Từ ngôn ngữ “chẳng ai hiểu nổi”…
Đầu tiên phải nhắc đến cuốn bách khoa toàn thư kỳ lạ nhất trên thế giới “Codex Seraphinianus”, được viết và minh hoạ bởi kiến trúc sư người Ý Luigi Serafini, xuất bản vào năm 1981. Tác giả khẳng định rằng ông đã trình bày nó như một công trình khoa học thực tế. Toàn bộ cuốn sách được viết tay và các hình minh họa đều được vẽ và tô màu bởi chính Serafini trong 2 năm. Tuy nhiên rất nhiều học giả đã mất hàng thập kỷ để cố gắng giải mã cuốn sách này đều đi đến cùng một kết luận cuốn sách được viết “bằng một loại ngôn ngữ mà không ai hiểu được và chứa các hình minh hoạ về nhưng điều siêu thực, bất khả tri”. Nhiều học giả còn đi xa hơn khi chỉ trích “cuốn sách này có thể là bất cứ thứ gì trừ… khoa học”. Ngôn ngữ trong cuốn sách được viết bằng một hệ chữ viết có khoảng 24 ký tự và “không liên quan gì đến những ngôn ngữ con người đã tạo ra”. Điều duy nhất mà các học giả có thể tìm ra được là chữ “Seraphinianus” chỉ là một biến thể của tên tác giả “Serafini”.
Tiếp theo là một cuốn sách có thể khiến bạn đọc bị ám ảnh bởi chữ cái “e”. Đó chính là “Gadsby” (1939) – một cuốn tiểu thuyết dài khoảng 50.000 từ của nhà văn người Mỹ Ernest Vincent Wright. Trái ngược với bìa sách gây ấn tượng mạnh vào mắt chúng ta bằng vòng xoáy được tạo thành bởi rất nhiều chữ cái “e” thì trong cuốn sách này, tác giả lại không sử dụng một chữ “e” nào. Điều này đã thách thức rất nhiều bạn đọc tò mò rằng cuốn sách sẽ diễn biến như thế nào, thậm chí cố gắng “căng mắt” tìm chữ cái “e” trong từng trang sách để chứng minh khẳng định trên là sai. Với cốt truyện tương đối đơn giản: chàng trai tên John Gadsby dẫn đầu một nhóm thanh niên hồi hương, việc tác giả lựa bỏ chữ “e” xuyên suốt cả tác phẩm tạo ra một số lựa chọn từ vựng thực sự kỳ lạ. Đơn cử khi Wright phải mô tả một đám cưới mà không sử dụng các từ “wedding” (đám cưới), “married” (kết hôn), “bride” (cô dâu), hay “marriage” (hôn nhân)… vậy.
Không ai biết cuốn sách này viết bằng ngôn ngữ gì, của ai. |
Một cuốn sách khác cũng có khả năng “thử thách” sự kiên nhẫn của các bạn đọc về mức độ ám ảnh từ vựng của tác giả. Đó chính là cuốn tiểu thuyết lịch sử “Alphabetical Africa” (1974) của nhà văn người Mỹ gốc Áo Walter Abish. Chương đầu tiên của cuốn sách chỉ sử dụng những từ bắt đầu bằng chữ cái “a” và tất nhiên bạn đọc cũng có thể dễ dàng suy ra được quy luật. Chương 2 gồm các từ bắt đầu với “a” và “b”, chương 3 bổ sung thêm các từ với chữ cái “c”, v..v cho đến chương 26 của chữ cái “z”. Tuy nhiên, kể từ chương 27, quy luật nêu trên lại đổi chiều, tức là mỗi chương sau đó sẽ lần lượt bỏ các từ bắt đầu bằng chữ cái “z”, “y”, “x”, … cho đến chương 52 sẽ chỉ còn lại các từ bắt đầu với chữ “a” một lần nữa. Nhiều bạn đọc đã bình luận về trải nghiệm “khó tả” khi đọc cuốn sách này: “Một bài tập làm văn thú vị - chắc chắn rồi”, “cốt truyện hấp dẫn ư, tất cả những gì tôi đọc được là một đám người có tên “A” lang thang khắp châu Phi và rồi họ đi xa hơn nữa, cho đến khi tôi mất khả năng hiểu chuyện gì đang xảy ra nữa”…
