Những chuyến du hành của tiền nhân

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Không phải chỉ có thế hệ trẻ ngày nay mới thích thú và tạo ra trào lưu “đi phượt”. Thực tế, từ xa xưa, không ít các nhà nho, các bậc chí sĩ đã say mê với hành trình phiêu lưu, khám phá cảnh vật, phong tục mọi miền đất nước và những vùng đất ngoài biên giới. Điều này được thể hiện trong những tác phẩm văn học, đặc biệt là các sách du kí của người xưa.

Vẻ đẹp non sông gấm vóc Việt trên bước chân tiền nhân

Du kí là một thể loại không phổ biến lắm trong kho tàng văn học Việt Nam, nhưng vẫn có nhiều tác phẩm để lại dấu ấn đặc biệt. Những tác phẩm du kí ấy chính là tư liệu quý báu để giúp thế hệ sau này có thể hiểu thêm về các bậc tiền nhân, khám phá về thổ nhưỡng, phong tục tập quán đất nước trong những giai đoạn lịch sử nhất định.

Một trong những quyển du kí nổi tiếng hàng đầu trong sử sách Việt lại không thuộc về tác gia văn chương, mà được ghi chép bởi vị thầy thuốc nổi tiếng, danh y Lê Hữu Trác - Hải Thượng Lãn Ông, chính là tác phẩm “Thượng kinh kí sự”.

“Thượng kinh ký sự” được viết vào thập niên 80 của thế kỷ XVIII (năm 1781) – một giai đoạn rối ren của triều đình phong kiến Lê Trịnh trước khi Vua Quang Trung tiến quân ra Bắc Hà. Trong tác phẩm, danh y Lê Hữu Trác đã ghi chép lại cuộc hành trình từ Nghệ Tĩnh về Thăng Long để chữa bệnh cho Chúa Trịnh.

Quyển ký sự ghi lại một cách chân thật những khung cảnh, cảnh vật, lối sống... của từ nhân dân đến tầng lớp quý tộc mà vị danh y đã được chứng kiến. Cạnh đó, quyển sách còn là những tư liệu vô giá ghi lại trung thực cảnh sống đối nghịch giữa một bên là lầu son gác tía của cung vua phủ chúa, một bên là nhân dân đói kém, lầm than.

Mỗi một quang cảnh, một sự việc không chỉ được phản ánh đơn thuần, mà thông quá đó, người ta còn thấy được nỗi niềm, tâm tư của một vị danh y, người tự xưng là “Lãn Ông”, thờ ơ với thế sự, chán ghét quyền lực, luôn muốn trở về với thiên nhiên, nhưng lại đau đáu xót thương cho phận dân lầm than, khốn khổ.

Học giả Trương Vĩnh Kí cũng là một trong những nho sĩ nổi danh với những chuyến đi được thể hiện qua bút kí. Tập du ký chữ Quốc ngữ Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi (1876) - Nhà hàng Ghilăng và Mactinông (Guiland et Martinon) xuất bản (Sài Gòn, 1881, 32 trang). Đây là tác phẩm hiếm hoi viết bằng chữ Quốc ngữ ngay từ giai đoạn cuối thế kỷ XIX.

Tập ký ghi chép lại khá nhiều tư liệu về Hà Nội một thuở với những cảnh hồ Hoàn Gươm - Hoàn Kiếm, điện Kính Thiên, Văn Miếu, hồ Tây, chùa Một Cột, Trấn Võ; những đặc điểm về văn hoá như phong tục ngày tết, lễ hội, nghệ thuật ẩm thực; những đặc điểm về kinh tế - điều kiện tự nhiên như chế độ hộ khẩu, ruộng đất, đền miếu, quán chợ, thành trì, cầu cống, thổ sản…

Điện Kính thiên được học giả Trương Vĩnh Kí miêu tả đầy tâm đắc.

Điện Kính thiên được học giả Trương Vĩnh Kí miêu tả đầy tâm đắc.

Hành trình của Trương Vĩnh Kí được ghi chép lại rất thú vị. Ông xuống tàu từ Nam Kỳ, tàu đến cửa Cần Giờ, chạy ra Mũi Né, dọc dài đến Cửa Hàn (Đà Nẵng) sau đó đến đảo Cát Bà ông chuyển tàu về Hải Phòng, đi thuyền lên Hải Dương. Học giả dừng lại nghỉ ngơi, thăm thú Hải Dương vài ngày, sau đó chuyển sang võng cáng đường bộ về Hà Nội.

Là người miền Nam lần đầu tiên ra đất Bắc, đặc biệt lại được thăm thú cảnh đẹp kinh đô ngàn năm văn hiến, Trương Vĩnh Kí không khỏi choáng ngợp, ngỡ ngàng trước những bản sắc văn hóa tuyệt đẹp hơn đây. Có một đoạn ông miêu tả đền Kính Thiên và Cột Cờ thể hiện tâm thái ấy: “Trước hết vô hoàng thành cũ. Lọt khỏi Ngũ môn lâu, lên đến Kính Thiên. Đền ấy nền cao lắm, có 9 bậc xây đá Thanh, hai bên có hai con rồng cũng đá lộn đầu xuống. Cột đền lớn trót ôm, tinh những là gỗ lim cả. Ngó ra đàng sau còn thấy một hai cung điện cũ chỗ Vua Lê ở thuở xưa, bây giờ hư tệ còn tích lại đó mà thôi.

