Những mảnh đời buồn
39 tuổi nhưng nhìn chị Tạ Kiều D. (ở Vĩnh Xuyên, TP Châu Đốc) già hơn rất nhiều so với tuổi thật của mình. Không giấu được giọt lệ buồn tủi trên khuôn mặt sạm đen, chị lần hồi đưa chúng tôi trở lại dĩ vãng đầy nước mắt của mình. Chị D. cho biết, ba má chị sinh hạ được cả thảy 15 người con, chị không biết mình sinh năm bao nhiêu (chỉ biết năm nay khoảng 39 tuổi) và là con thứ mấy trong gia đình.
Không có học thức, ba má chị chỉ biết trông vào nghề buôn bán bắp dạo và vé số ven sông nuôi nấng đàn con của mình. Theo chân cha mẹ, chị D. cũng mưu sinh bằng việc bán vé số dạo ở các quán nhậu…
Đến tuổi lấy chồng, chị kết duyên với một người làm nghề chạy xe lôi ở các khu du lịch trong thành phố. Cuộc sống vất vả, bộn bề lo toan cứ cuốn họ đi mãi cho đến một ngày chồng chị bị tai nạn lao động (trong một lần chở hóa chất cho khách chồng chị bị bắn hóa chất vào mắt làm bỏng giác mạc) rồi phát hiện bị nhiễm HIV. Tin dữ này chưa qua, tin dữ sau lại ập đến khi chị cũng nhận được kết quả dương tính với HIV. Không có nhiều hiểu biết về căn bệnh này, nhưng chị cũng lờ mờ biết HIV là một dịch bệnh nguy hiểm và chị hiểu hai vợ chồng chị chính là nạn nhân của những lần “vui vẻ” tới bến của chồng sau những trận nhậu thâu đêm suốt sáng.
“Nhiều lần tận mắt chứng kiến cảnh chồng ngồi nhậu, hai bên đùi hai “em út” ngả ngốn hầu rượu, tôi đau lắm nhưng không biết làm thế nào. Cứ tưởng nhắm mắt cho qua, nào ngờ hậu quả lại kinh khủng thế này…!” - chị D. tâm sự. Giờ một thân một mình gánh vác cả gia đình, đôi vai vốn đã trĩu nặng của chị D. lại càng chùng xuống, nhưng chị vẫn gắng chịu vì thương con. Cũng may cô con gái duy nhất của chị không mắc phải căn bệnh nan y này từ cha mẹ.
Dù thừa nhận nhiều lần “vui vẻ” với gái nhậu không sử dụng biện pháp an toàn, nhưng anh Huỳnh Thanh Ph. (41 tuổi), thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang không thể biết nguồn lây bệnh của mình từ đâu, bởi có thời gian anh cũng “làm bạn” với ma túy, và nhóm bạn chích chung với anh đều đã chết. Họa vô đơn chí cũng đến với anh Trương Hải M. (SN 1978), ngụ tại Châu Phú A, TP Châu Đốc sau lần “giải quyết hậu quả” vụ ẩu đả cho cậu bạn thân (lau máu cho bạn khi bạn bị chấn thương nặng vùng mặt). Và họ là trong số vô vàn nạn nhân của dịch bệnh đáng sợ đang ngấm ngầm lan truyền và hủy hoại sức khỏe, tinh thần và kinh tế của người dân vùng biên ải này.
Hiểm họa rập rình
An Giang là tỉnh giáp ranh biên giới Campuchia, có 4 dân tộc sinh sống gồm Kinh, Khơ Me, Chăm và Hoa; trong đó có tới 5 huyện giáp biên (Tân Châu, An Phú, Châu Đốc, Tri Tôn và Tịnh Biên). Chính bởi đặc điểm này, tình hình lây nhiễm HIV trên địa bàn tương đối phức tạp, đường lây chủ yếu qua quan hệ tình dục không an toàn (chiếm tới 85%). Cụ thể, tính đến ngày 30/5/2016 tổng số các trường hợp (TH) nhiễm HIV/AIDS/tử vong lũy tích từ năm 1993 được phát hiện trong toàn tỉnh là 10.569 TH, trong đó có 8.382 TH đã chuyển sang giai đoạn AIDS và 4.909 TH tử vong.
