1. Miễn lệ phí cấp thẻ căn cước công dân
Theo quy định tại Thông tư 331/2016/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư 256/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí cấp căn cước công dân có hiệu lực từ ngày 10/02/2017
Theo đó, 03 trường hợp không phải nộp lệ phí cấp thẻ căn cước công dân bao gồm:
- Cấp thẻ căn cước công dân lần đầu đối với công dân từ đủ 14 tuổi trở lên;
- Đổi thẻ căn cước công dân khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi;
- Đổi thẻ căn cước công dân khi có sai sót về thông tin trên thẻ căn cước công dân do lỗi của cơ quan quản lý căn cước công dân.
Ngoài ra, Thông tư này cũng sửa đổi quy định người nộp lệ phí là công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên khi làm thủ tục đổi, cấp lại thẻ thay vì từ đủ 16 tuổi trở lên khi làm thủ tục cấp mới, đổi, cấp lại thẻ như trước đây.
Thông tư 331/2016/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 10/02/2017 và được áp dụng đối với các hồ sơ đã nộp cho cơ quan có thẩm quyền từ ngày 01/01/2017.
2. Bồi dưỡng cao nhất 150.000 đồng/ngày/người khi tiếp công dân
Ngày 14/12/2016, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 320/2016/TT-BTC quy định chế độ bồi dưỡng đối với người làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
Theo đó, chế độ bồi dưỡng đối với người làm nghĩa vụ tiếp công dân như sau:
- Với các đối tượng được quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 21 Nghị định 64/2014/NĐ-CP khi làm nhiệm vụ tiếp công dân ở trụ sở hoặc địa điểm tiếp công dân:
+ Nếu chưa hưởng chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề thì bồi dưỡng 100.000 đồng/ngày/người;
+ Nếu đang hưởng chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề thì bồi dưỡng 80.000 đồng/ngày/người.
- Với cán bộ, công chức được cấp có thẩm quyền giao hoặc phân công làm nhiệm vụ tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương thì:
+ Bồi dưỡng 150.000 đồng/ngày/người; trường hợp đang hưởng chế độ phụ cấp theo nghề được bồi dưỡng 120.000 đồng/ngày/người.
- Các đối tượng quy định tại Khoản 3, Khoản 4 Điều 21 Nghị định 64/2014/NĐ-CP được bồi dưỡng 50.000 đồng/ngày/người.
Thông tư 320/2016/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/02/2017, áp dụng cho năm ngân sách 2017;
3. Phạt đến 10 triệu đồng nếu chở hàng hóa không che chắn
Tại Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Theo đó, tăng mạnh mức tiền phạt đối với hành vi vận chuyển nguyên liệu, hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, cụ thể:
- Phạt tiền từ 7 triệu đến 10 triệu đối với hành vi điều khiển phương tiện vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa không che chắn hoặc để rơi vãi ra môi trường trong khi tham gia giao thông.
- Phạt tiền từ 10 triệu đến 15 triệu đối với hành vi không sử dụng thiết bị, phương tiện chuyên dụng trong quá trình vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa làm rò rỉ, phát tán ra môi trường.
4. Điều kiện để được mua hàng miễn thuế
Từ ngày 15/02/2017, Nghị định 167/2016/NĐ-CP về kinh doanh hàng miễn thuế bắt đầu có hiệu lực thi hành. Theo đó, để được mua hàng miễn thuế phải thỏa mãn những điều kiện sau:
- Người xuất cảnh, quá cảnh qua các cửa khẩu đường bộ, đường hàng không quốc tế sau khi hoàn thành thủ tục xuất cảnh, quá cảnh được mua hàng tại các cửa hàng miễn thuế nằm trong khu vực cách ly.
- Người chờ xuất cảnh mua hàng tại cửa hàng miễn thuế trong nội địa (hàng hóa được nhận tại cửa khẩu xuất cảnh).
- Người nhập cảnh được mua hàng tại cửa hàng miễn thuế đặt tại khu vực hạn chế của cảng hàng không dân dụng quốc tế ngay sau khi hoàn thành các thủ tục nhập cảnh (không được mua khi đã ra khỏi khu vực hạn chế).
- Hành khách trên các chuyến bay quốc tế đến Việt Nam, hành khách trên các chuyến bay quốc tế xuất cảnh từ Việt Nam được mua hàng trên tàu bay.
5. Phí đấu giá tài sản, phí tham gia đấu giá tài sản
Từ ngày 12/02/2017 đến ngày 01/7/2017 Thông tư 335/2016/TT-BTC quy định cụ thể về phí đấu giá tài sản và phí tham gia đấu giá tài sản có hiệu lực thi hành.
Theo đó, trường hợp bán đấu giá tài sản thành thì mức thu phí được tính trên giá trị tài sản bán được của một cuộc bán đấu giá như sau:
+ 5% giá trị tài sản bán được đối với tài sản có giá trị dưới 50.000.000 đồng.
+ 2.500.000 đồng + 1,5% giá trị tài sản bán được quá 50.000.000 đồng đối với tài sản có giá trị từ 50.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng.
+ 16.750.000 đồng + 0,2% giá trị tài sản bán được vượt 1.000.000.000 đồng đối với tài sản có giá trị từ trên 1.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng.
+ 34.750.000 đồng + 0,15% giá trị tài sản bán được vượt 10.000.000.000 đồng đối với tài sản có giá trị từ trên 10.000.000.000 đồng đến 20.000.000.000 đồng.
+ 49.750.000 đồng + 0,1% giá trị tài sản bán được vượt 20.000.000.000 đồng (tổng số phí không quá 300.000.000 đồng/cuộc đấu giá) đối với tài sản có giá trị từ trên 20.000.000.000 đồng.
- Mức thu phí tham gia đấu giá tài sản được quy định tương ứng với giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá theo quy định như sau:
+ 50.000 đồng/hồ sơ đối với tài sản có giá khởi điểm từ 20.000.000 đồng trở xuống.
+ 100.000 đồng/hồ sơ đối với tài sản có giá khởi điểm từ trên 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
+ 150.000 đồng/hồ sơ đối với tài sản có giá khởi điểm từ trên 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
+ 200.000 đồng/hồ sơ đối với tài sản có giá khởi điểm từ trên 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng.
+ 500.000 đồng/hồ sơ đối với tài sản có giá khởi điểm trên 500.000.000 đồng.
6. Mức phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường
Theo Nghị định số 155/2016 ngày 18/11/2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có hiệu lực từ 1/2/2017, mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân vi phạm là 1 tỷ đồng, đối với tổ chức là 2 tỷ đồng.
Nhiệm kỳ của Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn là hai năm. Ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn có từ 5 đến 11 thành viên.
Đối với những xã, phường, thị trấn ở đồng bằng có số dân dưới 5 nghìn người thì được bầu 5 hoặc 7 thành viên; từ 5 nghìn người đến dưới 9 nghìn người thì được bầu 7 hoặc 9 thành viên; từ 9 nghìn người trở lên thì được bầu 9 hoặc 11 thành viên. Đối với những xã, phường, thị trấn ở miền núi, trung du và hải đảo, mỗi thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố được bầu 1 thành viên, nhưng số lượng thành viên Ban Thanh tra nhân dân không quá 11 người.