông cũng nhấn mạnh rằng, các sản phẩm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng vẫn chứa các chất độc và nguy hiểm. Việc sử dụng thuốc lá mới có nhiều nguy cơ tiềm ẩn như gây cháy nổ và chấn thương nghiêm trọng. Thậm chí, gia tăng tình trạng thuốc lá điện tử trộn ma túy (trong năm 2023, có tới 47 vụ liên quan đến thuốc lá điện tử có chứa ma túy đã bị phát hiện).

Bà Hoàng Thị Thu Hương, đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Y tế

Bà Hoàng Thị Thu Hương, đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Y tế

Bà Hoàng Thị Thu Hương, đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cũng cho biết, sau 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, Việt Nam đã đạt được một số thành tựu nhất định nhưng vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Đặc biệt, các bệnh do thuốc lá gây ra đã gây tổn thất kinh tế lên tới 1,14% GDP năm 2022. Đồng thời gây gánh nặng lên hệ thống y tế quá tải. Và Việt Nam vẫn là một trong 15 quốc gia có tỉ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới và đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN.

Ngoài ra, sự xuất hiện của các sản phẩm thuốc lá mới đã làm gia tăng số người bắt đầu sử dụng thuốc, gây khó khăn trong việc đạt được mục tiêu quốc gia đến năm 2030 là giảm tỷ lệ hút thuốc xuống còn 36%.

Trước thực trạng này, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị cấm sản xuất, nhập khẩu, và quảng cáo các sản phẩm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng, đồng thời nhấn mạnh việc tăng thuế thuốc lá truyền thống là biện pháp cần thiết để giảm thiểu tác hại.

Thạc sĩ Lê Thị Thu, chuyên gia từ Tổ chức Chiến dịch vì trẻ em không thuốc lá tại Việt Nam khẳng định, việc tăng thuế là biện pháp hiệu quả nhất trong việc kiểm soát thuốc lá truyền thống theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Thạc sĩ Lê Thị Thu, chuyên gia từ Tổ chức Chiến dịch vì trẻ em không thuốc lá tại Việt Nam khẳng định, việc tăng thuế là biện pháp hiệu quả nhất trong việc kiểm soát thuốc lá truyền thống theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Th.s Lê Thị Thu cho rằng, việc tăng giá thuốc lá thêm 10% có thể giảm lượng tiêu thụ từ 4-5%, tùy thuộc vào mức thu nhập. Tại Việt Nam, nhóm thanh niên và người nghèo là những đối tượng phản ứng mạnh mẽ nhất với sự thay đổi giá, với tỷ lệ giảm tiêu thụ lên tới 10% khi giá tăng 10%.

Cần “mạnh tay” hơn với việc cải cách thuế thuốc lá truyền thống

Tuy nhiên, theo Thạc sĩ Lê Thị Thu hiện nay thuế thuốc lá ở Việt Nam chỉ chiếm khoảng 36% giá bán lẻ (số liệu năm 2020), thấp hơn nhiều so với mức trung bình của các quốc gia thu nhập thấp (59,1%) và còn cách xa mức khuyến nghị 75% của WHO. Việt Nam nằm trong số những quốc gia có mức thuế thấp nhất ASEAN, và giá thuốc lá cũng thuộc hàng rẻ nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, xếp thứ 157/161 trên toàn cầu. Thực tế, tốc độ tăng thu nhập của người dân nhanh hơn tốc độ tăng giá thuốc lá, khiến khả năng tiếp cận thuốc lá trở nên dễ dàng.

Phân tích hệ thống thuế hiện tại, bà Thu nhận định Việt Nam áp dụng hệ thống thuế dựa trên tỷ lệ phần trăm giá bán của nhà sản xuất/nhập khẩu, nhưng mức này không đủ để tăng giá bán lẻ lên mức có thể ảnh hưởng đến tiêu thụ. Thậm chí, khoảng cách giá giữa các dòng sản phẩm thuốc lá khiến người tiêu dùng dễ chuyển sang các nhãn hiệu rẻ hơn thay vì bỏ thuốc, dẫn đến tiêu thụ vẫn gia tăng.

