Những ai dễ gặp biến chứng nguy hiểm của bệnh đậu mùa khỉ?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện từ năm 1953, gần đây xuất hiện một loạt các trường hợp lây nhiễm ở châu Âu, Bắc Mỹ và một số quốc gia khác. Đặc biệt, căn bệnh này có rất nhiều biến chứng, biến chứng phổi, não, da, thần kinh…
Đã có gần 400 trường hợp nghi ngờ và mắc bệnh đậu mùa khỉ.
Đã có gần 400 trường hợp nghi ngờ và mắc bệnh đậu mùa khỉ.

Tất cả các lứa tuổi đều có khả năng mắc bệnh

Kể từ khi Anh lần đầu tiên báo cáo một trường hợp mắc bệnh đậu mùa ở khỉ được xác nhận vào ngày 7/5, đã có gần 400 trường hợp nghi ngờ và xác nhận đã được báo cáo cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ở gần hai chục quốc gia xa các nước lưu hành virus.

Đặc biệt, mới đây, Cơ quan An ninh Y tế Anh (UKHSA) ngày 1/6 cho biết bệnh đầu mùa khỉ rõ ràng có sự lây lan từ người sang người. Theo cơ quan này, phần lớn các ca mắc tại Vương quốc Anh – 132 ca – phát hiện tại London. Trong đó, 111 ca là những người thuộc cộng đồng LGBTQ (cộng đồng những người có giới tính đặc biệt). Tính đến thời điểm hiện tại, UKHSA chỉ xác nhận được mối liên hệ của các ca mắc với những quán bar dành cho người đồng tính, các phòng xông hơi và ứng dụng hẹn hò tại Anh cũng như nước ngoài.

Chia sẻ về căn bệnh này, TS.BS Ngô Thanh Hà, Trung tâm phòng chống dịch, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, đậu mùa khỉ có 2 chủng, 1 chủng nguồn gốc từ Congo, tỷ lệ tử vong là 10% nếu con người mắc phải. 1 chủng khác lưu hành ở Tây Phi thì tỷ lệ tử vong chỉ khoảng 1% thôi. Hiện tại, chủng đang gây dịch bệnh ở Anh và các nước Châu Âu là chủng ở Tây Phi, tỷ lệ tử vong thấp.

Theo y văn ghi lại, khi con người tiếp xúc với lượng lớn nước bọt mới có khả năng lây nhiễm, ngoài ra còn có thể lây nhiễm qua đường máu, tiếp xúc với bề mặt chứa virus gây bệnh.

Chia sẻ thêm về vật chủ chính của căn bệnh này, TS.BS Phạm Quang Thái, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho hay, gần đây, việc phát hiện ra vật chủ chính của bệnh đậu mùa khỉ lại là chuột, và một số động vật hoang dã. Ở một số quốc gia Châu Phi vẫn là những quốc gia hàng đầu lưu hành bệnh này. Một bệnh phát hiện từ năm 1953, gần đây, xuất hiện một loạt các trường hợp lây nhiễm ở Châu Âu, Bắc Mỹ, một số quốc gia khác. Cho thấy rằng bệnh có thể đã có biến đổi gì đó để dễ lây hơn ở người.

“Tất cả các lứa tuổi đều có nguy cơ mắc bệnh này. Trước đây, chỉ có một tỷ lệ nhất định những người lớn tuổi đã được tiêm chủng đậu mùa, thì những người này không nhiễm hoặc nhiễm nhưng rất là nhẹ đối với đậu mùa khỉ. Với những người trẻ hơn, chưa được tiêm vaccine là những đối tượng có nguy cơ cao hơn”, bác sĩ Thái cho biết.

Ngoài ra theo TS Thái, trong những năm gần đây, tỷ lệ tử vong giảm xuống, chỉ khoảng 3-6%. Tuy nhiên, tỷ lệ này cũng vẫn là con số nguy hại. “Bệnh có rất nhiều biến chứng, biến chứng phổi, não, da, thần kinh… Với biến chứng như vậy, nhóm càng nhỏ thì nguy cơ tỷ vong càng cao. Những nhóm tình trạng miễn dịch kém cũng là nhóm hết sức nguy cơ”, bác sĩ Thái nhấn mạnh.

