Nhân dịp kỷ niệm 62 năm giải phóng Thủ đô Hà Nội, cùng báo Pháp Luật Việt Nam nghe lại những giai điệu gắn liền với mảnh con người nơi đây để thấy Hà Nội sao mà đẹp và yêu đến thế!
“Nhớ về Hà Nội” (nhạc sĩ Hoàng Hiệp)
“… Dù có đi bốn phương trời
Lòng vẫn nhớ về Hà Nội
Hà Nội của ta, thủ đô yêu dấu
Một thời đạn bom, một thời hòa bình…”
Nhớ về Hà Nội là ca khúc gắn liền với tâm hồn và sự nghiệp của ca sĩ Hồng Nhung đã từng tâm sự rằng mình không nhớ nổi đã biểu diễn bài hát này bao nhiêu lần trên sân khấu nhưng mỗi lần, cô đều thể hiện bằng tất cả trái tim của một người con Hà Nội. Thủ đô sẽ đổi thay theo năm tháng nhưng giai điệu và cảm xúc của Nhớ về Hà Nội thì sẽ còn mãi nguyên vẹn trong tâm trí của mỗi người con Hà Nội.
Nghe ca khúc "Nhớ về Hà Nội" - Thể hiện: Ánh Tuyết
"Tình yêu Hà Nội" (Nhạc sĩ Hoàng Vân)
"Tôi yêu Hà Nội, những sớm mùa thu, soi gương mặt hồ, xanh biếc trời mây. Khi xa Hà Nội, càng thấy yêu hơn.
Tôi yêu Hà Nội có những người con, đi xa ngàn dặm, theo tiếng gọi thiêng. Tên anh để lại, nhớ thương cho mọi người..."
Nói về tình yêu mảnh đất và con người Hà Nội, khi đi xa lại càng thêm nhớ yêu. Một Hà Nội bình dị đi vào lòng người với những hình ảnh thân quen trong cuộc sống hàng ngày.
Nghe ca khúc "Tình yêu Hà Nội" - Thể hiện: Trọng Tấn
“Người Hà Nội” (nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi)
“… Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây
Đây lắng hồn núi sông ngàn năm
Đây Thăng Long, đây Đông Đô
Đây Hà Nội, Hà Nội mến yêu…”
Người Hà Nội là một sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi vào năm 1947 - thời điểm “Hà Nội cháy, khói lửa ngập trời” khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bắt đầu nổ ra. Ca khúc được viết ở hình thức khá tự do giống như trường ca, mở đầu là một Hà Nội lịch sử đầy thơ mộng, tiếp đến là khói lửa chiến đấu, rồi kết thúc là chiến thắng ca khúc khải hoàn. Chính vì thế, dù chiến tranh đã qua đi nhiều năm, đây vẫn là một trong những giai điệu hào sảng nhất về Thủ đô thân yêu được nhiều người yêu thích.
Những địa danh nổi tiếng được đưa vào bài hát làm hiện lên trong tâm trí của người nghe một Hà Nội “lắng hồn núi sông ngàn năm” và “đượm thắm máu hồng tươi” của biết bao thế hệ đã ngã xuống để chúng ta có được như ngày hôm nay.
Nghe ca khúc “Người Hà Nội” - Thể hiện; Hồng Nhung
"Hà Nội niềm tin và hy vọng" (Nhạc sĩ Phan Lân)
Đây là một trong những ca khúc hay nhất viết về Hà Nội, được sáng tác khi nhạc sĩ Phan Nhân tận mắt chứng kiến sự khốc liệt của chiến tranh tại Hà Nội lúc bấy giờ. Ca khúc được sáng tác năm 1972. Chất trữ tình quyện với chất hùng ca tạo nên cho cả bài hát một không gian truyền cảm sâu lắng, như thể tác giả đã rút toàn bộ ruột gan để viết nên những giai điệu và ca từ đi thẳng vào lòng công chúng.
Nghe ca khúc: "Hà Nội niềm tin và hy vọng" - Đăng Dương
Hà Nội một trái tim hồng (Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn)
Ra đời trong những năm tháng chiến tranh nhưng Hà Nội một trái tim hồng của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn lại ca ngợi Hà Nội theo một cách rất khác, vừa mềm mại vừa lãng mạn trong những ngày hòa bình. Có mấy ai đã từng ở Hà Nội mà không khỏi xao xuyến với những hình ảnh đầy trữ tình: “Hàng cây xanh bao mùa lá đỏ/ Gió sông Hồng rì rào sóng vỗ/ Mùa thu đi qua từng phố nhỏ/ Ôi Hồ Gươm! Như một bài thơ/ Hà Nội ơi có tự bao giờ/ Mấy ngàn năm chói chang rực rỡ/ Hà Nội ơi náo nức bài ca/ Vẫn âm vang trong tâm hồn ta...”.
Nghe ca khúc: "Hà Nội một trái tim hồng" - Thể hiện: Lê Dung
"Hà Nội mùa thu" (nhạc sĩ Vũ Thanh)
"... Em nghe chăng, trong lắng sâu nơi hồng trái tim mình
Hà Nội mùa thu, ôi xao xuyến trong lòng ta
Như bâng khuâng, nghe gió đưa
Vang vọng giữa Ba Đình..."
Hà Nội mùa thu là một trong những sáng tác nổi tiếng nhất của cố nhạc sĩ Vũ Thanh. Lời ca da diết mang nỗi nhớ khắc khoải về mùa thu "năm ấy" được thể hiện qua từng câu hát đi vào lòng người. Hà Nội Mùa Thu còn mang ý nghĩa về sức sống mãnh liệt của Thủ đô: từng phải trải qua biết bao cuộc kháng chiến trường kỳ với những khó khăn, gian khổ nhưng Hà Nội "vẫn ngát xanh, xanh mùa thu".
Nghe ca khúc "Hà Nội mùa thu"