'GỠ VƯỚNG' PHÁP LÝ CHO DOANH NGHIỆP VIỆT ĐẨY MẠNH XUẤT KHẨU

Nhu cầu ổn định từ thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản tạo tín hiệu tốt cho xuất khẩu mực, bạch tuộc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - So với các sản phẩm thủy sản khác, xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam sang Hàn Quốc, Nhật Bản trong quý I/2023 ghi nhận tín hiệu phục hồi tốt.
Hàn Quốc, Nhật Bản là 2 thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc lớn nhất của Việt Nam.
Hàn Quốc, Nhật Bản là 2 thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc lớn nhất của Việt Nam.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam trong quý I/2023 đạt hơn 138 triệu USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2022. Mặc dù không tránh khỏi tăng trưởng âm trong xu hướng sụt giảm chung của xuất khẩu thủy sản Việt Nam nhưng so với các sản phẩm thủy sản chính xuất khẩu khác của Việt Nam, giá trị xuất khẩu mực, bạch tuộc ghi nhận mức giảm nhẹ hơn.

VASEP cho rằng, nguyên nhân khiến xuất khẩu mực, bạch tuộc giảm là do tác động của lạm phát và suy thoái kinh tế toàn cầu khiến nhu cầu nhập khẩu mực, bạch tuộc từ các thị trường tiêu thụ lớn trên thế giới sụt giảm.

Các doanh nghiệp xuất khẩu mực, bạch tuộc tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn về nguồn nguyên liệu và chi phí đầu vào cho sản xuất tăng cao. Xung đột Nga-Ukraine làm xáo trộn thương mại toàn cầu, giá xăng dầu tăng cao khiến chi phí cho các chuyến biển của bà con ngư dân gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, thẻ vàng IUU chưa được gỡ bỏ vẫn là thách thức cho hoạt động xuất khẩu mực, bạch tuộc.

Trong cơ cấu các sản phẩm mực, bạch tuộc xuất khẩu, mực chiếm 54,4%, còn lại bạch tuộc chiếm 45,6%. Quý I/2023, giá trị xuất khẩu mực giảm 12%; xuất khẩu bạch tuộc giảm 11% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong quý I/2023, các sản phẩm mực, bạch tuộc của Việt Nam được xuất khẩu sang 43 thị trường, so với 47 thị trường của cùng kỳ năm 2022. Trong đó, Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc là 3 thị trường mực lớn nhất của Việt Nam, lần lượt chiếm tỷ trọng 25,2%; 17,4% và 16,2%. Xuất khẩu mực sang Nhật Bản tăng 12% trong khi xuất khẩu sang Thái Lan và Hàn Quốc giảm lần lượt 10% và 3%.

Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ là 3 thị trường nhập khẩu bạch tuộc lớn nhất của Việt Nam, lần lượt chiếm tỷ trọng 59,4%; 29,2%; 2,2%. Xuất khẩu bạch tuộc sang 3 thị trường này đều giảm trong quý đầu năm.

Hiện, Hàn Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc lớn nhất của Việt Nam, chiếm 36% tổng giá trị xuất khẩu.

Quý I/2023, xuất khẩu mực, bạch tuộc sang Hàn Quốc đạt gần 50 triệu USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022. Nước này chủ yếu nhập khẩu từ Việt Nam bạch tuộc cắt đông lạnh, bạch tuộc nguyên con làm sạch đông lạnh, mực khô lột da, mực đông lạnh…

Nhật Bản là thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc đơn lẻ lớn thứ 2 của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 27%. So với thị trường Hàn Quốc, xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam sang Nhật Bản có tín hiệu tích cực hơn. Quý I/2023, xuất khẩu mực, bạch tuộc sang thị trường này đạt 37 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo VASEP, sản lượng khai thác mực, bạch tuộc nội địa của Nhật ngày càng giảm trong khi nhu cầu của Nhật Bản tăng đối với các sản phẩm mực, bạch tuộc ăn liền, tiện lợi do lối sống hiện đại, bận rộn, ít thời gian nấu nướng. Đây là yếu tố tác động tích cực tới xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam sang Nhật Bản.