Những bí mật lần đầu công bố trong vụ ám sát Tổng thống John Kennedy

(PLO) -Cơ quan lưu trữ quốc gia Mỹ mới đây đã công bố hơn 3.000 hồ sơ liên quan đến vụ ám sát Tổng thống Mỹ John Kennedy vào ngày 22/11/1963. Các học giả nghiên cứu về Kennedy cho rằng các hồ sơ này khó có khả năng chứa đựng các tiết lộ chấn động, thay đổi các thuyết âm mưu lâu nay về một trong những vụ ám sát nổi tiếng nhất nước Mỹ. Dù vậy, vẫn có nhiều chi tiết đắt giá chưa từng được biết tới trong những trang tài liệu này. 
Tổng thống John Kennedy và phu nhân trước thời điểm bị ám sát

Các tài liệu lưu trữ về vụ ám sát cựu Tổng thống Kennedy lên tới hơn 5 triệu trang, bao gồm ảnh, phim, bản ghi âm và hiện vật… do các cơ quan như CIA, FBI, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao và các cơ quan khác thu thập. Khoảng 88% khối lượng hồ sơ này đã được công bố từ cuối những năm 1990, khoảng 11% khác cũng lần lượt được Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Mỹ công bố trên trang web của mình với chi tiết nhạy cảm đã được lược bỏ. 

Các hồ sơ được Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh công bố thành hai đợt trong các ngày 27/10 và 3/11 vừa qua là nằm trong 1% số tài liệu còn lại, trong đó chứa đựng những chi tiết mà nhiều người hi vọng có thể soi rọi vào những ngóc ngách chưa được sáng tỏ trong câu chuyện ám sát Tổng thống John Kennedy. 

Bí ẩn xung quanh hung thủ Oswald

Sau vụ ám sát Tổng thống Kennedy, một ủy ban có tên Warren đã được thành lập để tiến hành điều tra vụ việc. Đến cuối năm 1964, Ủy ban Warren đưa ra kết luận cuối cùng khẳng định tên Lee Harvey Oswald, một cựu quân nhân của lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ, cũng là một tay thiện xạ là thủ phạm duy nhất trong vụ ám sát.

Dù vậy, các tài liệu mới được Cơ quan lưu trữ quốc gia công bố cho thấy nhiều chi tiết mới xung quanh thời điểm vụ nổ súng xảy ra trên Đại lộ Elm, bang Texas. Những chi tiết này được hi vọng có thể làm rõ những điều còn bí ẩn về quá khứ của Oswald, những tính toán của sát thủ này cũng như việc liệu Oswald có hành động một mình hay không. 

Các hồ sơ mới được công bố được thu thập trong khoảng thời gian những năm đầu của chính quyền Kennedy cho tới những năm 1970, bao gồm các cuộc thảo luận về các cuộc điều tra về những hành trình của sát thủ Lee Harvey Oswald, bao gồm một chuyến đi đến Mexico trước khi ám sát. Người mà Oswald gặp trong chuyến đi đó là chủ đề gây tranh cãi kéo dài. 

Một bản ghi nhớ của Giám đốc FBI khi đó là J. Edgar Hoover, đề ngày 24/11/1963, chỉ vài giờ sau khi Jack Ruby bắn Oswald, cho biết FBI đã gửi một nhân viên đến bệnh viện với hy vọng nhận được lời thú nhận từ tên sát thủ trước khi hắn qua đời. Sau nỗ lực không thành công, bản ghi nhớ lưu lại một yêu cầu khẩn cấp của Hoover về việc "cần có gì đó công bố để chúng tôi có thể thuyết phục công chúng rằng Oswald là sát thủ thực sự."

Một số tài liệu khác của FBI cho biết có nguồn cung cấp tin cho rằng hung thủ thực sự trong vụ ám sát Tổng thống Kennedy là một cảnh sát. Người cung cấp tin tức cho FBI cho biết, sát thủ Lee Harvey Oswald đã bị bắt gặp đi cùng viên cảnh sát tên là JD Tippit ở một câu lạc bộ, một tuần trước khi vụ ám sát xảy ra. Tài liệu nội bộ 5 tháng sau cái chết của Tổng thống Kennedy có nêu những thông tin tình báo chi tiết mà FBI nhận được từ một người chỉ điểm.

Theo đó, cảnh sát JD Tippit mới chính là người nổ súng bắn Tổng thống thứ 35 của Mỹ, chứ không phải Oswald. Còn sát thủ Oswald sau đó đã bị một tay chủ hộp đêm, có liên quan tới mafia, là Jack Ruby bắn hạ. Ruby cũng chính là chủ câu lạc bộ, nơi Oswald bị bắt gặp đi cùng với Tippit.

Bên trong chiếc limousine sau khi vụ ám sát diễn ra

Những cuộc điện thoại nặc danh

Một tài liệu đáng chú ý khác cho thấy văn phòng của FBI Dallas đã nhận được một cảnh báo đe dọa mạng sống của Oswald vào ngày 23/11/1963, đêm trước khi Osward bị Jack Ruby bắn chết, từ một người đàn ông nói anh là "thành viên của một ủy ban được tổ chức để giết Oswald". Bản ghi nhớ đề tên người viết là Jack Date nêu rõ: "Đêm qua, chúng tôi đã nhận được một cú điện thoại trong văn phòng Dallas từ một người đàn ông. Bằng một giọng bình tĩnh, ông ta nói rằng mình là một thành viên của một ủy ban được tổ chức để thủ tiêu Oswald”. Thông tin này càng khiến nhiều người phỏng đoán về chuyện có một âm mưu đen tối hơn nhiều phía sau vụ ám sát vị tổng thống thứ 35 của nước Mỹ.

