Nổi gió (Đạo diễn Huy Thành - 1966)
"Nổi gió" là một bộ phim Việt Nam năm 1966 của đạo diễn Huy Thành do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất. Đây là bộ phim đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam nói về Cuộc chiến xâm lược Việt Nam của Đế quốc Mỹ với bối cảnh miền Nam. Phim đã giành được Bông sen vàng cho hạng mục Phim truyện nhựa tại Liên hoan phim Việt Nam đầu tiên.
Bộ phim được chuyển thể từ vở kịch cùng tên của tác giả Đào Hồng Cẩm, đề cập đến vấn đề thời sự khi đó, nhiều gia đình có con cái thuộc hai bên trong cuộc chiến xâm lược Mĩ ở Việt Nam. "Nổi gió" quay được hơn 400m phim nhưng xem lại thấy vẫn chưa ưng ý nên đoàn phim lại ngừng để tuyển diễn viên. Cuối cùng, diễn viên kịch Thế Anh được chọn vào vai trung úy Phương. Đây là vai diễn dấu ấn trong sự nghiệp điện ảnh của diễn viên Thế Anh.
Ở bài viết về phim "Nổi gió" in trong sách 101 bộ phim Việt Nam hay nhất, Lê Hồng Lâm nói diễn xuất tinh tế của Thế Anh góp phần làm nên thành công của phim. “Và không chỉ thành công với việc xây dựng hình ảnh người chiến sĩ cách mạng đầy khí phách, đạo diễn Huy Thành cũng rất thuyết phục khi mô tả những bước chuyển tâm lý của trung úy Phương, nhờ diễn xuất tinh tế của Thế Anh, đặc biệt là trong những cảnh cuối, khi Phương phải bước vào cuộc thử thách và lựa chọn giữa lý tưởng chính trị và gia đình ruột thịt, quê hương của mình”, Lê Hồng Lâm viết.
Tham gia bộ phim này còn có diễn viên Thanh Loan, người về sau nổi tiếng với vai ni cô Huyền Trang trong bộ phim "Biệt động Sài Gòn".
Nội dung phim kể về thời gian Mỹ xâm lược Việt Nam, gia đình Phương có chị là Vân theo Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, còn Phương là trung úy quân đội Ngụy quyền Sài Gòn. Sau nhiều năm xa cách, hai chị em gặp lại nhau. Niềm vui chưa kịp qua thì mâu thuẫn nảy sinh giữa hai chị em. Khi biết Phương là trung úy Ngụy quyền Sài Gòn, Vân đã đuổi Phương đi. Từ đây bắt đầu chuỗi bi kịch.
Vân và con trai bị bắt vào trại tập trung. Trong trại, Vân tham gia đấu tranh, bị bắt vào tù. Con trai bị địch giết nên Vân như điên dại. Vì bị tưởng là điên nên Vân càng dễ dàng hoạt động trong tù. Sau khi ra tù, bằng lý lẽ, hành động và tình cảm, Vân đã thuyết phục được em trai và nhiều lính trong quân đội Việt Nam Cộng hòa về với Mặt trận (về với chính nghĩa), với nhân dân bằng việc phá ấp chiến lược, giết cố vấn Mỹ.
Kết thúc phim là trung úy Phương cúi xuống vốc nước lên rửa mặt trên dòng sông chan hòa ánh nắng trong tiếng cổ vũ của nhân dân và nụ cười trìu mến của người chị.
"Nổi gió" là bộ phim đầu tiên trong ba phim đoạt giải Bông sen Vàng của đạo diễn Huy Thành. Chất anh hùng ca khiến "Nổi gió" gây ấn tượng mạnh mẽ từ khi ra đời. Đến nay, bộ phim vẫn được xem là một trong những tác phẩm kinh điển của điện ảnh cách mạng Việt Nam.
Biệt động Sài Gòn (Đạo diễn Long Vân - 1986)
Có lẽ nếu nhắc đến từ khoá "phim về 30/4", bật ra trong suy nghĩ của chúng ta ngay lập tức sẽ là cái tên "Biệt động Sài Gòn" – bộ phim được coi là linh hồn ngày 30/4 dù đã trải qua biết bao nhiêu năm tháng.
Bộ phim gồm 4 tập lần lượt có tên Điểm hẹn, Tình lặng, Cơn giông, Trả lại tên cho em. Ngoài miêu tả những cảnh ngoài chiến trường với súng và máu, bom đạn và tinh thần chiến đấu, bộ phim còn tái hiện cuộc đấu trí căng thẳng của những chiến sĩ hoạt động bí mật trong lòng địch.
