Sóng nước mênh mông cùng màn đêm đen kịt càng làm cái lạnh tê tái của mùa đông miền sơn cước thêm bội phần. Công việc đi tuần của các anh lại chủ yếu vào ban đêm, bởi đây là thời điểm mà các loại tội phạm tranh thủ hoạt động. Cũng vì thế mà mỗi cung đường, mỗi đoạn cua các anh đều thông thuộc.
Những bước chân không mỏi
Đồn biên phòng Thông Thụ đóng chân trên địa bàn huyện Quế Phong, Nghệ An. Các chiến sỹ ở đây có nhiệm vụ bảo vệ 29,5km đường biên giới, tiếp giáp với nước bạn Lào. Đây là địa bàn các loại tội phạm thường xuyên hoạt động. Vì thế, Bộ đội Biên phòng Việt Nam cùng với các lực lượng đóng trên địa bàn và nước bạn Lào phải thường xuyên tổ chức tuần tra khép kín biên giới. Mỗi chuyến hành quân của các chiến sỹ kiểm tra cột mốc, kiểm soát tình hình trật tự an ninh ở vùng biên thường kéo dài nhiều ngày.
Trung úy Nguyễn Trường Sinh - Đội trưởng Đội vũ trang của Đồn cho biết: “Là chiến sỹ của Đồn biên phòng Thông Thụ, Quế Phong, Nghệ An, chúng tôi có nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới trong phạm vi địa bàn phụ trách.
Ngoài những buổi đi tuần định kỳ, chúng tôi thường xuyên đi tuần tra trong lòng hồ Hủa Na khi có việc đột xuất, những khi người dân báo trên địa bàn có đối tượng hoạt động vi phạm pháp luật và quy chế biên giới; hoặc có thể là do người dân sống rải rác trong lòng hồ cần hỗ trợ hay bà con nuôi cá trên lòng hồ cần giúp đỡ trong những ngày mưa bão.
Không quản ngại, bất kể đêm hôm hay sớm mai, khi có lệnh là chúng tôi lập tức xuống thuyền. Tuy vất vả nhưng cũng như các đồng đội của mình, chúng tôi yêu nghề và tự hào khi được là chiến sỹ biên phòng”.
Hỏi về những khó khăn khi làm nhiệm vụ đi tuần tra biên giới tại đây, Trung úy Nguyễn Bá Đông cười tươi cho biết: “Thông thường, những mốc từ 358 đến 363 nếu đi bộ từ đơn vị thì lên mốc Bát Mọt, Thanh Hóa mất 2 đêm trong rừng, 2 ngày rưỡi trên đường, dài nhất 5 ngày. Cơ sở vật chất của đồn còn nhiều thiếu thốn. Tuy nhiên, chúng tôi luôn tâm niệm, với trách nhiệm đối với Tổ quốc là bảo vệ chủ quyền thiêng liêng biên giới và trách nhiệm giúp đỡ cộng đồng nên những khó khăn, ngọt bùi luôn được mọi người chia sẻ, cùng hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao phó”.
Bộ đội Cụ Hồ - những hình ảnh đẹp trong lòng dân
Không chỉ hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ bình yên và vững chắc chủ quyền biên giới mà các chiến sỹ Đồn biên phòng Thông Thụ còn là lực lượng đi đầu trong việc vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Bà Vi Thị Lan – Phó Chủ tịch UBND xã Thông Thụ cho biết: “Đối với vai trò của các chú bộ đội biên phòng thì không chỉ là việc bảo vệ bình yên biên giới mà còn phối hợp với xã tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, khi di dời lòng hồ thủy điện Hủa Na, các chiến sỹ xuống tận thôn bản, tháo dỡ, vận chuyển đồ đạc của người dân ra khỏi lòng hồ. Tất cả những hành động trên cho thấy bộ đội vì dân mà quên cả bản thân mình”.