Một bản ghi nhớ đề ngày 26/11/1963 của CIA gửi cho Giám đốc FBI khi đó là J. Edgar Hoover cũng đề cập đến một điện thoại nặc danh khác gọi đến Cambridge News vào ngày 22/11 – chính là ngày Tổng thống Kennedy bị ám sát ở Dallas, Texas. Theo đó, một phóng viên của Cambridge News nhận được cuộc gọi thúc giục người này điện thoại đến Đại sứ quán Mỹ báo "tin lớn". Cuộc gọi diễn ra khoảng 25 phút trước khi Kennedy bị bắn chết. Sau khi tin tức về cái chết của Kennedy lan nhanh, người phóng viên mới thông báo cho các nhà chức trách, những người này sau đó chuyển thông tin cho tình báo ở Mỹ. Bản ghi nhớ được viết tay và nêu rõ: "Cơ quan tình báo Anh MI5 nhận được thông báo rằng, vào hồi 18:05 GMT ngày 22/11/1963, một cuộc gọi nặc danh đã được điện tới phóng viên cao cấp của Cambridge News, ở Cambridge, Anh. Người gọi chỉ nói rằng phóng viên Cambridge News hãy gọi đến đại sứ quán Mỹ ở London để lấy tin lớn, sau đó gác máy".

Dù vậy, không rõ liệu cuộc gọi này chỉ là một trò đùa giỡn và thời gian trùng hợp hay không, bởi một bản ghi nhớ khác của CIA cho biết một số người ở Anh đã nhận được những cuộc gọi điện thoại nặc danh tương tự "có tính chất tình cờ giống nhau". Anna Savva, môt phóng viên của Cambridge News, cho biết đây là một tin tức bất ngờ với chính tòa báo Cambridge News vì đến nay, hầu như không ai trong tòa báo biết được về cuộc gọi này. "Chúng tôi không có gì trong kho lưu trữ, không có ai ở đây biết tên của người đã nhận cuộc gọi", Anna Savva nói.

Trên thực tế, cuộc điện thoại tới Cambridge News đã được nhà lý luận Michael Eddowes của Kennedy báo cáo hàng thập kỷ trước. Vào những năm 1980, Eddowes, một luật sư Anh, tuyên bố đã có một tài liệu của CIA đề cập đến cuộc gọi. Trong một video trên trang web của Cambridge News, phóng viên Chris Elliott nói rằng Eddowes tin rằng “có một số âm mưu sau cái chết của Tổng thống Kennedy". Eddowes, người đã qua đời vào năm 1992, còn từng viết một cuốn sách cáo buộc rằng sát thủ của Kennedy không phải là Lee Harvey Oswald mà là một kẻ mạo danh Liên Xô và lấy danh tính của Oswald. Tuy nhiên, một cuộc khám nghiệm xác của Oswald đã được tiến hành vào năm 1981 và các bác sĩ pháp y xác nhận hung thủ thực sự đúng là Oswald.

Một tài liệu mới được công bố hé lộ chuyến đi Mexico của hung thủ Oswald trước thời điểm diễn ra vụ ám sát

Nhân tố Liên Xô và Cuba

Một tài liệu chú ý khác trong lần công bố này là bản ghi chép của CIA về một cú điện thoại bị chặn vào ngày 28/9/1963, từ Lee Harvey Oswald đến một điệp viên KGB tại thành phố Mexico. Trong chuyến viếng thăm của mình, Oswald đã tới đại sứ quán Cuba và gặp các quan chức trong nỗ lực của ông để có được một thị thực để đi du lịch đến Cuba, và sau đó đến Liên bang Xô viết. CIA nhận định rằng “Diễn biến của các tình huống cho thấy Oswald có thể là điệp viên của Fidel Castro. Người Mexico cũng nhận thức rõ về khả năng này ". Một ghi chú bên lề tài liệu cho biết nguồn cung cấp thông tin này không được xác định. Sự suy đoán về các hoạt động của Oswald trong chuyến đi Mexico của ông từ lâu đã thúc đẩy một trong những lý thuyết âm mưu phổ biến nhất liên quan đến JFK, lập luận rằng nhà độc tài Cuba Fidel Castro đã lên kế hoạch ám sát Kennedy là trả thù cho cuộc xâm lược Vịnh Con Lợn. 

Liên quan đến phản ứng của Liên Xô, một bản thông báo gửi cho Giám đốc FBI J.Edgar Hoover cho biết: Liên Xô khá sốc khi khi nhận được tin Tổng thống Kennedy bị ám sát. Kennedy được Liên Xô coi là một nhà lãnh đạo phù hợp của nước Mỹ, người có “sự hiểu biết lẫn nhau” với Liên Xô. Đảng Cộng sản Xô khi đó đánh giá vụ ám sát giống như một "cuộc đảo chính”, đồng thời ngay lập tức bắt đầu hướng dẫn các điệp viên của mình thu thập thông tin về tổng thống mới, Johnson…

(Còn nữa)

Đọc thêm