Trong 5 tháng năm 2016 toàn tỉnh phát hiện 92 người nhiễm mới, 88 bệnh nhân chuyển sang giai đoạn AIDS và 34 bệnh nhân tử vong do AIDS.
Ông Huỳnh Minh Trí - cán bộ Phòng giám sát của Trung tâm Phòng chống AIDS An Giang cho biết, các huyện biên giới đi lại hai bên rất thuận lợi, phụ nữ bán dâm ban ngày qua Campuchia “hành nghề”, tối lại về địa phương nên việc kiểm soát và quản lý rất khó khăn.
Tình hình mua bán ma túy hai vùng biên giới cũng rất phức tạp, khó kiểm soát. Càng lo ngại hơn khi ông Trí cho hay, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm phụ nữ mang thai ở An Giang là khá cao so với các địa phương khác trên toàn quốc (năm 2011 là 120 TH; 2012 là 103 TH; 2013 là 69 TH; năm 2014 là 75 TH và 2015 là 52 TH). Đa số các TH lây nhiễm qua đường tình dục và đây cũng là đường lây truyền bệnh rất lớn ra cộng đồng… Đó cũng chính là băn khoăn của lãnh đạo Trung tâm phòng chống AIDS An Giang, tuy nhiên các cán bộ phòng chống AIDS ở đây cũng chỉ biết dự phòng lây truyền HIV bằng cách tư vấn, khuyến khích, động viên người thân của các TH nhiễm đi làm xét nghiệm và điều trị.
Nhờ sự hỗ trợ của các dự án, đặc biệt là Dự án Qũy Toàn cầu, lãnh đạo Trung tâm Phòng chống AIDS An Giang đánh giá, mạng lưới phòng chống HIV/AIDS được kiện toàn. Các dịch vụ: Tư vấn xét nghiệm phát hiện, điều trị ARV, điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, can thiệp giảm tác hại… cũng được kiện toàn, lồng ghép và phân cấp về tuyến cơ sở.
Tuy nhiên, khó khăn trước mắt rất lớn khi hầu hết các dự án đều sắp kết thúc, nguồn kinh phí dành cho công tác này ngày càng eo hẹp, không khuyến khích cán bộ y tế, nhân viên tiếp cận cộng đồng, đồng đẳng viên làm việc, ảnh hưởng hoạt động tiếp cận cộng đồng. Trong khi đó, nguy cơ tiềm ẩn lây nhiễm HIV/AIDS qua con đường quan hệ tình dục không an toàn ở địa phương vẫn vô cùng lớn.
Đề cập đến nguồn lây nhiễm của dịch bệnh nguy hiểm này, nhiều người dân cũng như cán bộ phòng chống AIDS địa phương phản ánh, đối tượng đích cần can thiệp hiện nay không chỉ tập trung trong nhóm tiêm chích ma túy và phụ nữ bán dâm, mà chính là nhóm dân chơi thường xuyên qua biên giới đánh bài.
“Chỉ riêng khu vực biên giới thuộc địa bàn thành phố Châu Đốc đã có tới 6 Casino hoạt động nên người dân qua lại biên giới đánh bạc rất nhiều. Đàn ông thua bài thì tìm đến gái để “giải đen”. Phụ nữ đen bạc thì “nhắm mắt đưa chân” tìm đại gia ứng cứu. Nguy hiểm là họ đều tưởng nhau là “hàng sạch” nên không đề phòng gì cả. Và kết quả là “con AIDS” cứ ngấm ngầm lây lan” – một dân chơi và cũng là nạn nhân của HIV/AIDS cho biết.
…Cơn mưa chiều vụt tắt cũng là lúc vùng biên nhuộm tím một màu hoàng hôn. Những dòng người không ngừng lại qua biên giới du lịch, thư giãn, chơi bài…, những chiếc xe tải với ngồn ngộn hàng hóa vẫn ngược xuôi làm giàu cho người dân vùng biên ải. Nhưng kéo theo đó là vô vàn hệ lụy…