Những 'bóng hồng' làm rạng danh đất nước thời hiện đại

(PLVN) - Phụ nữ Việt Nam ngày càng phát huy và khẳng định vai trò, vị trí của mình trong mọi mặt đời sống chính trị - kinh tế - xã hội, đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...

Cùng Báo Pháp luật Việt Nam tôn vinh một số điển hình phụ nữ Việt Nam hiện đại đã và đang góp phần làm rạng danh đất nước:

GS-TS Nguyễn Kim Phi Phụng là giảng viên Bộ môn Hóa hữu cơ, Khoa Hóa Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TP HCM, đã chủ trì và tham gia 11 đề tài các cấp, công bố 144 bài báo trên các tạp chí chuyên ngành hóa, xuất bản 7 sách giáo trình đại học và sau đại học. GS Phụng đã nghiên cứu 53 loại cây và phát hiện nhiều hợp chất tự nhiên có hoạt tính ức chế sự phát triển của tế bào ung thư ở bệnh nhân ung thư cổ tử cung, ung thư vú...
Bà nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2007, danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 2010, Huân chương Lao động hạng ba năm 2011. Năm 2016, bà là cá nhân duy nhất nhận giải thưởng Kovalevskaia. GS Phụng từng được tạp chí khoa học Asian Scientist bình chọn là một trong 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á.

Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ (TP HCM) đã có những đóng góp vô cùng to lớn cho ngành Sản phụ khoa Việt Nam, giúp hàng ngàn đứa trẻ chào đời bằng thụ tinh ống nghiệm, là "bà tiên" của hàng ngàn gia đình Việt.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh, Người từng giữ vị trí Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Liên minh châu Âu và một số quốc gia khác như: Bỉ, Hà Lan… Bà từng là Phó chủ nhiệm uỷ ban đối ngoại Quốc hội Việt Nam đồng thời cũng từng giữ một vị trí quan trọng trong Uỷ ban Trung ương hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.

Cố GS.TS Lê Thị Luân (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương), người sáng chế thành công vaccine rota phòng bệnh tiêu chảy ở trẻ em, đưa Việt Nam thành một trong bốn nước trên thế giới sản xuất được loại vaccine này. Bà từng giành giải Nhất Nhân tài Đất Việt lĩnh vực Y dược năm 2014.

GS.TS Lê Minh Thắng - Giảng viên cao cấp Bộ môn Công nghệ Hữu cơ - Hoá dầu, Viện Kỹ thuật Hoá học, Đại học Bách Khoa Hà Nội, nhà nữ khoa học đã có những thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng thực tiễn, bà vinh dự được nhận Giải thưởng Kovalevskaia năm 2022.

Trung tá Lương Thị Trà Vinh - nữ sĩ quan đầu tiên trong lực lượng Công an nhân dân Việt Nam đạt yêu cầu tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Chị là một trong ba sĩ quan Công an Nhân dân Việt Nam được Phái bộ Liên hợp quốc tại Nam Sudan (UNMISS) trao Huy chương Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Đội tuyển bóng đá nữ Quốc gia Việt Nam là Đội vô địch SEA Games nhiều nhất, với 8 lần vô địch SEA Games. Vào đến tứ kết tại Đại hội thể thao Châu Á và vòng loại cuối cùng của Olympic 2020. Đặc biệt là thành tích lần đầu tiên tham dự Vòng chung kết giải Vô địch Bóng đá nữ Thế giới (World Cup) 2023. Năm 2022, đội vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất.

Nguyễn Thị Ánh Viên (SN 1996) là cựu nữ vận động viên bơi lội thuộc Đoàn Thể thao Quân đội và Đội tuyển Bơi lội Quốc gia với quân hàm Trung tá quân đội nhân dân Việt Nam. Khi mới 19 tuổi cô đã giành 8 huy chương vàng, 1 huy chương bạc, 1 huy chương đồng cho Việt Nam và đã phá 8 kỷ lục, được công nhận là vận động viên ngoài Singapore xuất sắc nhất tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2015 ở Singapore... Năm 2023, cô là trung tá quân nhân chuyên nghiệp trẻ nhất tại Việt Nam và được tặng Huân chương lao động hạng Nhì.

Với tấm Huy chương Vàng ASIAD 19 tại nội dung đồng đội bốn người nữ, Đội tuyển Cầu mây Việt Nam không chỉ “giải tỏa cơn khát” huy chương mà còn giúp thể thao Việt Nam nâng thêm vị thế trên bản đồ thể thao châu lục. Hình ảnh được ghi nhận trong lễ vinh danh Đội tuyển Cầu mây Việt Nam do Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức.

GS.TS Nguyễn Thị Lang, nguyên Trưởng Bộ môn Di truyền và Chọn giống của Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long là một trong 7 người phụ nữ được vinh danh trong Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2011; Giải thưởng Phụ nữ sáng tạo năm 2014.

Nhận giải thưởng danh giá Kovalevskaya, có tên trong danh sách 1.000 phụ nữ được đề cử nhận giải Nobel hòa bình năm 2005, PGS.TS Nguyễn Thị Hòe, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sơn Kova là người phụ nữ nổi danh trong lĩnh vực khoa học và ngành sơn.

Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) Mai Kiều Liên là người đã dẫn dắt Vinamilk hơn 40 năm qua, đưa công ty trở thành trường hợp thành công điển hình nhất của khối doanh nghiệp Nhà nước trong thời kỳ đổi mới. Ngày 18/10/2018, bà được tạp chí Forbes Việt Nam vinh danh giải thưởng "Thành tựu trọn đời" cho người phụ nữ Việt Nam nổi bật có những thành tích và đóng góp đã được chứng minh và ảnh hưởng lớn tới một lĩnh vực, xã hội hay quốc gia.

Bà Thái Hương, Nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH, người đã làm nên cuộc cách mạng sữa tươi tại Việt Nam, đấu tranh minh bạch thị trường sữa, lan tỏa tinh thần sản xuất thực phẩm sạch, hữu cơ… 3 năm (2016, 2017, 2019), bà được tạp chí Forbes Việt Nam vinh danh một trong 50 phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam.

Nguyễn Thúc Thùy Tiên (SN 1998) đăng quang ngôi vị cao nhất cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Quốc tế năm 2021. Là người Việt Nam đầu tiên giành được ngôi vị này.

Năm 2022, cô được Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tặng bằng khen Gương mặt trẻ tiêu biểu 2021. Tại Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc lần thứ VII năm 2023, Thùy Tiên cùng hơn 400 đại biểu tham gia lễ báo công, viếng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, được trao huy hiệu và nhận bằng khen.

Đọc thêm