Tập 1 của bộ phim kể về chuyện Tư Chung - Ngọc Mai - Huyền Trang (Thanh Loan) phải gác tình riêng để hoàn thành nhiệm vụ chung.
Sang đến tập 2, vì bị nghi ngờ nên Tư Chung và Ngọc Mai buộc phải làm đám cưới. Trước sự tình đó, Huyền Trang là người yêu của Tư Chung đành nén chặt xót xa để chấp nhận. Mặt khác, do có kẻ chỉ điểm nên Huyền Trang dù đã cải trang thành ni sư nhưng vẫn bị địch bắt.
Ở tập 3, Huyền Trang đã bị tra tấn với những cực hình khó tưởng tượng vì đại tá Coordell, trưởng phòng tình báo CIA và Michael phát hiện ra cô là Việt cộng. Nhưng với tinh thần quả cảm và ý chí sắt đá vì đất nước, Huyền Trang không hé răng lấy nửa lời. Sau này, cô được trả tự do bằng cách đổi lấy đại tá Coordell bị ta bắt cóc.
Đừng đốt (Đạo diễn Đặng Nhật Minh - 2009)
"Đừng đốt" (tựa Anh: Don't Burn) là một bộ phim theo dòng chính kịch lịch sử được sản xuất vào năm 2009 do Đặng Nhật Minh đạo diễn và viết kịch bản. Phim được tạo dựng dựa trên hai quyển nhật ký nổi tiếng cùng tên của nữ bác sĩ - liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, được cô viết từ ngày 8/4/1968 đến ngày 20/6/1970 (trước khi cô hi sinh 2 ngày).
Cuốn nhật ký được Frederic Whitehurst giữ suốt 35 năm và trả lại cho gia đình cô vào tháng 4/2015. Phim có sự tham gia diễn xuất của Minh Hương (Đặng Thùy Trâm), Tina Dương (Mai), Matthews Korchs (Fred lúc trẻ),...
Phim ra mắt tại Liên hoan phim Fukuoka lần thứ 19 tại Nhật Bản và giành giải khán giả bình chọn. Bộ phim được phát hành cuối tháng 4/2009 tại Việt Nam và được chiếu ở Liên hoan phim Quốc tế ASEM tại Hà Nội giữa tháng 5/2009.
"Đừng đốt" đã giành được giải Bông Sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 16 năm 2009 và chiến thắng 6 hạng mục của giải Cánh Diều Vàng năm 2010, bao gồm Phim nhựa xuất sắc nhất, Nữ diễn viên chính xuất sắc (Minh Hương), Đạo diễn xuất sắc... Đây cũng là bộ phim được chọn để tham dự giải Oscar.
Mùi cỏ cháy (Đạo diễn Hữu Mười - 2011)
Cũng giống như "Đừng đốt", "Mùi cỏ cháy" tạo được dấu ấn trong lòng khán giả bởi có một số chi tiết trong kịch bản được khai thác dựa trên cuốn nhật ký "Mãi mãi tuổi hai mươi" của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc.
Bộ phim thuộc thể loại tâm lý xã hội - chiến tranh, lấy bối cảnh chính là sự kiện Mùa hè đỏ lửa 1972 với trận chiến tại Thành cổ Quảng Trị.
Trong phim, bốn nhân vật Hoàng (Nguyễn Năng Tùng vai Hoàng khi 20 tuổi, Nguyễn Hữu Mười vai Hoàng khi 60 tuổi), Thành (Lê Văn Thơm), Thăng (Tô Tuấn Dũng), Long (Nguyễn Thanh Sơn) là những sinh viên trường Đại học Tổng hợp được lệnh tổng động viên lên đường nhập ngũ năm 1971 nên đã nhận một kì huấn luyện tốc hành, sau đó vào chiến đấu trong Thành cổ Quảng Trị. Sau này, chỉ còn có Hoàng sống sót trở về để kể lại sự anh dũng của những chiến sĩ mãi mãi tuổi 20.
Bộ phim được đặc cách tham dự Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17, được công chiếu giới thiệu tại Lễ khai mạc tuần phim và đoạt giải Bông Sen Bạc.
Ngày 17/3/2012, phim đã được trao 4 giải Cánh Điều Vàng cho phim điện ảnh xuất sắc, âm nhạc xuất sắc (nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân), biên kịch xuất sắc và quay phim xuất sắc nhất tại Lễ trao giải Cánh Điều 2011.