Nhức nhối ô nhiễm môi trường làng nghề

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mặc dù đã được cảnh báo từ lâu nhưng theo Báo cáo Hiện trạng môi trường Quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố mới đây, tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn; tại một số nơi, ô nhiễm môi trường có xu hướng gia tăng.
Ô nhiễm môi trường ở nhiều làng nghề vẫn là vấn đề nhức nhối.
Ô nhiễm môi trường ở nhiều làng nghề vẫn là vấn đề nhức nhối.

Những con số biết nói

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, năm 2020, cả nước có 4.575 làng nghề, trong đó có 1.951 làng nghề đã được công nhận. Tuy nhiên, chỉ 16,1% làng nghề có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt yêu cầu về bảo vệ môi trường, tỷ lệ làng nghề có điểm thu gom chất thải rắn công nghiệp chỉ đạt 20,9%. Tỷ lệ này là rất nhỏ so với hậu quả gây ra cho môi trường của các loại chất thải từ hoạt động sản xuất tại làng nghề.

Còn Báo cáo Hiện trạng môi trường Quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 cũng đã chỉ ra công tác bảo vệ môi trường tại các làng nghề hiện vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Nước thải từ làng nghề thường thải trực tiếp ra hệ thống kênh rạch chung, gây ô nhiễm và tác động xấu tới cảnh quan. Nhiều làng nghề có lưu lượng nước thải lớn, xả ra các kênh mương vốn làm nhiệm vụ tiêu thoát nước mưa, cung cấp nước cho tưới tiêu nông nghiệp,… dẫn đến nước thải ứ tắc, không lưu thông, gây ô nhiễm trầm trọng hơn.

Nguồn thải gây ô nhiễm môi trường không khí tại các làng nghề chủ yếu từ việc sử dụng than làm nhiên liệu, phổ biến là than chất lượng thấp, sử dụng hoá chất trong dây chuyền công nghệ sản xuất. Nguyên nhân khác kể tới hầu hết các làng nghề đều có công nghệ sản xuất lạc hậu, đa số là thủ công. Trình độ nhận thức của người dân ở hầu hết các khu vực làng nghề cũng chưa cao nên họ chưa nhận ra được những tác động có hại của những chất thải phát sinh từ hoạt động sản xuất; trình độ người lao động không đủ tiếp thu những công nghệ mới mà có hiệu quả cao trong công tác bảo vệ môi trường.

Hậu quả là ô nhiễm bụi, khí độc, hơi kim loại, mùi và tiếng ồn, tùy thuộc vào tính chất, quy mô và sản phẩm của từng loại ngành nghề. Trong đó, nhóm làng nghề có thải lượng ô nhiễm lớn nhất là tái chế và gia công, xử lý bề mặt, phun sơn, đánh bóng bề mặt sản phẩm, nhung, sấy, tẩy trắng, khí thải lò rèn… làm phát sinh bụi và các khí thải như SO2, NO2, hơi axit và kiềm. Điển hình là làng nghề tái chế nhựa Trung Văn (Hà Nội), làng nghề đúc đồng Đại Bái (Bắc Ninh), làng nghề tái chế nhôm Bình Yên (Nam Định)…

Chính sách đã có nhưng chưa đủ

Những số liệu nêu trên đặt một dấu hỏi rất lớn không chỉ đối với các nhà chức trách mà còn với các doanh nghiệp, hộ sản xuất tại các làng nghề. Tại sao sau bao nhiêu năm, vấn nạn ô nhiễm môi trường ở các làng nghề đã được nhận định, chính sách pháp luật cũng đã có nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được kiểm soát, tại một số nơi còn có xu hướng gia tăng?

Tại Tọa đàm trực tuyến “Bảo vệ môi trường làng nghề: Giải pháp nào bền vững?” mới đây, GS.TS. Đặng Thị Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ TNMT Việt Nam đã phân tích nhiều bất cập trong việc bảo vệ môi trường làng nghề hiện nay. Nhưng về mặt chung, bà Chi cho rằng vẫn còn thiếu các chính sách rõ ràng và quyết liệt trong vấn đề bảo vệ môi trường tại các làng nghề.

Không phủ nhận, so với giai đoạn 2011 - 2015, công tác bảo vệ môi trường tại các làng nghề giai đoạn 2016 - 2020 có nhiều chuyển biến, với sự xuất hiện của một số mô hình xử lý chất thải hiệu quả, giải pháp sáng tạo giúp hạn chế ô nhiễm môi trường. Đơn cử, các làng nghề gốm sứ Bát Tràng (Hà Nội), làng nghề bánh đa Kế (thành phố Bắc Giang),… đã áp dụng công nghệ, công đoạn sản xuất tiên tiến nhằm hạn chế phát thải chất thải ra môi trường.

Bên cạnh đó có các phong trào, mô hình bảo vệ môi trường đã được chính quyền địa phương triển khai nhằm nâng cao nhận thức, huy động sự chung tay, góp sức của cộng đồng doanh nghiệp và người dân địa phương. Đơn cử, mô hình “dòng sông không rác” của Nam Định; mô hình “biến bãi rác thành vườn hoa” của Đồng Tháp; mô hình trồng hoa, cây xanh “từ nhà ra ruộng”, hai bên đường giao thông tại Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nam, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đồng Nai, Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long...; mô hình “tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, giảm nghèo bền vững” tại Hậu Giang, Thanh Hóa, Nam Định...

Tuy nhiên, điều các chuyên gia lo ngại là hầu hết các sáng kiến, giải pháp bảo vệ môi trường làng nghề vẫn mang tính cục bộ và tình thế, tức là sau khi kết thúc “hô hào, kêu gọi” thì tình trạng xả thải tại các làng nghề lại “đâu vào đấy”. Bà Chi nhận định: “Chúng ta chưa nhìn thấy được cách khuyến khích những đơn vị, hộ sản xuất trong làng nghề hạn chế phát sinh chất thải, tăng cường tái chế chất thải, tăng cường phối hợp với nhau trong việc giải quyết các vấn đề môi trường. Ví như, mấy hộ có thể chung nhau một hệ thống xử lý, bởi vì quy mô rất nhỏ, không cần đầu tư đến cả một nhà máy”.

Đáng nói, còn có tình trạng nhiều làng nghề có được trợ cấp tiền của Chính phủ để xây dựng trung tâm, nhà máy xử lý nước thải rất lớn cho cả làng nhưng cuối cùng không được vận hành, việc đóng góp cho chi phí xử lý không thống nhất, nên hiệu quả không cao. Do đó, việc huy động đầy đủ hoạt động xã hội trong việc bảo vệ môi trường làng nghề cũng rất quan trọng, tức các hộ phải có trách nhiệm đóng góp cho các công trình bảo vệ môi trường chung, đầu tư cho công nghệ phù hợp với điều kiện, trình độ phát triển và đặc thù của loại hình sản xuất đối với làng nghề.

Đọc thêm