Những chú ngựa huyền thoại vang bóng một thời tại trường đua nổi tiếng nhất Việt Nam

(PLO) - Trường đua ngựa Phú Thọ ở TP.Hồ Chí Minh, thời kỳ vàng son từng được coi là trường đua lớn nhất nhì châu Á. Đến bây giờ, khi ánh hào quang không còn, nhưng tên tuổi những chú ngựa đua từng cất vó làm nên huyền thoại trường đua thì vẫn mãi vang bóng một thời, là niềm tự hào cho môn thể thao “vua” từng ngự trị số 1 của Sài thành xưa. 

Ông Sáu Baudron một Việt kiều tâm huyết với ngựa đua Việt Nam.

Ông Sáu Baudron một Việt kiều tâm huyết với ngựa đua Việt Nam.

Huyền thoại về “thần mã” Thoại Lang
Vào khoảng cuối thế kỷ 19, một thương gia người Pháp đã nảy ra ý tưởng đem loại hình đua ngựa từ Pháp sang để kinh doanh nên đã nhập giống ngựa tốt đến vùng đất Sài Gòn lập trường đua. Bộ môn ngựa đua từ đó du nhập vào Việt Nam và được giới ăn chơi thượng lưu ở Sài Gòn biết đến và say mê. Thời kỳ vàng son nhất của trường đua Phú Thọ đó là trước những năm giải phóng. Lịch sử trường đua Phú Thọ chứng kiến nhiều thế hệ ngựa đua kiệt xuất. Nhưng trong hàng trăm chiến mã từng được vinh danh, cái tên “thần mã” Thoại Lang vẫn được tôn sùng vị trí số 1, trờ thành huyền thoại trong ký ức người đua ngựa. 
Giờ chắc không còn ai nhớ nhiều câu chuyện, gốc tích ra đời của “thần mã” Thoại Lang hơn ông Baudron Jcan Yues (SN 1943), một người mang dòng máu Pháp - Việt, giới nuôi ngựa vẫn gọi thân mật là Sáu Burong. Ông Sáu có bố là một sỹ quan người pháp nên từ nhỏ ông đã thường xuyên theo cha vào trường đua ngựa. Đến tuổi trưởng thành, ông Sáu hay qua lại nhà của một giám thị trường đua ngựa tên là Trần Ngọc Sơn hay còn gọi là ông Hai Hội để thăm ngựa cho thỏa niềm đam mê. Sau đó không lâu, Baudron trở thành con rể của ông Hai Hội chính là chủ nhân của thần mã Thoại Lang. 
Kể về gốc tích của ông Hai Hội và thần mã Thoại Lang thì phải quay trở lại Sài Gòn những năm 60. Ngày ấy, có một vị bác sỹ tên Nguyễn Chí Nhiều khá nổi tiếng về chuyên môn và là một người mê ngựa. Vì quan hệ trong giới thượng lưu khá rộng nên vị bác sĩ này cũng đầu tư vào ngựa đua để làm thú vui tiêu khiển. Ông Hai Hội, xuất thân là người giúp việc chăn nuôi đàn ngựa khoảng 20 con cho bác sĩ Nhiều. “Thần mã” Thoại Lang là một con ngựa cái, được đặt theo tên Pháp rất nữ tính, Tina. 
Tina là một chú ngựa cái mang 2 dòng máu, mẹ là giống ngựa cỏ Việt Nam nhưng cha là ngựa đua từ Pháp. Sự kết hợp ngẫu nhiên ấy cho ra đời chú ngựa con Tina, lông màu cánh dán, dáng vẻ mỹ miều nhưng tính khí và thần thái khác thường. Nếu không có biến cố diễn ra cuộc tổng tấn công tết Mậu Thân năm 1968 thì có lẽ tên tuổi của Tina chưa hẳn đã được biết đến. Trong bom rơi đạn lạc đàn ngựa của bác sỹ Nguyễn Chí Nhiều bị chết gần hết, ông Hai Hội liều mình dắt được 2 con ngựa yêu quý nhất chuồng chạy trốn, một trong hai có Tina. Sau lần ấy, bác sĩ Nhiều quyết định chuyển ra nước ngoài sinh sống, trước khi đi, ông tặng cho Hai Hội con Tina làm kỷ niệm. Vậy là từ đó, Tina chính thức thuộc quyền sở hữu của ông Hai Hội và được đặt lại tên là Thoại Lang...
