Những anh hùng trong lòng dân

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hơn 2.300 nhân viên y tế bị lây nhiễm khi làm việc, ba người tử vong gồm hai tại TP HCM, một tại Bình Dương trong cuộc chiến chống Covid-19 thời gian qua.
Hình minh họa.
Hình minh họa.

Thông tin được Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam chia sẻ tại Tọa đàm trực tuyến “Bảo vệ blouse trắng nơi tuyến đầu” mới đây. Số nhiễm trên được thống kê từ đầu đại dịch năm 2020 tới ngày 9/8 và “chắc chắn còn tăng”, theo đại diện Bộ Y tế.

Hai tháng qua, hơn 13.000 y, bác sĩ từ miền Bắc, miền Trung đã vào tâm dịch phía Nam. Trong đó, 7.000 người chi viện TP HCM, hơn 5.000 người phân bổ các tỉnh còn lại. Ngoài đối mặt với lây nhiễm, y, bác sĩ còn chịu áp lực nặng về tâm lý khi bệnh nhân quá đông, trở nặng nhanh, tỷ lệ tử vong cao; thiếu trang thiết bị, máy móc, đồ bảo hộ; ăn uống, ngủ nghỉ qua loa; đã có những giọt nước mắt âm thầm rơi khi không cứu được người bệnh…

Bộ Y tế đã có nhiều giải pháp bảo vệ nhân viên như yêu cầu tập huấn kỹ, trang bị đồ phòng hộ chặt chẽ... Nhưng thực tế phải làm việc tại nơi có nồng độ virus cao nên nguy cơ lây nhiễm rất cao. Trong sinh hoạt, nghỉ ngơi, nếu nhân viên y tế sơ suất cũng có thể bị lây nhiễm.

Một bác sĩ Bệnh viện K vào chi viện Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP HCM gần một tháng nay, nói “ở đây không ai được hít khí trời”. Bệnh viện Hồi sức Covid-19 là tuyến cuối, điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch, phải thở máy nên “để bệnh nhân được hít khí trời” trở thành mục tiêu của các y, bác sĩ. Nơi này cũng đang thiếu bác sĩ hồi sức cấp cứu. Lượng bệnh nhân quá đông, lại toàn ca nặng, khiến bác sĩ nhiều lúc choáng ngợp với khối lượng công việc.

Các y, bác sĩ đã chia 3 ca, 4 kíp làm việc 8 tiếng ban ngày và 10 tiếng ban đêm trong đồ bảo hộ cấp 4. Họ luôn phải cẩn trọng từng khâu, từ hút dịch cho bệnh nhân đến tháo bỏ đồ bảo hộ, đeo khẩu trang, trao đổi với đồng nghiệp luôn phải đúng quy định. Khi về khách sạn nghỉ, họp đều trực tuyến, phòng nào ở phòng nấy. Họ vẫn đùa nhau “toàn tự chơi một mình”. Khoảng thời gian nghỉ giữa giờ, họ cũng chỉ ra sảnh hít khí trời một chút. “Anh em có khi làm việc đến 500% sức lực”, một bác sĩ cho biết.

Ông Nguyễn Phước Lộc, Phó trưởng ban Dân vận Trung ương cho rằng cần có chính sách riêng cho lực lượng y tế tuyến đầu; phụ cấp về độc hại, cường độ làm việc, làm ngoài giờ... Đó là những đề nghị rất chính đáng.

Công đoàn Y tế đã hai lần đề nghị Tổng Liên đoàn đề xuất phong tặng liệt sĩ với nhân viên y tế tử vong khi làm nhiệm vụ trong đại dịch; coi họ là người thi hành công vụ, có chính sách với thân nhân của họ. Dù những đề xuất này đang được Đảng, Nhà nước, Chính phủ xem xét… nhưng trong lòng mọi người dân, tất cả những bác sĩ, cán bộ nhân viên y tế, những người xả thân nơi tuyến đầu chống dịch, bảo vệ sức khỏe nhân dân… đều đã là những anh hùng trong lòng dân.

Đọc thêm