Nếu nói đến những cuốn sách được viết bằng thứ ngôn ngữ khó hiểu nhất của nhân loại, chắc chắn phải kể đến “The Voynich Manuscript” (Bản thảo Voynich). Không ai biết nó được viết bằng ngôn ngữ gì, viết bởi ai và viết về cái gì. Bên cạnh sử dụng thứ ngôn ngữ chưa từng được ghi nhận trước đó trong lịch sử nhân loại, cuốn sách còn kèm theo nhiều hình vẽ nguệch ngoạc về hoa cỏ. Bằng cách tính tuổi bằng cacbon phóng xạ, người ta xác định rằng bản thảo Voynich xuất hiện vào khoảng đầu thế kỷ 15 và có thể đã được viết ở miền Bắc nước Ý trong thời kỳ Phục hưng. Tên bản thảo được đặt theo tên của Wilfrid Voynich – một nhà buôn sách người Ba Lan đã mua bản thảo này vào năm 1912.
Toàn bộ bản thảo được viết trên giấy da bê, hiện vẫn còn hơn 240 trang sách được lưu lại tại thư viện Beinecke của Đại học Yale (Mỹ) mà người ta có thể truy cập miễn phí vào phiên bản scan trên website của thư viện này. Đáng nói, đã có nhiều nhà mật mã chuyên nghiệp và nghiệp dư cố gắng giải mã cuốn sách này nhưng họ vẫn chỉ “vò đầu bứt tai” mà thôi. Bên cạnh đó, có hàng loạt giả thiết về bản thảo Voynich “trôi nổi” khắp nơi: Một hướng dẫn thời trung cổ về các loại dược liệu? Một cuốn sách phép thuật? Một trò lừa bịp? Phiên bản cổ xưa nào đó của truyện cổ tích dành cho trẻ em?.
Sau cùng cũng phải nhắc đến một cuốn tiểu thuyết không kém phần “xoắn não” của “bậc thầy ngôn ngữ”, tiểu thuyết gia, nhà thơ, nhà phê bình văn học người Ai-len James Joyce – ông nổi tiếng nhất với tiểu thuyết Ulysses (1922). Tuy nhiên, nhiều người hâm mộ Joyce sẽ khó thể tìm được sự đồng cảm trong cuốn tiểu thuyết “Finnegan’s Wake” (1993) của ông. Bên cạnh nhiều ý kiến cho rằng đây là một trong những tác phẩm “đỉnh cao nhất của nền văn minh nhân loại” thì nhiều bạn đọc khác chỉ có thể khẳng định “đã trải qua vài trăm trang vô nghĩa” với “một mớ hỗn độn các thứ ngôn ngữ khác nhau ở các cấp độ logic khác nhau”. Theo nhà văn Đặng Thân, một người Việt Nam rất am hiểu James Joyce từng chia sẻ: “Tác phẩm này từ bỏ tất cả những quy ước về xây dựng cốt truyện và nhân vật, được viết bằng một ngôn ngữ tối tăm và lập dị dựa trên những lối chơi chữ đa tầng vô cùng phức tạp”. Sau đây là một câu chỉ để minh chứng cho độ “hack” não của cuốn sách với bất kỳ độc giả hay dịch giả nào: “Bababadalgharaghtakamminarronnkonnbronntonnerronntuonnthunntrovarrhounawnskawntoohoohoordenenthurnuk!”