Dưới bàn tay huấn luyện của ông Hai Hội, Thoại Lang như lột xác, từ chú ngựa cái chỉ có tiềm năng mỗi khi “xung trận” là lại giành phần thắng oanh liệt. Khoảng thời gian những năm 1970 đến cuối năm 1974, cái tên Thoại Lang liên tục được xướng tên trên đài chiến thắng. Với những con ngựa cùng hạng, Thoại Lang gần như không có đối thủ. Thành tích 141 trận thắng từ khi cất vó trên trường đua Phú Thọ, Thoại Lang được người trong giới phong là “thần mã”. 
“Phải hiểu rằng, không phải cứ con ngựa nào thắng nhiều, thắng liên tục cũng được phong là “thần mã”, mà tước hiệu ấy kèm theo đó còn rất nhiều yếu tố mà chỉ người trong giới đua ngựa biết với nhau”, ông Sáu Baudron trần tình. 
Theo đó, trong cuộc đời của Thoại Lang cũng có vài lần gặp thất bại khi gặp những đối thủ không kém tài cũng đã để lại tên tuổi lừng lẫy như Ti Ti, Thuận Hùng hay Anh Phong. Nhưng tất cả những con ngựa đua đó sau khi chiến thắng Thoại Lang trên trường đua đều không có kết cục tốt đẹp. 
Ví như con Thuận Hùng và Anh Phong ăn được Thoại Lang 1 trận nhưng sau trận đó về nhà đổ bệnh mà chết. Còn con Ti Ti cũng bị “ngựa chứng” cứ ra đến trường đua là đứng im chẳng buồn nhấc vó. Những hiện tượng lạ đó càng khiến người chơi ngựa tin rằng Thoại Lang là thần mã. 
Một trong những người chơi ngựa đua lâu năm nhất Sài Gòn hiện giờ là ông Năm Gò Công nhớ lại ấn tượng đặc biệt mà Thoại Lang ghi dấu, đó là mỗi khi đứng trước vạch xuất phát, Thoại Lang đứng trước rào chắn nhưng mắt không nhìn thẳng mà lúc nào cũng nghếch liếc cờ lệnh. Vì vậy, cứ hễ cờ lệnh phất là Thoại Lang luôn bắt được nhịp mà vọt lên dẫn đầu.  
Ở thời điểm ấy, tên của Thoại Lang mỗi lần thắng trận lại tràn ngập trên mặt báo. Ông Baudron cho biết, báo chí có thống kê thành tích của các con ngựa trên thế giới và nếu xét về số lần ăn giải nhất trong các cuộc đua thì Thoại Lang được ca tụng là nhất thế giới. “Ngay cả hiện tại có lẽ cũng chưa có một con ngựa đua nào vượt qua được thành tích của Thoại Lang”, ông Baudron nhận định. 
Nhờ vào Thoại Lang mà tên tuổi ông Hai Hội nổi như cồn và nhanh chóng giàu có nhờ số tiền ăn độ mà Thoại Lang mang về. Ông Hai Hội còn sắm được cả một chiếc xe Zip màu vàng mà bấy giờ Sài Gòn chỉ có 2 chiếc không hơn. Đã có lúc nhiều đại gia vì quá mến phục Thoại Lang họ sẵn sàng đánh đổi cả một chiếc xe hơi  hạng sang. Lúc bấy giờ đó quả là một khối tài sản quá lớn, kể cả những quan chức chính phủ cũng chưa chắc sở hữu chiếc xe như vậy nhưng ông Hai Hội đều từ chối tất cả.
