Những 'bom lửa nổ chậm' trong các khu dân cư Hà Nội

(PLVN) - Những kho hóa chất, cơ sở sang chiết ga, khu chợ tạm… tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ nghiêm trọng trong các khu dân cư ngay trung tâm thành phố Hà Nội.
Cháy kho hóa chất ở Đức Giang, Long Biên.
Cháy kho hóa chất ở Đức Giang, Long Biên.

Cháy kho hóa chất

Khoảng 8h ngày 30/6, hỏa hoạn xảy ra tại xưởng hóa chất tại cảng Đức Giang (phường Thượng Thanh, quận Long Biên, Hà Nội). Khu xưởng trên là của Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất và thương mại Cường Việt có diện tích khoảng 812m2. Vị trí của vụ cháy cách không xa một bãi kho chứa của Tổng kho xăng dầu Đức Giang. Công an thành phố đã điều động gần 20 xe chữa cháy phối hợp lực lượng quân đội đến hỗ trợ.

10h cùng ngày, lửa cơ bản đã được dập tắt, ngăn không cho cháy lan sang các kho bên cạnh. May mắn vụ hỏa hoạn không gây thiệt hại về người, nhiều tài sản được di dời an toàn. Tuy nhiên, nhiều người lo lắng việc cháy kho này sẽ phát tán lượng hóa chất độc hại ra môi trường. 

Trao đổi với báo giới, PGS.TS. Bùi Thị An – nguyên ĐBQH, Uỷ viên, Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội khoá XIII cho rằng, các kho hóa chất là vấn đề đặc biệt cần phải chú ý bởi khi rủi ro cháy xảy ra thì hậu quả rất nguy hiểm.

"Cháy hóa chất là đã độc hại, nguy hiểm rồi bởi chứa các dung môi. Ở đây lại còn là kho hóa chất, nơi chứa số lượng lớn và nhiều chủng loại hóa chất, có thể tạo nên xúc tác với nhau, gây tác động khôn lường, thậm chí gây nổ ở quy mô lớn, tạo ra các loại khí độc hại, ảnh hưởng đến khu vực lân cận. Một vụ cháy hóa chất có thể dẫn tới hiểm họa cho môi trường và cho sức khỏe của con người", bà An nhận định.

Vị chuyên gia nhắc lại vụ cháy xảy ra tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông hồi tháng 8/2019 để cảnh báo về tình trạng mất an toàn tại các khu vực kho chứa, nhà máy sản xuất liên quan đến các hóa chất.

"Ở đây, quy định an toàn của các kho hóa chất là đặc biệt quan trọng. Có thể làm đúng quy định về an toàn, về khoảng cách với khu dân cư, độ an toàn các đường dây điện, tuyến cáp, đường dẫn nhiệt... nhưng vấn đề ở chỗ là đã thực hiện kiểm tra thường xuyên hay chưa, có kiểm tra đầy đủ các tiêu chí an toàn hay không?" , bà An đặt câu hỏi.

Vị chuyên gia cho rằng, sau vụ cháy kho hóa chất Đức Giang thì các công ty, cơ quan có kho chứa hóa chất, có nơi dự trữ hóa chất dù lớn, nhỏ... cũng đều cần rà soát lại toàn bộ, một cách thực chất nhất để xem liệu có nguy cơ xảy ra mất an toàn hay không. Đây thực sự là "cứu cháy" chứ không chỉ là "phòng cháy" bởi một khi xảy ra hỏa hoạn hóa chất thì không thể cứu được.

Những nơi tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ

Ngoài kho hóa chất, các cơ sở sang chiết ga cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Năm 2018, một vụ nổ ga xảy ra ở số nhà 33 (tổ 14, phường Long Biên, quận Long Biên) khu vực chân cầu Vĩnh Tuy khiến 1 người tử vong. Ngôi nhà bị cháy là một cửa hàng kinh doanh gas không có giấy phép.

Mặc dù trước đó đã bị xử phạt và yêu cầu tháo dỡ biển kinh doanh, nhưng chủ nhà vẫn lén lút hoạt động. Với việc buông lỏng các quy định về điều kiện an toàn phòng chống cháy nổ như hiện nay, nhiều cửa hàng gas chẳng khác nào những “quả bom” nổ chậm. 

Một vụ nổ bình gas.
Một vụ nổ bình gas. 

