“Đâu có giặc là ta cứ đi”
Chống dịch như chống giặc. Không phân biệt vùng miền, không phân biệt trai hay gái, ai có đủ sức khỏe, đủ điều kiện là có thể xung phong ra tuyến đầu chống dịch. Chúng ta phải huy động sức mạnh tổng lực của hệ thống chính trị, của nhân dân để sớm đẩy lùi đợt dịch lần thứ 4 này càng sớm càng tốt - Thủ tướng Chính phủ nhiều lần nhấn mạnh quan điểm này với các cấp, các ngành “tất cả vì sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết”.
Hàng chục lá đơn xung phong chống dịch từ đội ngũ y, bác sĩ đã về hưu gửi về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng khiến nhiều người cảm phục. Họ là các y bác sĩ đã về hưu của các chuyên ngành bác sĩ đa khoa, chuyên khoa, xét nghiệm, răng hàm mặt, phụ sản và điều dưỡng, y sĩ, dược sĩ. Với họ, những kiến thức của mình có cộng với sức khỏe đang còn tốt, nếu ngồi yên trong nhà, đóng cửa cài then rất lãng phí. Ngay cả những bác sĩ tuổi cao, mang bệnh tiểu đường, rối loạn mỡ máu vẫn xung phong đăng ký và đề nghị bố trí công việc phù hợp. Họ sẵn sàng chấp nhận rủi ro, xung phong hỗ trợ những đồng nghiệp đang ngày đêm căng mình chống dịch.
“Tôi muốn trực tiếp tham gia vào hồi sức cấp cứu, chữa trị các ca bệnh nặng để sẻ chia cùng đồng nghiệp. Tôi vẫn biết mình chỉ là một hạt cát nhỏ trong cuộc chiến tổng lực này, nhưng tôi biết quanh đây, ngay trong thành phố này, có rất nhiều y, bác sĩ đã sẵn lòng xông pha. Biết đâu khi nhiều hạt cát nhỏ hợp lại sẽ mang tới bất ngờ lớn trong cuộc chiến này”, bác sĩ Phạm Thị Ánh Hồng (56 tuổi), người xếp đầu danh sách đăng ký, bày tỏ.
|
Bác sĩ Nguyễn Văn Trang, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện huyện Thanh Chương, Nghệ An. |
Mặc dù đã 78 tuổi, nhưng bác sĩ Nguyễn Văn Trang, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện huyện Thanh Chương, Nghệ An đã làm đơn xung phong tới tỉnh Bắc Giang tham gia phòng chống dịch COVID-19. Bác sĩ Trang từng nhiều năm đảm nhiệm chức vụ Trưởng khoa nội nhi, Bệnh viện huyện Thanh Chương. Hiện nay, mặc dù đã 78 tuổi, nhưng hiện sức khỏe rất tốt, minh mẫn. Hàng ngày ông vẫn tham gia các hoạt động công tác xã hội, tham gia khám chữa bệnh cho người dân.
Những ngày qua, BS CKII Nguyễn Thế Sâm, nguyên Trưởng khoa Gây mê hồi sức Bệnh viện Quân y 7B cùng với các đồng nghiệp trẻ của bệnh viện làm việc liên tục tại điểm tiêm chủng lưu động KP.11, P.Tân Phong, TP.Biên Hòa. Mỗi ngày, BS Sâm thức dậy từ rất sớm, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đến các điểm tiêm chủng
vaccine ngừa COVID-19 lưu động. Tại đây, ông làm nhiệm vụ khám sàng lọc, tư vấn cho người dân về việc tiêm vaccine. Đồng thời, theo dõi sát những diễn biến sau tiêm của người dân để kịp thời xử lý nếu có bất thường xảy ra. Bác sĩ Sâm chia sẻ: “Với những kiến thức tôi có cộng với sức khỏe đang còn tốt, nếu ngồi yên trong nhà, đóng cửa cài then thì rất lãng phí. Khi Tổ quốc, nhân dân cần, chúng tôi sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ”.
Bác sĩ CKI Nguyễn Giỏi nguyên là Trưởng khoa Phòng chống HIV/AIDS (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh). Tháng 3/2020, ông về hưu sau gần 40 năm cống hiến cho ngành Y. Sau khi nghỉ hưu, với tình yêu nghề, BS Giỏi tiếp tục làm việc ở phòng khám gia đình. Suốt 2 tháng nay, ông liên tục tham gia công tác khám sàng lọc để tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân ở các phường: Hòa Bình, Quang Vinh, Bình Đa, Hố Nai, Bửu Hòa, Thống Nhất, Trảng Dài, Long Bình, Bửu Long. Bác sĩ Giỏi tâm sự, nhiều người lo ngại nếu bác sĩ khám sàng lọc không tận tâm thì nhiều người dân sẽ mất đi quyền lợi tiêm vaccine ngừa Covid-19. Do đó, ông luôn cố gắng cân nhắc, tư vấn, khám sàng lọc kỹ để chỉ định tiêm hay không tiêm vaccine phù hợp, đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Bác sĩ Nguyễn Thị Khuyên năm nay đã 64 tuổi, nguyên là trạm trưởng trạm y tế phường Liên Mạc (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) hào hứng: “Tôi là một cán bộ y tế về hưu, đã có sẵn kiến thức về phòng dịch, y tế, bản thân tôi lại có sức khoẻ tốt, có nhiều thời gian và đồng thời lại là cán bộ tổ dân phố nên tôi nghĩ mình rất phù hợp để tham gia cùng với địa phương ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Có thể Hà Nội sẽ phải đối mặt với số ca bệnh ngày càng lên, việc huy động lực lượng tham gia phòng dịch là rất cần thiết, không chỉ trong việc vận động, hướng dẫn bà con mà còn nhiều công tác chuyên môn y tế khác. Nếu không chỉ ở trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm mà phải huy động đi hỗ trợ y tế ở nhiều nơi khác tại Hà Nội, tôi cũng sẵn sàng. Bởi tôi tự tin mình có kiến thức về y tế và sẽ làm tất cả những gì có thể làm được trong đợt dịch này”.