Nhưng đường đua có những luật lệ khắc nghiệt, đó là mỗi lần thắng trận, chú ngựa đoạt cúp đều phải đeo thêm một cân chì trên lưng. Sau 4 năm làm điên đảo trên đường đua, vào năm 1974, Thoại Lang ra đường đua mang theo số chì nặng 72kg. Sức khỏe giảm sút nhưng Thoại Lang vẫn được ra thi đấu. Giành chiến thắng thuyết phục nhưng Thoại Lang đã phải trả giá quá đắt đó là bị trật khớp xương và mãi mãi không thể còn bước ra trường đua được nữa. 
Kết thúc sự nghiệp của mình, Thoại Lang làm nhiệm vụ mới đó là ngựa nái. Ngựa nái thực hiện việc duy trì nòi giống, nái tốt phải “đúc” cho được những chú ngựa con hay.
Trường đua Phú Thọ thời Pháp thuộc.
Trường đua Phú Thọ thời Pháp thuộc.
Năm 1975, trường đua Phú Thọ đóng cửa. Thoại Lang sau khi nghỉ đua đã sinh được một lứa con rồi chết vào năm 1977. Sau đó, ông Hai Hội cũng cùng gia đình ra nước ngoài sinh sống và qua đời. Năm 1989, trường đua hoạt động trở lại và được một thương gia Hoa kiều đầu tư để tu sửa. Năm 1992, cơ chế nhà nước thông thoáng hơn, ông Baudron vốn là Việt kiều Pháp đã trở lại Việt Nam.
Cũng từ thời gian này, ông có điều kiện trở lại với niềm đam mê đua ngựa. Việc đầu tiên ông làm khi trở lại Việt Nam đó là lần theo tung tích những chú ngựa hậu duệ của Thoại Lang. Tuy nhiên, càng lần theo dấu vết hậu duệ của thần mã Thoại Lang thì ông càng thấy xót xa. Bởi lẽ, khi trường đua hết thời thì những chú ngựa đua dù tốt mấy cũng phải quay lại làm công việc kéo xe nặng nhọc.
Chú ngựa con của Thoại Lang về sau được bán cho một người nông dân ở Tây Ninh để phục vụ kéo xe. Về sau, con của Thoại Lang sinh được 2 lứa nhưng một con chết bệnh, một con chết đuối. Dòng giống của “thần mã” cũng vì thế mà không còn nữa. 
Lã Bố bách chiến bách thắng
Sau thời của thần mã Thoại Lang thì mãi đến năm 1992 trường đua Phú Thọ mới mở cửa lại. Ngựa đua ở Sài Gòn lại được đông đảo bà con đến xem. Thế nhưng bên cạnh những người người coi đua ngựa là một môn thể thao chân chính thì trường đua ngựa nào cũng luôn tồn tại những chuyện tiêu cực, cá độ, gian lận trường đua... 
Thời kỳ ấy, cộng đồng người Hoa ở chợ Lớn rất có tiếng tăm ở trường đua. Họ thường lập thành hội rỉ nhau bí quyết gian lận: “Phóng tài hóa, thu nhân tâm”, nghĩa là hào phóng ban phát tiền bạc và hàng hóa để chinh phục lòng người. Giới chơi thạo thường giao du nhiều với chủ ngựa đua và nhất là nài ngựa (người cưỡi ngựa trong cuộc đua). Họ thường mua chuộc nài ngựa để làm độ.
Trường đua Phú Thọ hiện tại.
Trường đua Phú Thọ hiện tại. 
Nổi danh trong giới người Hoa lọc lõi trong giới ngựa đua Sài Gòn có một nhân vật tên là Tài “ngạnh”. Tài “ngạnh”, gã đã có tiếng tăm từ những năm 60 của thế kỷ trước khi đi theo trùm giang hồ Đại Cathay (Lê Văn Đại - kẻ đứng đầu trong “tứ đại thiên vương” ở Sài Gòn thời kỳ trước năm 1975) thu nợ bảo kê ở các sòng bạc của người Hoa. 