Ra ngoài cửa Ngũ môn lâu, thẳng ra cửa Nam, có cột cờ cao quá xây bằng gạch, có thang khu ốc trong ruột nó mà lên cho tới trên chót vót. Leo lên thôi đã mỏi chơn mỏi cẳng. Ra tại chuồng cu đứng ngó mông, thấy núi non xa gần, ngắm nhìn chót núi Tản Viên. Không dám ngó xuống, vì ngợp lắm. Một bận đi xuống cũng hết hơi”...

Ngoài ra, còn nhiều tác phẩm khác thể hiện những ghi nhận, những cảm xúc của các bậc nho sĩ ngày xưa trước vẻ đẹp của non sông gấm vóc, như “Bài ký tháp Linh Tế núi Dục Thúy” của Trương Hán Siêu, “Tang thương ngẫu lục” (tập ký bằng chữ Hán do đôi bạn thân là Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án thực hiện), Vũ trung tùy bút (Phạm Đình Hổ)... Ngoài ra còn có những bài thơ, phú miêu tả cảnh non sông gấm vóc trên đường du hành như “Bài ca Côn Sơn” (Nguyễn Trãi), “Đại Đồng phong cảnh phú” (Nguyễn Hàng)...

Đi để thêm yêu nước, thương dân

Quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc thời trung đại qui định một loại nhân vật đặc biệt gọi là sứ thần. Các chuyến đi của họ thường gọi là đi Bắc sứ. Với những sứ thần nước ta đi sứ, việc bước ra khỏi biên giới đất nước là một cơ hội để mở mang tầm mắt. Tuy nhiên, hành trình đi sứ cũng lắm nỗi vất vả, gian nan và thường trực nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương, đất nước.

Tượng đại thi hào Nguyễn Du.

Tượng đại thi hào Nguyễn Du.

Một trong những tác phẩm nổi tiếng ra đời từ các chuyến đi sứ đó là “Bắc hành tạp lục” (Ghi chép tản mạn trên đường đi sứ phương Bắc) của đại thi hào Nguyễn Du. Tập thơ bao gồm 131 bài thơ chữ Hán do Nguyễn Du sáng tác trong khoảng thời gian ông dẫn đầu đoàn sứ bộ nhà Nguyễn sang Trung Quốc từ đầu năm Quý Dậu 1813 đến đầu năm Giáp Tuất 1814, với mở đầu bài Long thành cầm giả ca (Bài ca về người gảy đàn ở Thăng Long) được viết khi ông trở ra Thăng Long để lên đường sang Trung Quốc và bài cuối là Chu phát (huyền ra đi) được làm khi đoàn sứ bộ về đến Vũ Xương (Hồ Bắc, Trung Quốc).

Trong tạp lục, Nguyễn Du dành một phần để mô tả cảnh vật từ Thăng Long đến ải Nam Quan, những cảm hứng nảy sinh, những điều tai nghe mắt thấy trên từng chặng đường đi. Cạnh đó là hành trình thăm thú các di tích của nhân vật lịch sử Trung Quốc, bật thốt lên những cảm xúc về thế sự...

Ngoài ra còn có Bắc sứ thông lục của Lê Quí Đôn (1726-1784), Bắc hành tùng ký của Lê Quýnh, Sứ Bắc kỷ sự (chuyến đi sứ năm 1737) của Lê Hữu Kiều...

Đến giữa thế kỷ XIX, nhà Nguyễn phái một số nhà nho sang vùng Đông Nam Á với mục đích mua hàng hóa, tìm hiểu tình hình người Tây dương. Từ đây, những nhà nho lên đường và kể lại chuyến đi của mình trong các quyển du kí. Có thể kể đến “Tây hành kiến văn kỷ lược” của Lý Văn Phức (1785-1849), “Hải trình chí lược” của Phan Huy Chú (1782-1840)... Trong những quyển kí này không chỉ nói về phong cảnh đẹp và lạ mắt nước bạn, mà còn chứa đựng những tư liệu lịch sử - địa lý - văn hóa rất quý báu về các quốc gia khác, mở đường cho sự du nhập văn hóa nước ngoài vào Việt Nam.

Một quyển kí sự khá quan trọng trong kho tàng du kí nước ta là “Tây hành nhật ký” do Phạm Phú Thứ viết. Quyển du kí được ra đời trong bối cảnh cuối thế kỷ XIX, Việt Nam đã dần trở thành thuộc địa của Pháp, bang giao hai nước đòi hỏi cử sứ thần sang Pháp nên nhà Nguyễn đã cho một số đoàn đi sứ. Quyển sách được theo hình thức nhật ký, kể tuần tự các công việc, các sự vụ, các chuyến thăm thú, gặp gỡ ở Pháp, phong cảnh đất nước, phong tục tập quán nước bạn... Đây là một tài liệu có giá trị trong nhiều khía cạnh.

Thật may mắn khi những hành trình của người xưa đã được ghi chép lại trọn vẹn qua những quyển du kí, những tác phẩm văn học đầy giá trị. Đọc những bài viết, những dòng chữ ấy, thế hệ mai sau không chỉ cảm nhận được sự rung động trước vẻ đẹp của thiên nhiên, của núi sông gấm vóc, mà còn có thêm những hiểu biết về phong tục, tập quán, văn hóa từng địa phương, hiểu được nỗi niềm, tâm tư, tấc lòng son của tiền nhân trên những chuyến đi.

Các bậc nho sĩ, chí sĩ đi không chỉ để mở rộng tầm mắt mà còn để mở rộng tấm lòng. Đi để hiểu và thêm yêu dân mình, thêm yêu nước mình, từ đó dùng tài năng để đóng góp, dựng xây đất nước. Những hành trình du kí ấy rất đáng để thế hệ mai sau tìm về, học hỏi, tiếp bước.

Đọc thêm