Trong khối doanh nghiệp thuộc lĩnh vực Công nghệ & Hạ tầng, bộ đôi Chủ tịch HĐTV và Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cùng nhận quyết định bổ nhiệm trong năm 2023. Cụ thể, ông Đặng Sỹ Mạnh - Tổng Giám đốc đã được Thủ tướng bổ nhiệm chức Chủ tịch HĐTV sau một thời gian vị trí này chỉ có người phụ trách.
Ông Hoàng Gia Khánh - Phó Tổng Giám đốc VNR sau 5 tháng phụ trách Ban Điều hành và đại diện theo pháp luật của “Tổng” này cũng đã nhận quyết định lên chức Tổng Giám đốc VNR hồi tháng 10/2023.
“Tân quan tân chính sách”, dàn lãnh đạo mới của VNR là những người “gốc” Đường sắt - hiểu từng cung đường, từng nhà ga và đặc thù vận tải hỏa xa... đã có những đổi mới trong quản trị, điều hành kinh doanh và đúng như cam kết với cấp thẩm quyền, với dư luận, năm 2023 doanh nghiệp này đã kinh doanh có lãi sau nhiều năm thua lỗ, với nhiều cảm thán khó khăn mà Đường sắt phải đối mặt.
Ở lĩnh vực năng lượng, ba trụ cột - Tập đoàn Công nghiệp Than Khoảng sản Việt Nam (TKV) Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng được kiện toàn các vị trí chủ chốt từ tháng 5/2023 cho tới những ngày cuối của năm 2023.
Công ty mẹ - VNR vốn điều lệ 3.250 tỷ đồng, tổng tài sản 14.660 tỷ đồng, với hơn 22.000 lao động. Năm 2023, doanh thu hợp nhất VNR 8.503,8 tỷ đồng - 101,7% kế hoạch năm; đạt lợi nhuận 94,8 tỷ đồng sau 3 năm liên tiếp bị lỗ.
Bộ đôi Chủ tịch và CEO ở EVN nói là tân lãnh đạo cũng không hẳn, bởi Chủ tịch Đặng Hoàng An vốn dĩ “người xưa về bến cũ”, còn Tổng Giám đốc EVN là cán bộ từ đơn vị cấp 2 đi lên.
Riêng PVN, tới thời điểm này, chức vụ Tổng Giám đốc vẫn do tân Chủ tịch HĐTV Lê Mạnh Hùng đảm nhiệm. Trên thực tế, CEO của tập đoàn này là một vị trí khá quan trọng khi ngành Dầu khí mà chủ lực là PVN, với một hệ thống hoàn chỉnh - từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác tới phát triển công nghiệp khí - điện - chế biến và dịch vụ dầu khí... đang được ví như “đầu tàu” nền kinh tế Việt Nam, nên việc khi nào và ai sẽ được bổ nhiệm vào “chiếc ghế” Tổng Giám đốc đứng đầu Ban điều hành ở đây là điều nhiều người đang rất quan tâm, theo dõi.
Ai sẽ thay thế Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng đứng đầu Ban Điều hành của Tập đoàn kinh tế hàng đầu Việt Nam? |
Nguồn tin riêng của PLVN cho hay, một số doanh nghiệp trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sắp tới cũng sẽ có sự thay đổi, chuyển giao vị trí lãnh đạo cấp cao khi Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (VINACHEM) và Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đều sinh năm 1963.
Đây là 2 doanh nghiệp thuộc 2 khối Công nghiệp và Công nghệ & Hạ tầng, có nhiều đóng góp rất quan trọng vào thành tích 5 năm đầu thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Cụ thể năm 2023, giá trị sản xuất công nghiệp tính theo giá trị thực tế năm của VINACHEM đạt hơn 50.000 tỷ đồng; doanh thu cộng hợp ước 55.286 tỷ đồng; lợi nhuận khoảng 3.277 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước 1.922 tỷ đồng.
Chủ tịch VINACHEM Nguyễn Phú Cường sinh ngày 1/5/1963, được bổ nhiệm chức Chủ tịch HĐTV Tập đoàn này từ tháng 2/2018. Tháng 4/2023, ông được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho kéo dài thời gian giữ chức vụ Chủ tịch đến thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.
ACV ngoài hoạt động quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không tại 21 sân bay còn là chủ đầu tư “siêu” Dự án sân bay Long Thành... Năm 2023, “Tổng” này đạt và vượt kế hoạch mà Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Đại hội cổ đông thông qua, với 113,5 triệu khách, tăng 15% so với năm 2022, trong đó khách quốc tế đạt 32,6 triệu khách. Tổng số hạ, cất cánh đạt 710 nghìn lượt chuyến. Tổng doanh thu năm 2023 ACV vừa công bố là 20.034 tỷ đồng, tương đương 103% kế hoạch năm.
Như tin đã đưa, liên quan tới công tác tổ chức cán bộ tại một số Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, hồi tháng 10/2023, Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương đã công bố Quyết định của Ban Bí thư về việc chỉ định tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ Khối, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đối với Chủ tịch, Tổng Giám đốc của TKV, VNR, ACV...
Trong số lãnh đạo các Tập đoàn, Tổng công ty vừa được chỉ định tham gia BCH Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương, có lãnh đạo của ACV |
Trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, từng nhấn mạnh quan điểm: “Ủy ban sẽ điều động, bổ sung cán bộ có chuyên môn, năng lực giữa các doanh nghiệp với nhau và giữa Ủy ban với các doanh nghiệp”.
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sẽ tăng cường tạo sự chủ động cho doanh nghiệp, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp và tích cực phối hợp, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả trên nguyên tắc “không can thiệp vào hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp”.