Những “chiến sỹ nhí” ở Trung đoàn Pháo binh 452

Được ăn ở và  sinh hoạt  trong môi trường quân đội, với sự  chăm sóc, chỉ dạy ân cần của cán bộ Trung đoàn Pháo binh 452- Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và các điều phối viên, 107 học sinh đã có những ngày “làm lính” không thể nào quên…

Được ăn ở và  sinh hoạt  trong môi trường quân đội, với sự  chăm sóc, chỉ dạy ân cần của cán bộ Trung đoàn Pháo binh 452- Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và các điều phối viên, 107 học sinh đã có những ngày “làm lính” không thể nào quên…

Háo hức lên xe, di chuyển về đơn vị. Ảnh H.Tuấn
Háo hức lên xe, di chuyển về đơn vị. Ảnh H.Tuấn

Theo chân Thượng tá Nguyễn Nhật Thi, Chính ủy Trung đoàn Pháo binh 452, chúng tôi xuống thăm nơi ăn, ở của các “chiến sỹ nhí”. Nếu không được giới thiệu trước và để ý đến những bộ trang phục bé hơn bình thường đang treo trên mắc, chúng tôi khó có thể tưởng tượng rằng, đây nơi ăn, ở của các “tân binh nhí”. Nội vụ vệ sinh gọn gàng, ngăn nắp: Ba lô đặt trên giá; quần, áo trên mắc; giày bata, dép lê…đều ngay ngắn, đúng vị trí quy định như ở một đon vị chính quy. Chăn, màn được các “chiến sỹ nhí” gấp chưa “vuông thành, sắc cạnh” nhưng cũng đã có sự vuông vắn và khá thẳng, thành một dãy dài….

Trước sự ngạc nhiên của chúng tôi, Thượng tá Nguyễn Nhật Thi kể: “Ngay từ khi nhận phòng ở, chúng tôi đã cử cán bộ xuống hướng dẫn các cháu cách sắp đặt nội vụ, gấp chăn, màn, quần áo. Các cháu rất hào hứng với nội dung này. Có cháu thấy bạn gấp chăn đẹp, sợ thua kém nên cả buổi trưa giở chăn, màn ra gấp đi gấp lại, anh chị điều phối viên nhắc nhở mãi mới chịu đi ngủ…”.

Mới mấy ngày trở thành “lính”, đã có nhiều chuyện kỷ nhiệm vui: “Nhí” nhất trong lần nhận quân này là Nguyễn Ngọc Linh Chi, tiểu đội 1 (đang là học sinh lớp 3D, trường Tiểu học Nguyễn Khả Trạc, Hà Nội). Ở nhà, tuy đã biết giúp mẹ nấu cơm, quét dọn nhà cửa và giặt quần áo nhưng buổi đầu tiên “nhập ngũ”, Linh Chi lại khóc suốt đêm làm các bạn trong phòng cũng “sụt sùi” theo. Sự cố này khiến Điều phối viên chương trình Lã Ngọc Tú (sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội), người được giao phụ trách Tiểu đội 1 phải tới ngủ cùng của Linh Chi để dỗ dành và kể chuyện gần hết đêm.

Hôm sau, khi đã dần quen với cuộc sống mới, Linh Chi mới tâm sự, vốn rất “thần tượng” các chú bộ đội nên khi biết có “học kỳ quân đội”, em đã muốn bố mẹ cho tham gia chương trình. Háo hức nhưng ngày đầu xa bố mẹ, Linh Chi thấy nhớ nhà và …“sợ ma”, sợ đom đóm bay lập loè nên bật khóc.

Gặp Tiểu đội 1 đúng lúc các chiến sỹ đang trên đường ở thao trường về, chúng tôi thấy “chiến sỹ” nào cũng đầm đìa mồ hôi nhưng chuyện trò, cười đùa rất vui vẻ. Cứng cỏi trong bộ quân phục dã chiến bám đầy đất cát, Linh Chi tự tin khoe: “Chúng con vừa được học bắn súng tiểu liên AK về. Thích lắm chú ạ! Vào đơn vị, chúng con được sống giống như các chú bộ đội, được học về giao tiếp, về thực hành tiết kiệm hoặc học cách sinh tồn trong điều kiện khắc nghiệt…Con thích nhất học nhảy, dễ học và vui nhộn nữa. Năm sau nếu có “học kỳ quân đội”, con lại xin mẹ cho đi”.

