Những câu chuyện sau chiếc máy bay Tu-154 gặp nạn

(PLO) - Chiếc máy bay Tu-154 do Công ty hàng không và quốc phòng Tupolev sản xuất gặp nạn cùng 92 người hôm 25/12 vừa qua là một trong những loại máy bay nổi tiếng do Nga sản xuất. 
Một chiếc Tu- 154
Một chiếc Tu- 154

Theo hãng tin RIA Novosi (Nga), chiếc Tu-154 chở 84 hành khách và 8 thành viên phi hành đoàn đã biến mất khỏi màn hình ra-đa ngay sau khi cất cánh từ sân bay Adler gần thành phố nghỉ mát Sochi (Nga) bên bờ Biển Đen. 

Hành trình cuối cùng

Theo một nguồn tin của Hãng thông tấn TASS (Nga), chiếc Tu-154 cất cánh từ Moskva trong hành trình tới căn cứ quân sự Hmeymim của Nga ở thành phố Latakia (Syria) để tham gia buổi hòa nhạc đón năm mới cùng các binh sĩ Nga. Trong khi đó, đài phát thanh Sputnik (Nga) cho biết thêm rằng chiếc máy bay này đã được bảo dưỡng định kỳ hồi tháng 9 vừa qua và được điều khiển bởi một phi công giàu kinh nghiệm. 

Tu-154 là loại máy bay do Nga sản xuất và đã được sử dụng làm phương tiện vận tải hàng không phổ biến trong thời kỳ Liên bang Xô Viết và cả thời kỳ hậu Xô Viết. Chiếc máy bay đầu tiên của model này đã được đưa vào sử dụng từ năm 1972 và đến năm 1986 được cải tiến với động cơ mới để cải thiện mức tiêu thụ nhiên liệu. Với 3 động cơ được lắp đặt phía sau, Tu-154 được sánh ngang với Boeing-727 khi có thể bay 4.000km và chở từ 155 đến 180 hành khách với tốc độ hành trình 850km/h. 

Có những điểm nổi trội như có độ bền cao, động cơ khỏe đã được kiểm nghiệm ở hầu hết các đường băng và các điều kiện hạ cánh, song Tu-154 vẫn rất dễ bị đánh giá sai về chất lượng. Trong vài năm trở lại đây, hầu hết các hãng hàng không đã từ bỏ việc sử dụng loại máy bay này. Tuy nhiên, Tu-154 vẫn được sử dụng trong quân đội Nga, chủ yếu phục vụ việc chuyên chở các khách VIP (như quan chức quân sự và nhà báo) di chuyển từ Moskva đến Syria. 

Hãng thông tấn TASS dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết chiếc máy bay đặc biệt này được sản xuất từ năm 1983 và đã có 6.689 giờ bay. “Lần sửa chữa cuối cùng của chiếc Tu-154 là vào ngày 29/12/2014 và bảo dưỡng định kỳ vào tháng 9/2016”. Cũng theo Bộ Quốc phòng Nga thì Roman Volkov cũng được coi là “phi công hạng nhất” với hơn 3.000 giờ bay. 

Bộ Quốc phòng Nga đã mở một chiến dịch tìm kiếm cứu hộ quy mô trên Biển Đen để tìm kiếm thi thể các nạn nhân cũng như các mảnh vỡ của chiếc máy bay gặp nạn. Tham gia chiến dịch này có khoảng 3.000 người cùng một nhóm gồm 27 tàu trong đó có tàu của Hạm đội Biển Đen, 4 máy bay lên thẳng, các máy bay không người lái và thiết bị lặn sâu điều khiển từ xa cùng 100 thợ lặn tham gia tìm kiếm.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, chiếc máy bay vận tải quân sự Tu-154 gặp nạn được sản xuất năm 1983 và đã trải qua 6.689 giờ bay, được sửa chữa lần cuối cùng ngày 29-12-2014 và được bảo dưỡng định kì lần cuối cùng vào tháng 9-2016. Điều khiển chiếc Tu-154 là phi công hạng nhất Roman Volkov, người đã trải qua hơn 3.000 giờ bay. 