Khi trường đua Phú Thọ mở lại, Tài “ngạnh” đang là một đại gia về nhà đất nên sẵn sàng vung tiền thao túng trường đua vì những món hời cá độ. Tài “ngạnh” đã gom cho hắn khoảng 200 đầu ngựa rồi gửi ở các trại khác nhau thuê người nuôi. Có những trận đua mà hầu hết ngựa đều là của Tài “ngạnh” nhưng núp bóng các chủ khác nên việc làm độ với hắn không quá khó. 
Việc nuôi ngựa đua của Tài “ngạnh” chủ yếu phục vụ cho việc cá cược và chuyện làm ăn trong thế giới ngầm. Trong quá trình tận thu ấy, Tài Ngạnh may mắn sở hữu được một chú ngựa đua có lẽ về thành tích sau này chỉ xếp sau “thần mã” Thoại Lang. Tên chú ngựa đua từng nổi đình, nổi đám ấy có tên là Lã Bố, đặt tên theo một nhân vật trong truyện Tam quốc của Trung Quốc. 
Lã Bố là con ngựa không rõ nguồn gốc, vốn là của một ông lão nghèo làm nghề phu xe ở tỉnh Bình Dương, sau đó được vài tay nài ngựa mua đi bán lại. Lã Bố là giống ngựa cỏ, cao chỉ 1,2 m, lông đen tuyền nhìn xấu xí không có dáng dấp của ngựa đua. Nhưng sau khi quân của Tài “ngạnh” mua về để làm độ cho ván đua thì bất ngờ Lã Bố chạy thần tốc và thắng trận. 
Nhận thấy khả năng tiềm tàng bên trong thân hình bé nhỏ xấu xí của Lã Bố, các huấn luyện viên của Tài “ngạnh” đã rèn rũa huấn luyện Lã Bố trở thành con ngựa đua bách chiến bách thắng. Trong khoảng thời gian những năm 1992 đến 1994, Lữ Bố làm mưa làm gió trên trường đua Phú Thọ. 
Giá trị của nó cũng vì thế mà tăng vùn vụt, mới đầu Tài Ngạnh mua nó với giá chỉ 1,2 triệu đồng nhưng khi đã nổi tiếng, có người Hoa gạ đổi cả 3 tiệm tắm hơi mặt phố ở Sài Gòn mà Tài “ngạnh” không đồng ý. Với những chú ngựa đồng hạng, Lữ Bố thắng ở mọi cuộc đua nó tham gia, trừ những kèo lớn có bàn tay sắp xếp của Tài “ngạnh” Lữ Bố đành không được phép thắng. 
Vì là ngựa của đại gia Tài “ngạnh” nên Lữ Bố rất nổi tiếng trong giới ngựa đua của người Hoa. Không ít thương gia ở Hồng Kông đã liên lạc với Tài “ngạnh” để muốn được sở hữu Lữ Bố. Trước số tiền trả khổng lồ, Tài “ngạnh” khó mà chối từ nhưng gã tham lam và gian trá nhận lời bán ngựa cho 5-7 người cùng một lúc. Tiền thì đã nhận đủ nhưng những chủ ngựa thì vẫn gửi ngựa cho Tài “ngạnh” nuôi chờ ngày về Việt Nam nhận. 
Để chuyện lừa đảo của mình không bị lộ tẩy trong khi số tiền đã nhận là quá lớn, Tài “ngạnh” nghĩ ra một kế đó là tiêm thuốc độc giết chết Lữ Bố rồi thông báo rằng ngựa bị bệnh qua đời. Các chủ ngựa ai cũng thương tiếc chú ngựa mình đã bỏ tiền ra mua mà chưa được một lần sở hữu nên đã chôn cất và xây mộ rất hoành tráng cho Lữ Bố. Thậm chí còn cử cả người trông giữ sợ có kẻ đến đào trộm. 