Việc sang chiết gas trong khu dân cư rất nguy hiểm nhưng vì lợi nhuận nhiều người bất chấp. Điển hình ngày 8/5, tại cơ sở sang chiết gas tại con ngõ ở phố Thiên Hiền (phường Mỹ Đình 1) bất ngờ bốc cháy.

Lửa khói bốc nghi ngút đã khiến người dân khu vực hoảng loạn. Khoảng 30 phút sau khi tiếp cận hiện trường, nỗ lực dập lửa, lực lượng chức năng đã khống chế hoàn toàn đám cháy. Hỏa hoạn không gây thiệt hại về người. Nhiều tài sản trong ngôi nhà đã được cứu hộ an toàn. 

Hiện trường vụ cháy ở phố Thiên Hiền.
Hiện trường vụ cháy ở phố Thiên Hiền. 

Theo thống kê của Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ TP Hà Nội, năm 2019 trong 40.000 cơ sở có nguy cơ cháy, nổ trên địa bàn thành phố, có hơn 550 cửa hàng kinh doanh khí đốt hóa lỏng. Vì vậy, ngoài việc nâng cao ý thức cho chủ cơ sở kinh doanh, buôn bán mặt hàng gas, khí hóa lỏng trong khu dân cư, cần có những biện pháp từ cơ quan chức năng để hạn chế mức thấp nhất rủi ro cháy, nổ có thể xảy ra.

Trong khi đó, tại các khu chợ cũng tiềm ẩn những nguy cơ cháy nổ. Chợ Láng Hạ, chợ Ngã Tư Sở, chợ Nhà Xanh… công tác đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ hiện nay vẫn còn rất sơ sài. Hàng hóa được các tiểu thương bày bán kín cả trong lẫn ngoài. Những mặt hàng như quần áo, vải lụa, vàng mã, hàng tạp hóa treo móc, trưng bày khắp nơi. Giữa các quầy hàng gần như không có khoảng cách, nhiều khu chợ còn có hiện tượng đun nấu ngay tại các mặt hàng dễ cháy.

Các mặt hàng dễ cháy được bày bán san sát tại nhiều chợ.
Các mặt hàng dễ cháy được bày bán san sát tại nhiều chợ. 

Theo Đại diện Ban quản lý Chợ tạm Ngã Tư Sở, vì chợ nằm trong diện quy hoạch nên cũng không thể trang bị hệ thống PCCC hoặc nâng cấp hạ tầng cho hiện đại, đồng bộ. Trước những nguy cơ tiềm ẩn về cháy nổ, Ban quản lý cũng chỉ đẩy mạnh tuyên truyền để các tiểu thương, chủ cửa hàng có ý thức hơn, chủ động phòng ngừa rủi ro.

Ngoài ra, những hộ kinh doanh phế liệu cũng được coi là “điểm đen” trong khu dân cư. Có nhiều vụ hỏa hoạn liên quan tới việc chủ cơ sở kinh doanh phế liệu bất cẩn gây cháy. 

Cơ sở kinh doanh phế liệu tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.
 Cơ sở kinh doanh phế liệu tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.

Ngày 2/4/2020, bãi phế liệu của cửa hàng bán đồ gỗ ở số 50 đường 72 La Dương (phường Dương Nội, quận Hà Đông) xảy ra hỏa hoạn. Đám cháy kèm theo cột khói bốc cao khiến người dân hoảng loạn. Nhiều người nhanh chóng tri hô và tiến hành dập lửa. Khoảng 2 giờ sau, đám cháy mới được khống chế do khu vực cháy gồm nhiều phế liệu và đồ gỗ là những vật liệu dễ cháy.

Chiều 28/8/2019, xảy ra cháy tại một kho phế liệu tại ngõ 300 Nguyễn Xiển (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội).

8 xe chữa cháy chuyên dụng cùng hàng chục chiến sĩ đã được lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an Hà Nội điều tới hiện trường để khống chế đám cháy.

Cháy kho phế liệu ở Nguyễn Xiển.
 Cháy kho phế liệu ở Nguyễn Xiển.

Hậu quả, ít nhất 1 chiếc ô tô, 2 xe máy và nhiều vật dụng, hàng hóa bị thiêu rụi. Nhiều kết cấu mái, tường dựng bằng tôn bị lửa thiêu biến dạng, sập đổ. Đến khoảng 18h cùng ngày, đám cháy cơ bản được khống chế. 

Đọc thêm