Finnegan’s Wake của James Joyce là cuốn sách không phải ai cũng “thẩm” được. |
… Đến “thách thức” mọi quy luật văn chương đương đại
Dù không phải là những siêu phẩm kinh điển đã thách thức khả năng đọc – hiểu của tất cả độc giả như đã nhắc tới trên đây, nhưng nếu nhìn về hiện tại thì cũng có thể thấy nhiều tác giả đương đại đã và đang cố gắng “bẻ cong” hoặc “phá bỏ hoàn toàn” những quy tắc phổ biến trong văn học để đem đến một tác phẩm độc đáo theo một cách kỳ lạ. Có những cuốn sách dám “chơi” với hình thức và ngôn ngữ để tạo ra một dòng tiểu thuyết hoàn toàn mới, dám “thách thức” tư duy logic thông thường của bạn đọc.
Một ví dụ điển hình là cuốn sách “Why We Broke Up” (dịch: Tại sao chúng ta chia tay) của nhà văn người Mỹ Daniel Handler, và được minh họa bởi Maira Kalman. Hai nhân vật trong truyện, Min Green và Ed Slaterton, đã chia tay. Tất cả những gì còn lại trong mối quan hệ của họ là một chiếc hộp, bên trong đó cũng là lý do khiến họ chia tay, bao gồm nắp chai, que diêm, thước đo góc và nhiều đồ vật có ý nghĩa quan trọng khác. Nhiều bạn đọc đã nhận xét đây là “một câu chuyện kỳ quặc, hài hước, chân thành về tình yêu và sự mất mát nhưng được kể thông qua những loại vật dụng ít ngờ tới nhất”.
“Hopscotch” (dịch: Nhảy lò cò) của Julio Cortázar lại đưa bạn đọc vào một cuộc phiêu lưu do chính họ chọn lựa. Điểm đặc biệt của cuốn tiểu thuyết này là người đọc có thể đọc theo bất kỳ thứ tự nào họ thích. Câu chuyện kể về Horacio Oliveira và cuộc phiêu lưu của anh ấy với tư cách một người bán hàng, người trông giữ một con mèo trong rạp xiếc và một nhân viên làm việc trong bệnh viện tâm thần. Cuộc hành trình của nhân vật này diễn ra như thế nào sẽ do chính độc giả tự chọn.
Một số cuốn sách dám “thách thức” các quy luật văn chương. |
Một cuốn tiểu thuyết thú vị khác chính là “If on a Winter’s Night a Traveller” (dịch: Vào một đêm mùa đông, một du khách) của Italo Calvino. Quả thực, độc giả sẽ đọc về một buổi đêm mùa đông và trong đó có một vị khách du lịch. Sau khi đọc xong chương một, tất nhiên bạn đọc sẽ tò mò về điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, nhưng… phần còn lại của cuốn sách lại bị “mất tích”. Những gì xảy ra tiếp theo là “một cuộc rượt đuổi kỳ lạ, ly kỳ” hay “một cuộc tìm kiếm vô tận cuốn sách mà bạn đang cố đọc”. Nhiều độc giả đã nhận xét đây là “một trong những cuốn tiểu thuyết độc đáo nhất đã từng xuất hiện”.
Kết thúc danh sách này sẽ là một cuốn sách thuộc thể loại rùng rợn, giật gân, viễn tưởng, đó chính là “From These Ashes” (dịch: Từ đống tro tàn) của Fredric Brown. Khác với bất kỳ nhà văn nào theo thể loại này, Fredric Brown nổi bật là “bậc thầy” của thể loại “viễn tưởng chớp nhoáng”, tức là ông có khả năng cô đọng nội dung của cả một cuốn tiểu thuyết của mình chỉ vỏn vẹn trong một trang giấy, những vẫn đảm bảo truyền tải đầy đủ những xúc cảm kỳ quái, ghê rợn cho bạn đọc. Nhiều độc giả của bộ truyện ngắn này đã mô tả bản thân “vừa cười vừa kinh hãi” trước những câu chuyển chỉ dài vài trang, vài đoạn văn hoặc chỉ vài câu.