Buổi đón con “xuất ngũ”, chị Phạm Thị Ngọc Hoa- mẹ của Linh Chi- hãnh diện kể, 1 tuần sống trong môi trường quân đội, Linh Chi đã chững chạc hơn rất nhiều; tuy đen đi nhưng Linh Chi đã rắn rỏi và khỏe hơn.

Các “chiến sỹ nhí” trong giờ học bắn súng tiểu liên AK.  Ảnh M.Q
Các “chiến sỹ nhí” trong giờ học bắn súng tiểu liên AK. Ảnh M.Q

Tham gia “học kỳ quân đội” đợt này, lớp 3D của Linh Chi còn có bạn Vũ Ngọc Huy. Vào đơn vị, Ngọc Huy được biên chế ở Tiểu đội 5 nhưng cứ tối tối, Huy lại chạy sang Tiểu đội 1 chơi với bạn. Có hôm, hai “chiến sỹ” cùng nhau ra sân vận động ngắm sao. Khi sắp về, Linh Chi nghịch ngợm giấu kính của Ngọc Huy khiến đồng đội phải “dò dẫm” về phòng.

Chiều nay, Tiểu đội Huy ôn luyện 24 động tác thể dục buổi  sáng bài 1. Tất cả “chiến sỹ nhí” đều mặc áo lót màu xanh, quần dã chiến tập đều đặn theo động tác của người chỉ huy. Giờ giải lao, Huy kể: “Vào đây, con ấn tượng nhất là khi đi ăn cơm phải xếp hàng ngay ngắn, đi theo hàng lối. Còn thú vị nhất là học cách mắc tăng võng, đào bếp hoàng cầm, cách sơ cấp cứu, học hát và nhảy dân vũ. Chúng con bạn nào cũng thích điệu dân vũ “té nước”, “múa gối”, cả môn “đánh trận” (chiến thuật), bạn nào cũng say mê tập”.

Được biết, năm 2011, Ngọc Huy đã tham gia học kỳ quân đội do Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam tổ chức. Năm nay, em lại xin mẹ cho đi vì “muốn trải nghiệm nhiều hơn để hiểu và thêm yêu các chú bộ đội”.

Trung tá Hoàng Văn Sáu, Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn cho hay: “Trước khi đón các cháu học sinh về doanh trại, chúng tôi đã tiến hành củng cố, tu sửa nơi ăn, ở, sinh hoạt, đảm bảo sạch sẽ, thoáng mát. Đồng thời, đơn vị  chuẩn bị tốt về thao trường, bãi tập để các cháu có thể học tập trong điều kiện thời tiết không thuận lợi. Đơn vị chỉ đạo Ban Hậu cần thường xuyên kiểm tra vệ sinh thực phẩm, vệ sinh khu doanh trại, đảm bảo bữa ăn theo đúng tiêu chuẩn, định lượng cho các cháu.

Bên cạnh đó, đơn vị lựa chọn những đồng chí có năng lực chuyên môn tốt, tinh thần trách nhiệm cao, trực tiếp cho đảm nhận chức vụ Tiểu đội trưởng để quản lý, cùng ăn, cùng ở với các chiến sỹ ‘nhí” và tham gia giảng dạy các môn giáo dục quốc phòng. Để bảo đảm an toàn, chúng tôi còn phối hợp với Tiểu đoàn Thiết giáp 47 tổ chức tuần tra, canh gác quanh khu vực đóng quân”

Tối đó, các chiến sỹ “nhí” hành quân ra sân vận động trong niềm vui phấn khích. Hòa trong vũ điệu Chu Chu Wa, điệu dân vũ Tây Ban Nha sôi động, các em nắm tay nhau hò reo làm tan biến những mỏi mệt sau một ngày học tập, rèn luyện….

Chỉ ít ngày nữa thôi những chiến sỹ “nhí” sẽ “xuất ngũ” trở về quê nhà. Xa doanh trại về nơi phố thị phồn hoa, nhưng những trải nghiệm có được trong “trại hè quân đội” sẽ giúp các chiến sỹ nhí thêm tự tin và bản lĩnh hơn trong cuộc sống. 

Mạnh Quang

Đọc thêm