Và những chuyến bay xấu số

Dưới đây là những vụ tai nạn máy bay nghiêm trọng của Nga trong những năm gần đây. Ngày 3/8/2010, chiếc máy bay An-24RV, số đăng ký RA- 46524 của Công ty Katekavia khi hạ cánh trong điều kiện thời tiết xấu ở sân bay Igarki, do lỗi phi công, đâm vào cây. Toàn bộ 11 hành khách và 1 trong 4 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng. 

Ngày 4/12/2010, tại sân bay Domodedovo ở Moskva, máy bay Tu-154M, số đăng ký RA- 85744 của công ty South East Airlines (Dagestan) phải hạ cánh khẩn cấp do động cơ và máy phát điện gặp trục trặc; 2 trong số 163 hành khách thiệt mạng. 

Ngày 1/1/2011, tại sân bay Surgut, khi đưa máy bay ra đường băng, một động cơ chiếc Tu-154B-2, số đăng ký RA-85588, của hàng không Kogalymavia bốc cháy, sau đó đám cháy lan sang khoang hành khách. Trên máy bay có 116 hành khách và 8 thành viên phi hành đoàn. Rút cuộc, 3 hành khách thiệt mạng, 40 người bị thương, máy bay bị hủy hoại hầu như hoàn toàn. 

Ngày 20/6/2011, khi hạ cánh tại sân bay Petrozavodsk, máy bay Tu-134 mang số hiệu RA-65691 của hàng không RusAir khởi hành từ Moskva, hạ cánh trệch đường băng 1km. 47 trong số 52 người trên máy bay thiệt mạng. Nguyên nhân là do lỗi của tổ lái, mất định hướng và khả năng kiểm soát độ cao. 

Ngày 2/4/2012, máy bay ATR-72, mang số hiệu VP-BYZ của hãng hàng không Utair, ngay sau khi cất cánh từ sân bay Roshino ở Tyumen bị mất độ cao và đâm xuống đất. 33 trong số 43 người trên máy bay thiệt mạng. 

Ngày 12/9/2012, tại Kamchatka, chiếc An-28 số đăng ký RA- 28715 thuộc Công ty Petropavlovsk-Kamchatsky gặp nạn. Do hạ độ cao xuống dưới mức an toàn, máy bay đâm vào mặt đất khiến 10 người thiệt mạng. 

Ngày 29/12/2012, chiếc Tu-204-100, mang số hiệu RA- 64047 của hãng hàng không Red Wings hạ cánh tại sân bay Domodedovo ở Moskva bị trượt khỏi đường băng. Máy bay đâm đổ tường chắn sân bay, va với nền xa lộ Kiev và bị vỡ. Trên máy bay chỉ có 8 thành viên phi hành đoàn, 5 trong số này thiệt mạng.

Ngày 17/11/2013, chiếc máy bay Boeing 737 của hãng Tatarstan Airlines khởi hành từ Moskva bị rơi khi đang cố gắng hạ cánh tại sân bay thành phố Kazan làm toàn bộ 50 người trên máy bay thiệt mạng. Theo truyền thông địa phương, máy bay hạ cánh trong điều kiện thời tiết gió lớn, nhiều mây. Các nhà điều tra cho biết nguyên nhân tai nạn là do lỗi của phi công khi vi phạm các quy định an toàn bay. 

Ngày 31/10/2015, chiếc máy bay Airbus A321 của hãng hàng không Kogalymavia khởi hành từ Sharm El Sheikh, Ai Cập đến thành phố Saint Petersburg bị nổ tung trên bầu trời bán đảo Sinai. Tất cả 217 hành khách và 7 thành viên phi hành đoàn đều thiệt mạng. Sau nhiều tháng điều tra, Ủy ban Điều tra Nga kết luận nguyên nhân vụ tai nạn là do máy bay bị gài bom.

Ngày 19/3/2016, chiếc máy bay mang số hiệu FZ981 của hãng hàng không FlyDubai chở khách du lịch Nga từ thành phố Dubai của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đến thành phố Rostov-on-Don của Nga bị rơi và vỡ vụn khi đang trong quá trình tiếp cận với đường băng để hạ cánh. Toàn bộ 62 hành khách và thành viên phi hành đoàn đều thiệt mạng. Nguyên nhân vụ tai nạn là do máy bay chịu tác động của một hiện tượng thiên nhiên hiếm gặp gọi là luồng khí quyển hẹp.