“Truyền lửa” nhiệt huyết, lạc quan
Bác sĩ Nguyễn Thế Hiền (nguyên cán bộ y tế công tác tại bệnh viện ở Bình Dương), cho biết thêm ngay khi địa phương kêu gọi, cả 2 vợ chồng đã nghỉ hưu lập tức đăng ký tham gia vào tuyến đầu phòng, chống COVID-19. “Khi đất nước cần, địa phương cần chúng tôi tham gia ngay. Khi nào địa phương hết dịch, chúng tôi mới trở về”.
Sự vất vả, hy sinh của đội ngũ y bác sĩ cao tuổi tham gia chống dịch không hề nhỏ. Theo bác sĩ Thế Sâm, từ ngày tham gia chống dịch COVID-19, sinh hoạt và cuộc sống của ông có nhiều thay đổi. Thay đổi lớn nhất là ông phải mặc đồ bảo hộ phòng dịch mỗi ngày. 7 giờ sáng, sau khi mặc đồ bảo hộ xong, ông và nhiều đồng nghiệp không ai dám mở khẩu trang để uống thêm nước dù khát. Mồ hôi ướt đẫm không tránh khỏi sự mệt mỏi, mất sức. Đến 11-12 giờ trưa, được cởi bỏ bộ đồ bảo hộ trên người để ăn cơm trưa, bác sĩ Sâm như bỏ được một gánh nặng. Tuy nhiên, chỉ sau ít phút nghỉ giữa giờ, bác sĩ Sâm và đồng nghiệp lại tiếp tục mặc đồ bảo hộ, làm việc một mạch đến chiều tối.
“Có những ngày, tôi và đồng nghiệp làm việc trong các phường đang là điểm nóng của dịch bệnh như Hố Nai đến tận tối muộn mới về đến nhà. Cơ thể dù có mệt mỏi nhưng tinh thần tôi thấy rất thoải mái, vui vẻ và tự hào. Bởi lẽ bản thân đã dám đi, dám làm và dám đối mặt với hiểm nguy, có thể góp sức mình dù là nhỏ bé cùng các đồng nghiệp trẻ đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine trên địa bàn tỉnh để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh COVID-19” - bác sĩ Nguyễn Giỏi bộc bạch.
Dù cao tuổi, các y bác sĩ đều đong đầy nhiệt huyết. Gặp ai, họ cũng nhắc nhở các biện pháp bảo vệ sức khỏe, sốt sắng cập nhật và hướng dẫn người dân các biện pháp vệ sinh, phòng chống dịch bệnh.
|
Bác sĩ Trần Văn Thành (Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng) |
Những vị y, bác sĩ về hưu tham gia chống dịch như tiếp thêm ngọn lửa nhiệt huyết, tinh thần lạc quan cho những bác sĩ trẻ và những bệnh nhân. Tại khu thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19, Thiếu tá, Bác sĩ Trần Văn Thành (Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng) ngoài lo công việc chuyên môn khám bệnh còn lo đời sống tinh thần các bệnh nhân. Hàng ngày, các y bác sĩ tiếp thêm tinh thần lạc quan chiến thắng dịch bệnh thông qua các bài hát sôi động được phát lên. Các bài tập thể dục cũng được liên tục thể hiện cho người nhiễm COVID-19 không triệu chứng tập theo, nâng cao thể lực của mình. Bên cạnh đó các bài hát tươi vui phát to lên, mọi người đều nghe và cảm thấy tinh thần tốt hơn. Mỗi ngày y bác sĩ đều thăm khám, phát thuốc, thực phẩm cho bệnh nhân đầy đủ. Gần như toàn bộ người nhiễm Covid-19 không triệu chứng đều lạc quan, khỏe mạnh hơn mỗi ngày.
Khi tham gia chống dịch, một số y bác sĩ về hưu đã vấp phải sự ngăn cản của các con cháu vì lo lắng họ tuổi già, sức yếu, rất dễ nhiễm COVID-19. Nhưng với trách nhiệm của người thầy thuốc - chiến sĩ trên mặt trận giữ gìn sức khỏe, họ nhẹ nhàng nhưng đầy khẳng khái quyết định: “Đâu có giặc là ta cứ đi”. Bác sĩ Thành đã xa nhà chưa xác định ngày về, ngày nối ngày sẽ chăm lo người nhiễm COVID-19 nên người thân của ông cũng có chút lo âu. Bác sĩ Trần Văn Thành đã thổ lộ quyết tâm rằng: Việc làm này là mệnh lệnh từ trái tim, Tổ quốc đang cần mình. Người nhiễm bệnh đang cần mình. Mình có kinh nghiệm sẽ dốc cạn tâm sức để làm việc nếu không thì day dứt lắm. Tôi mong sẽ sớm dập tắt dịch bệnh để mang lại cuộc sống bình yên cho người dân”.
"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"