Chứng kiến những việc làm giúp dân của các chiến sỹ, anh Hồ Quang Vinh, một người dân của xã Thông Thụ cho biết: “Trong quá trình làm đường tại đây, các đồng chí của Đồn biên phòng đã giúp dân nhiều. Mọi người giúp dân dựng nhà, ổn định cuộc sống rồi tuyên truyền bà con tái định cư mới. Các đồng chí đó nhiệt tình và có tính cộng đồng cao lắm. Ở nơi rừng cao núi thẳm này, không một tổ chức, đoàn thể nào gần dân, hiểu dân và giúp dân hơn Bộ đội Biên phòng.”.
Xã Thông Thụ có tới 13 bản với 1.081 hộ và rộng tới 41.618ha. Nhưng từng gia đình ở bản cũ hay bản mới tái định cư, các anh đều nắm rõ từng hoàn cảnh, và người dân cũng nhớ mặt từng chiến sỹ. Từ khi chưa có xe máy, chưa có đường, hàng tuần các anh vẫn đi bộ vào các bản để cùng với y tế xã hỗ trợ khám chữa bệnh cho bà con. Sự đồng cảm, yêu thương của các anh với bà con chính là sợi dây gắn kết tình quân dân. Cũng bởi thế mà bà con ở đây đều coi các anh như con em ruột thịt của mình.
Cảm phục trước những việc làm của các chiến sỹ bộ đội, bà Lương Thị Xuyết, bản Na Hướm, xã Thông Thụ cho biết: “Họ là con em của chúng tôi mà. Bộ đội họ tốt lắm, họ cho thóc gạo khi chúng tôi còn đói, cho thuốc men khi chúng tôi ốm. Tôi già rồi không đi được, nhưng đêm hôm ốm đau các chú bộ đội cũng đến. Tôi cảm ơn bộ đội lắm, ơn Đảng, ơn Nhà nước quan tâm đến vùng sâu, cảm ơn và mong các chú mạnh khỏe để bà con được nhờ”.
Chia sẻ những khó khăn các anh em chiến sỹ gặp phải khi đến với người dân, Thượng úy Nguyễn Văn Minh – chiến sỹ Đồn biên phòng Thông Thụ cho biết: “Khi chúng tôi đến với bà con đều được bà con chào đón rất nồng nhiệt. Các anh em chúng mình cảm động lắm. Nhưng cái khó khăn nhất của anh em là sự bất đồng về ngôn ngữ. Người dân ở đây chủ yếu là dân tộc Thái. Để hòa chung và giúp đỡ người dân, chúng tôi phải học hỏi nhiều khi đến công tác tại đây. Cùng với nữa là đường xá không có, đi lại vất vả. Những khi trời mưa, bà con ốm đau gọi thì anh em rất cực”.
Nhắc về những chiến sỹ Đồn biên phòng Thông Thụ, Đại úy Phạm Văn Thiều – Quyền đội trưởng Đội vận động quần chúng của huyện Quế Phong cho biết: “Chủ trương của Đảng và Nhà nước trong phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương, nhất là khu vực biên giới cũng như là phát triển nông thôn mới thì những chiến sỹ bộ đội phải có trách nhiệm giúp đỡ người dân. Trong thời gian qua, Đồn biên phòng Thông Thụ đã cùng với lực lượng Đoàn thanh niên của toàn xã làm đường giao thông nông thôn với các bản. Như hiện tại các chiến sỹ đang làm tại tại bản Huổi Dừa.
Ở đây, chiến sỹ biên phòng ngoài nhiệm vụ bảo vệ an ninh biên giới còn rất nhiệt tình giúp đỡ người dân. Tất cả những việc làm trên của anh em đều xuất phát từ tấm lòng yêu quý, thương dân”.
Vượt lên mọi nguy hiểm, không kể nắng gắt của mùa hè hay giá lạnh của mùa đông, ngày qua ngày, đêm từng đêm, những bước chân của các chiến sỹ Bộ đội Biên phòng ghi dấu trên mọi miền biên cương. Màu xanh áo lính giữa rừng đại ngàn đang ngày đêm góp sức giữ vững chủ quyền biên giới thiêng liêng của Tổ quốc và góp phần giúp các thôn bản có cuộc sống mới ấm no và bình yên. Hình ảnh của họ luôn in đậm trong lòng đồng bào các dân tộc./.