Vang bóng một thời
Do những tiêu cực và hệ lụy xã hội không khắc phục được nên trường đua Phú Thọ bị cấm hoạt động từ năm 2011. Dẹp được những vấn nạn xã hội nhưng cũng từ đó những người nuôi ngựa đua chân chính rơi vào cảnh lao đao, thất nghiệp. Cả cơ nghiệp trông vào đàn ngựa đua, hàng trăm con ngựa giống, ngựa đua có trị giá trăm triệu đồng bỗng dưng thất sủng. Con thì bị người nuôi bán giá giết thịt, con thì bán làm phu xe kéo. 
Một số gia đình vì quá yêu nghề nên cố giữ trong chuồng những con ngựa đẹp nhất, không có thu nhập nào ngoài nghề chăn nuôi ngựa, có khi họ cắn răng san sẻ bữa ăn với ngựa nhưng chi phí ngày càng đội giá, cuộc sống khó khăn khiến những chú ngựa đua ngày càng thảm hại đến mức đổ bệnh phải bán giết thịt bằng giá thấp cả chục lần. Có những con ngựa từng tung vó trên trường đua Phú Thọ làm say mê hàng ngàn người hâm mộ có giá cả vài trăm triệu đồng thì nay đã bị giết hết. 
Ông Baudron cũng là một người yêu ngựa đầy nhiệt huyết, có gia đình, một cơ ngơi sung túc ở Pháp nhưng mỗi năm ông vẫn về Việt Nam sống cảnh xa gia đình, ăn cơm bụi để thõa mãn niềm yêu thích với ngựa đua. Gắng gượng lắm, ở thời kỳ thoái trào ông Braudron mới giữ 9 con ngựa đua đều nổi tiếng một thời, đặc biệt trong đó có con Nobel và con Saphiar đều là dòng dõi của những con ngựa đua do nữ hoàng Anh tặng cho Việt Nam vào năm 1993.
Trường hợp của ông Năm Gò Công cũng vậy, cả đời gắn bó với nghề đua ngựa. Bao nhiêu tâm trí, tiền của ông Năm đều dành hết cho đàn ngựa của mình. Vì quá ham mê ngựa đua, ông Năm chấp nhận dựng lều sống cùng gia đình trong nghĩa trang để được ăn ngủ cùng đàn ngựa. Nhưng nhìn đàn ngựa ngày càng teo tóp, ông Năm cũng như những người nuôi ngựa không khỏi xót xa.
Tâm sự về nghề nuôi ngựa đua hiện nay, ông Baudron bùi ngùi: “Hiện nay số ngựa đua ở Việt Nam đã bị làm thịt gần hết vì những người chủ của nó không đủ kinh phí nuôi. Còn những người có thể duy trì việc nuôi ngựa thì cũng không biết mình sẽ gắn bó với ngựa đến lúc nào nữa. Vì vậy, nếu chúng ta không sớm khơi dậy môn thể thao đua ngựa, tôi sợ trong thời gian tới những con ngựa đua ở Việt Nam sẽ không còn...”.
Là lá cờ đầu trong việc cố gắng khôi phục và giữ nghề nuôi ngựa đua, ông Baudron đứng ra tập hợp những người còn đam mê với nghề nuôi ngựa trong vùng để xin phép thành lập “Hội thể dục thể thao ngựa đua”. “Những con ngựa đua đều thuộc dòng giống cao quý, chúng sinh ra để tung vó kiêu hãnh. Giá trị của nó nằm ở những lần vươn lên giành chiến thắng, là tinh thần nó mang lại chứ không chỉ là thân xác nó. Vì vậy, chúng ta hãy để những chú ngựa đua được sớm trở lại trường đua thực sự chứ đừng bắt nó phải biến thành thịt, thành cao, xót xa lắm”, ông Baudron tâm sự.
Mơ về một ngày vó ngựa lại được cất chạy trên đường đua vẫn còn là một ẩn số không biết khi nào có câu trả lời khi mà những cố gắng của ông Baudron cùng những “chiến hữu” khôi phục nghề đua ngựa dường như vẫn chưa có tín hiệu khả quan...