TS.BS Phạm Quang Thái, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

TS.BS Phạm Quang Thái, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

Dấu hiệu nhận diện

Theo TS.BS Ngô Thanh Hà, đậu mùa khỉ là căn bệnh nhiễm virus, vì vậy dấu hiệu đầu tiên là triệu chứng giả cúm từ 1-3 ngày đầu mắc bệnh, bệnh nhân sẽ xuất hiện sốt, đau mỏi cơ, kèm theo mệt mỏi, chán ăn.

Sau ngày thứ 3 trở đi, bệnh nhân sẽ xuất hiện phát ban trên cơ thể, đầu tiên là trên mặt sau đó xuống toàn thân, tay chân. Ban thì có dạng phỏng nước, nốt ban này sẽ gây tổn thương qua tế bào sinh sản ở da. Sau khi ban bay đi thường để lại sẹo trên cơ thể.

Cũng theo TS Hà: “Đậu mùa khỉ là nhóm virus tương đồng với bệnh đậu mùa ở người. Theo nghiên cứu trên thế giới, vaccine đậu mùa vẫn có hiệu quả đối với đậu mùa khỉ”.

Việt Nam có nguy cơ lây lan dịch bệnh?

Đánh giá về khả năng lây lan dịch bệnh tại Việt Nam, TS Hà chia sẻ: “Dịch bệnh là điều không ai nói trước được, vì vậy chúng tôi khuyến cáo, những người có tiền sử đi du lịch hoặc sống ở những vùng có dịch tễ lưu hành của bệnh đậu mùa khỉ, khi về nước mà xuất hiện những triệu chứng sốt, sau 3 ngày xuất hiện các nốt ban thì cần liên hệ với chúng tôi để sớm xác định có phải bệnh đậu mùa khỉ không, để sớm có phương án điều trị”.

TS.BS Ngô Thanh Hà, Trung tâm phòng chống dịch, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

TS.BS Ngô Thanh Hà, Trung tâm phòng chống dịch, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Bên cạnh đó, TS Thái cũng cho hay, ở Việt Nam đang tồn tại 2 hệ thống giám sát, một là hệ thống giám sát dựa vào chỉ số, tức là chúng ta dựa vào bệnh viện, dựa vào các cơ sở y tế để phát hiện sớm các trường hợp điển hình. Hệ thống giám sát dựa vào sự kiện cũng được đẩy mạnh trong nhiều năm gần đây.

“Trước mắt, các viện vệ sinh dịch tễ và CDC đã được thông báo về những nội dung này. Việc giám sát sẽ được thực hiện song hành để đảm bảo không bị bỏ sót những đối tượng có thể là nguồn lây tiềm tàng trong cộng đồng”.

Trước những diễn biến phức tạp của bệnh đậu mùa khỉ, TS Hà khuyến cáo: “Hiện tại Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ nào, vì vậy, chúng tôi khuyến cáo với những du khách đi du lịch đến Châu Phi hoặc những vùng dịch tễ lưu hành thì hạn chế tiếp xúc với động vật hoang dã và các loài gặm nhấm. Nếu về Việt Nam và xuất hiện những triệu chứng sốt, phát ban thì ngay lập tức phải báo với cơ quan chức năng hoặc bệnh viện. Chúng ta cách ly được nguồn lây thì khả năng lây nhiễm sẽ khó, có thể kiểm soát dịch bệnh ngay từ khi xuất hiện”.

“Hiện, ở Việt Nam người dân nên bình tĩnh, bởi theo nghiên cứu, căn bệnh này không dễ lây lan như những bệnh khác. Những nghiên cứu về khả năng lây nhiễm qua đường không khí rất hạn chế. Đề nghị người dân nêu cao tinh thần cảnh giác. Bởi theo xu hướng chung, các loài virus sẽ có sự đột biến để duy trì sự phát triển”, TS Hà nhấn mạnh.

Đọc thêm