"Từ năm 2006 đến 2024, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với thuốc lá ở Việt Nam chỉ tăng 20%, tương đương mức tăng trung bình 1.1% mỗi năm, trong khi kinh tế tăng trưởng từ 4-5% mỗi năm. Điều này cho thấy mức tăng thuế chưa đủ mạnh và không thường xuyên, dẫn đến việc tiêu thụ thuốc lá vẫn tăng trở lại, chưa đạt được mục tiêu giảm theo khuyến cáo của WHO" - bà Thu nhận định.

Vì vậy, theo bà chính sách tăng thuế thuốc lá vẫn là biện pháp quan trọng để giảm tiêu dùng thuốc lá. “Để đạt được hiệu quả, cần tăng thuế mạnh mẽ và thường xuyên hơn. Bên cạnh đó, cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống tác hại thuốc lá, để kiểm soát tốt hơn việc tiêu thụ thuốc lá” – bà Thu nói.

Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam chia sẻ tại Toạ đàm.

Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam chia sẻ tại Toạ đàm.

Chia sẻ tại Toạ đàm, Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cảnh báo, tỷ lệ hút thuốc lá cao đang cản trở khả năng của Việt Nam trong việc đạt được các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá và tham vọng dài hạn trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.

Bà Angela Pratt cho biết, các nhà lập pháp Việt Nam đang có cơ hội quan trọng trong các phiên họp sắp tới của Quốc hội để sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, nhằm bảo vệ người dân khỏi tác hại của thuốc lá và góp phần nâng cao sức khỏe, thúc đẩy thịnh vượng cho Việt Nam trong tương lai. Vì vậy, Việt Nam nên áp dụng mức thuế thuốc lá cao hơn so với đề xuất hiện tại trong dự thảo vì mức thuế hiện tại còn quá thấp, khiến thuốc lá trở nên dễ mua.

“Hiện nay, giá và thuế thuốc lá ở Việt Nam thuộc hàng thấp nhất khu vực ASEAN, trong khi xu hướng quốc tế là tăng thuế thuốc lá để kiểm soát tiêu dùng. Trên thế giới, khoảng 60 quốc gia với tổng dân số hơn 1,6 tỷ người đang áp thuế chiếm ít nhất 70% giá bán lẻ, gần với khuyến nghị của WHO là 75%. Các quốc gia này đã làm cho giá thuốc lá đắt đỏ hơn và khó tiếp cận hơn, dẫn đến giảm tỷ lệ hút thuốc đáng kể trong thời gian ngắn" - TS. Angela Pratt nói, đồng thời khẳng định: “Việc tăng thuế thuốc lá là biện pháp nhanh và hiệu quả nhất để giảm tỷ lệ hút thuốc, được đề xuất trong Công ước khung của WHO về kiểm soát thuốc lá mà Việt Nam đã phê chuẩn vào năm 2004”.

Ông Hoàng Văn Cường, đại diện Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội.

Ông Hoàng Văn Cường, đại diện Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội.

Bà đưa ra ví dụ từ Philippines, nơi việc tăng thuế thuốc lá đã giúp giảm 30% số người hút thuốc trong vòng 10 năm (2012-2022) và đồng thời tăng nguồn thu ngân sách từ 680 triệu USD lên 2,9 tỷ USD. Theo đó, WHO đề xuất rằng Việt Nam cũng nên áp thuế tuyệt đối theo lộ trình, tăng lên 15.000 đồng/gói thuốc vào năm 2030. Điều này có thể giúp giảm số người hút thuốc ở nam giới xuống còn 35,8% và tăng thêm 29,3 nghìn tỷ đồng mỗi năm cho ngân sách.

Tại toạ đàm, các chuyên gia đều bày tỏ quan điểm ủng hộ ý kiến tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá để đạt mục tiêu giảm tiêu thụ thuốc lá và giảm tỷ lệ hút thuốc xuống còn 36% vào năm 2030.

Trước ý kiến của các chuyên gia tại Toạ đàm, ông Hoàng Văn Cường, đại diện Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội, cho rằng cần có một biện pháp tổng thể để giảm tỷ lệ hút thuốc lá. Ông đồng ý rằng mức thuế thuốc lá hiện nay ở Việt Nam thấp so với mặt bằng thế giới và ủng hộ hai phương án tăng thuế theo Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) của Bộ Tài chính. Ông cho biết, Quốc hội sẽ lắng nghe ý kiến từ nhiều phía và đánh giá tác động của việc tăng thuế này đối với xã hội trước khi Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, khai mạc vào ngày 21/10/2024 tới.

Đọc thêm