Niềm vui cau được mùa, được giá

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những ngày qua, giá cau tươi tăng mạnh, lên tới 80.000 - 90.000 đồng/kg, giúp nông dân Quảng Nam, Quảng Ngãi thu lợi cao.
Thu hoạch cau tươi. (Ảnh trong bài: Công Huy)
Thu hoạch cau tươi. (Ảnh trong bài: Công Huy)

“Vui như trúng số”

Dẫn khách ra thăm vườn cau dày đặc quả, niềm vui hiện rõ trên gương mặt nông dân Nguyễn Xuân Học (ngụ xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, Quảng Nam) khi năm nay vừa được mùa, vừa được giá. Với giá cau tăng và chưa có dấu hiệu dừng lại như hiện nay, chỉ cần bán một buồng cau khoảng 10kg, ông Học bỏ túi gần 1 triệu đồng.

Ông Học cho biết, trước đây gia đình trồng một số loại nông sản khác nhưng không nhiều hiệu quả, cây hay bị bệnh. Vì thế, ông chuyển toàn bộ diện tích sang trồng cau, loại cây phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng địa phương. Hiện vườn ông Học trồng khoảng 1.000 cây cau lớn, nhỏ, hơn 200 cây đang vào vụ thu hoạch.

“Lần đầu tiên tôi thấy giá cau cao như vậy, bán đắt hơn cả tôm tươi. Hiện giá bán cau tại vườn từ 80.000 - 90.000 đồng/kg, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ 13.000 đồng. Nếu hái mang đến các cơ sở chế biến cách nhà 20km, sẽ được thu mua giá 100.000 đồng/kg. Mới giữa mùa nhưng tôi đã bán được gần 300 triệu đồng. Nếu giá này duy trì được lâu, cây cau sẽ giúp nông dân làm giàu. Giá trị kinh tế hơn hẳn nhiều loại cây khác, lại ít công chăm sóc”, ông Học nói.

Tại Quảng Ngãi, những người trồng cau cũng chung niềm vui. Anh Đinh Văn Dương (ngụ xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây) nói “vui như trúng số”. Có gần 2ha cau với hơn 2.000 cây đang cho thu hoạch, anh đã trả được hết khoản nợ vay hơn 500 triệu xây nhà trước đó.

Theo anh Dương, mùa cau ở huyện miền núi Sơn Tây bắt đầu từ tháng 9 và kết thúc cuối năm âm lịch với khoảng 4 - 5 tháng cau cho quả rộ. Cây cau là loại dễ trồng, không tốn công chăm sóc, trồng khoảng 5 năm bắt đầu cho thu hoạch, đến năm thứ 7 cho quả ổn định và kéo dài tới vài chục năm. Cây cau cũng rất cứng cáp, chống chọi trước gió bão, ít bị ngã đổ. Ngoài việc thu lợi, cây cau còn được trồng để tạo cảnh quan, lấy trái ăn trầu, thắp nhang. “Mỗi cây ra từ 2 - 5 buồng, bình quân mỗi cây thu khoảng 14kg. Hiện mỗi tháng tôi thu về gần 100 triệu đồng”, anh Dương nói.

Ghi nhận của PV, từ tháng 6/2024 đến nay, giá cau tươi ở Quảng Nam và Quảng Ngãi tăng dần, từ 45.000 - 57.000 đồng/kg, sau đó 60.000 đồng/kg và tiếp tục lên mức 90.000 đồng/kg chỉ trong vòng nửa đầu tháng 10/2024. Có thời điểm, ngay trong một ngày, giá cau từ buổi trưa đến chiều đã tăng thêm 5.000 đồng/kg.

Chưa dự báo được thị trường

Xã Tiên Cảnh được xem là trung tâm chế biến cau xuất khẩu nước ngoài của huyện Tiên Phước (Quảng Nam) với khoảng 10 cơ sở chế biến. Theo ông Thái Phúc Thịnh (chủ một cơ sở), mỗi ngày ít nhất cơ sở thu mua 10 tấn, ngày nhiều 35 tấn cau tươi, rồi sấy khô xuất sang Trung Quốc. Cau đưa về xưởng được tuyển chọn, không sứt cuống, trung bình 45 - 55 trái/kg. Cau tươi được cho vào nồi hơi luộc. Sau hơn 1 tiếng đồng hồ, cau chín được vớt ra, đưa lên lò sấy. “Cau khô được xuất sang Trung Quốc làm kẹo, vị như kẹo gừng, có tác dụng chống viêm họng, giữ ấm cơ thể”, ông Thịnh cho biết.

Ông Nguyễn Xuân Vũ, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam cho hay, giá cau hiện nay tăng kỷ lục vì nhu cầu từ các nước Trung Quốc, Ấn Độ. Toàn tỉnh có gần 1.000ha cau, tập trung ở huyện Tiên Phước, Bắc Trà My. Sản lượng bình quân gần 8.000 tấn một năm. “Nhằm tránh nguy cơ “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, hiện ngành Nông nghiệp đang tính toán giải pháp. Vì đây là năm đầu tăng giá nên cần theo dõi, sau đó mới đưa ra khuyến cáo người trồng”, ông Vũ nói.

Giá cau tươi tăng cao, một số nông dân thu tiền tỷ.

Giá cau tươi tăng cao, một số nông dân thu tiền tỷ.

Tại Quảng Ngãi, chủ một vựa cau chia sẻ, năm 2021, người trồng cau từng “trúng lớn”. Tuy nhiên, do cau chủ yếu xuất sang Trung Quốc và giá cả phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường này nên biến động khó lường. Có thể đang cao kỷ lục nhưng ngay sau đó rớt giá thê thảm, thậm chí còn vài nghìn đồng/kg. “Giá xuất sang nước ngoài có thể thay đổi từng ngày, không thể biết trước được”, người này nói.

Để tăng thu nhập cho bà con trong những năm cau không được giá, huyện Sơn Tây đã vận động bà con đưa một số giống cây vào trồng dưới tán cau như hành Hà Lan, ổi nữ hoàng, dứa, sả... Đồng thời, không khuyến khích trồng ồ ạt do chưa dự báo được thị trường tiêu thụ.

Ngoài ra, những ngày qua khi giá cau tăng cao kỷ lục cũng làm nhiều hộ nông dân, nhà vườn trồng cau lo lắng bởi tình trạng trộm cau xảy ra ở một số nơi. Chính quyền khuyến khích người dân sử dụng các biện pháp ngăn ngừa như xây dựng hàng rào, lắp đặt camera giám sát, dựng chòi, lán trại, thuê người bảo vệ... để thường xuyên kiểm tra, bảo vệ vườn cau.