Ký ức khó quên của nghệ sỹ Việt về ngày 30/4/1975

(PLVN) - "Một tháng sau đó, má và hai chị em tôi được thu xếp đi xe đò chung với cơ quan suốt một tuần, chịu đựng biết bao gian khó từ Hà Nội vào Sài Gòn", diễn viên Hiền Mai nhớ lại.
Ký ức khó quên của nghệ sỹ Việt về ngày 30/4/1975

30/4 là ngày lịch sử trọng đại đối với dân tộc Việt Nam. Và với nhiều nghệ sĩ, ngày này còn gắn liền với những kỷ niệm khó quên.

Hiền Mai và thói quen 11h20 phút phải đi ngang Dinh Độc Lập 

Tôi được sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Tuổi thơ của tôi đã trải qua những tháng ngày êm ấm và hạnh phúc nhưng ba má tôi luôn đau đáu mong chờ ngày đất nước được hòa bình để trở về Sài Gòn đoàn tụ với bà nội đang ngày đêm nóng lòng chờ đợi giây phút sum họp gia đình.

Ba tôi - nhà văn Trang Nghị, chính gốc "người Sài Gòn" nhưng ra miền Bắc tập kết vào năm 1954, làm biên tập viên tuần báo Văn Nghệ. 

Má tôi khi đó là nhà báo Lê Thị Bi (bút danh Hiền Trang), phụ trách biên tập toàn bộ bài viết cho tuần báo Thống Nhất, tờ báo chuyên dành cho công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Tại tòa soạn báo Thống Nhất ở số 80 trên con phố Nguyễn Du, gia đình tôi cùng sống chung trong căn phòng tập thể khá nhỏ nhưng luôn hạnh phúc. Điều thú vị là ba má tôi đã lấy bút danh Hiền Trang để đặt tên cho người chị hai của tôi.

Hiền Mai và mẹ, cựu nhà báo, biên tập tuần báo Thống Nhất, tờ báo chuyên dành cho công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Hiền Mai và mẹ, cựu nhà báo, biên tập tuần báo Thống Nhất, tờ báo chuyên dành cho công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Tôi vẫn còn nhớ như in, đúng ngày 30/4/1975 khi nghe tin miền Nam hoàn toàn giải phóng thì ba má tôi đã ôm nhau khóc nức nở cùng với hàng triệu đồng bào miền Bắc. 

Ba tôi ngay lập tức phải tạm chia tay gia đình theo đề nghị của cấp trên để bay vào Sài Gòn ngay ngày 1/5/1975 để kịp đưa tin về khoảnh khắc lịch sử này. Một tháng sau đó, má và hai chị em tôi được thu xếp đi xe đò chung với cơ quan suốt một tuần, chịu đựng biết bao gian khó từ Hà Nội vào Sài Gòn. 

Gia đình tôi được bố trí ở tại một chung cư cũ của người Mỹ để lại khi tháo chạy. Chung cư nằm trên con đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa gần ngay Dinh Độc Lập. 

Ba tôi lập tức đến thăm bà nội và đây cũng là khoảnh khắc "lịch sử" đoàn viên sau 21 năm xa cách (1954-1975) của gia đình. 

Một tháng sau đó, cả gia đình tôi cùng đi đến ngắm nhìn Dinh Độc lập và cả nhà ôm nhau khóc vì hạnh phúc. 

Lúc đó thực phẩm hàng tiêu dùng rất khan hiếm và đắt đỏ kinh khủng nhưng cả gia đình tôi được bà nội "tiếp tế" và chăm sóc trong suốt giai đoạn khó khăn này.

Bởi vậy hằng năm tới ngày 30/4 tôi luôn có cảm giác thật kỳ lạ và có thói quen cứ đúng 11 giờ 20 phút phải đi ngang Hội trường Thống Nhất (tên gọi khác của Dinh Độc Lập sau này) để nhớ lại và hình dung lại giây phút lịch sử này vì tôi chưa được tận mắt chứng kiến. 

Tôi luôn mong các thế hệ sau này hãy ghi nhớ công lao của những người đã âm thầm góp phần làm nên ngày lịch sử trọng đại này!

Hiền Mai luôn tự hào về truyền thống cách mạng của gia đình (ảnh trong bài do NVCC).
 Hiền Mai luôn tự hào về truyền thống cách mạng của gia đình (ảnh trong bài do NVCC).

Ca sĩ Đoan Trường và ký ức "Anh Giải phóng quân"

Tôi được sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn. Nhà gần sát Dinh Độc Lập. Cậu Hai của tôi là cán bộ nằm vùng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ tại Cần Thơ nhưng cả gia đình đều không biết. Cứ vài tháng một lần, cậu Hai và vài "người bạn" hay lên Sài Gòn thăm em gái là mẹ tôi.

Buổi sáng 30/4 lịch sử đó đã đi vào trí nhớ tôi một cách sâu sắc và mạnh mẽ. Tôi nghe tiếng súng, tiếng xe cảnh sát và tiếng la hét, tiếng chân chạy huỳnh hịch ngoài đường phố, tiếng người í ới gọi nhau đi "hôi của" làm tôi sợ và khóc thét lên. 

Ba tôi phải khóa kín hết cửa và cả gia đình chui xuống hầm trú ẩn đào ngay dưới gầm giường. Khoảng gần 2 giờ trưa ngày 30/4/1975, cậu Hai tôi trong trang phục "anh Giải phóng quân" xuất hiện bất ngờ ở nhà tôi. 

Cậu đến nhà động viên, chia sẻ niềm vui thống nhất đất nước và tất cả cùng nhau ra đường để đón chào các anh em chiến sĩ vào tiếp quản Sài Gòn và tiếp tế thêm thức ăn, nước uống cho mọi người. 

Kỷ niệm mà tôi nhớ nhất là được một anh chiến sĩ cho đội một chiếc nón tai bèo và công kênh trên lưng giữa một rừng người đầy hoa, cờ, nón và… nước mắt ngay trước Dinh Độc Lập!

Ca sĩ Đoan Trường và mẹ.
 Ca sĩ Đoan Trường và mẹ.

Từ nhỏ, tôi luôn được mẹ dạy dỗ cách sống sao cho thật tốt để xứng đáng với những gì mà thế hệ cha ông đã hy sinh. 

Mỗi khi hát các ca khúc truyền thống, tôi cảm thấy tự hào vì ngoài tình cảm, tình đồng chí trong từng ca từ thì tận sâu trong tim tôi cũng nghĩ đó chính là "nghĩa vụ" của một người nghệ sĩ. Tôi luôn tự hào mình là công dân của năm 1975 và được tận mắt chứng kiến giờ phút lịch sử vĩ đại này cho dù 45 năm đã trôi qua.