Một trận đánh thần kỳ…
Sau khi chiếc máy bay B.52 cháy, 6 tên giặc lái, trong đó có 2 thiếu tá, 2 đại úy, 1 trung úy và 1 thượng sỹ, đã rơi xuống bầu trời Hà Nội (2 chết, còn 4 bị bắt sống).
Ngay sáng sớm 28/12, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có mặt tại hiện trường động viên, khen ngợi: “Đây là một trận đánh thắng B.52 của bộ đội tên lửa Việt Nam đặc biệt xuất sắc mà Tiểu đoàn 72, Trung đoàn 285 đã góp công lớn làm nên chiến thắng oai hùng đó”.
Chiến thắng kỳ diệu này được Đại tướng nhắc đi nhắc lại: “Đây là một trận đánh thần kỳ. Lần đầu tiên máy bay B.52 bị ta bắn rơi ngay giữa lòng Hà Nội, bắt giặc lái trên hè phố. Xuất sắc hơn nữa là chúng chưa kịp cắt bom gây tội ác”.
Sau khi bắn rơi B.52, tiểu đoàn được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng tặng một con bò để liên hoan. Trước khi liên hoan, cả đơn vị và đại biểu xã Đại Chu cùng cất cao bài ca chiến thắng.
Hiện nay, các bộ phận đang được dùng để triển lãm ở Bảo tàng B.52, Bảo tàng Phòng không - Không quân và hồ Hữu Tiệp là một phần của chiếc B.52 duy nhất bị bắn rơi tại chỗ khi chưa kịp cắt bom và là chiếc B.52 cuối cùng của Mỹ bị bắn rơi tại chỗ ở Việt Nam.
Chiến công này đã góp phần làm nên “Điện Biên Phủ trên không”, đưa số máy bay Trung đoàn 285 bắn rơi lên 143 chiếc, góp phần cùng quân và dân miền Bắc bắn rơi trên 4.100 máy bay.
Đầu năm 1973, khi Hiệp định Paris được ký kết thì các chiến sĩ trong kíp bắn rơi B.52 được cử đi học sỹ quan nhưng ai cũng muốn quay về học tiếp các chương trình đại học mà họ đang học dang dở nên vài người đã quay trở lại trường.
Họ mất liên lạc từ đó. Sau gần 20 năm mới nghĩ đến việc tìm lại nhau. Và hiện nay các cuộc họp của Tiểu đoàn được thực hiện hàng năm, tại Bảo tàng Phòng không - Không quân.
30 năm sau ngày đại thắng B.52, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong cuộc gặp kíp bắn rơi máy bay ngày 20/7/2002 đã ngay lập tức hỏi và bắt tay từng trắc thủ đã tham gia trận đánh lịch sử đêm 27/12/1972. Khuôn mặt Đại tướng rạng ngời, bắt tay từng trắc thủ và đề nghị chụp ảnh chung với trắc thủ.
Đại tướng lại tiếp tục khen ngợi: “Chiến công này đặc biệt xuất sắc vì các đồng chí đã bắn rơi được khi chiếc B.52 vẫn chưa kịp thả bom. Đây là chiếc B.52 duy nhất bị bắn rơi khi chưa kịp thực hiện điểm 2 (nhấn nút thả bom). Bắn được chiếc B.52 này là các đồng chí phải vừa kiên cường vừa thông minh, sáng tạo”.
Ông Nguyễn Đắc Chiêu cũng cho biết, trong những cuộc gặp mặt, nhiều người, thậm chí nhiều thủ trưởng các đơn vị, vẫn còn thắc mắc không hiểu tại sao lính bắn hải quân được tăng cường lên chiến đấu với lính không quân mà bắn giỏi thế.
“Ngay cả chúng tôi cũng không thể hiểu được tại sao” – ông Chiêu kết luận.
Cuộc tìm kiếm vẫn đang tiếp diễn…
Rất nhiều câu chuyện đã được kể xung quanh hồ Hữu Tiệp kể từ khi kíp bắn rơi B.52 tìm lại được nhau. Các đoàn làm phim cũng lần lượt về để nghe kể và dựng lại những thước phim lịch sử, giữ lại tư liệu quý giá cho con cháu đời sau.
Rất nhiều nhân chứng lịch sử chứng kiến thời khắc B.52 rơi xuống hồ Hữu Tiệp vẫn nhớ như in hình ảnh và âm thanh khi chiếc máy bay cắm mặt xuống hồ. Mỗi người khi nhắc lại thời khắc này đều khẳng định chiến công này đã cứu cả Hà Nội thoát khỏi một cuộc hủy diệt tàn bạo.
Trong câu chuyện, họ cho biết có một tốp người nước ngoài cũng đã qua hồ và hỏi han tung tích những người đã trực tiếp bắn rơi máy bay.
Chị Huyền bán trà đá ngay bên hồ Hữu Tiệp cho biết, cách đây khoảng 5-6 năm, có một tốp người nước ngoài đến hồ và nhờ tìm kiếm "những Việt Cộng đã bắn rơi chiếc máy bay này”.
Chị Huyền kể lại, họ tự xưng họ là những phi công đã lái chiếc B.52, đã sang đây vài lần, nhờ chị và mọi người xung quanh tìm hộ người bắn rơi chiếc máy bay đang hiện diện trong lòng hồ.
“Thời điểm ấy chưa có nhiều toán quay phim tìm đến nên chúng tôi cũng không biết chính xác ai là người bắn. Họ có gửi lại số điện thoại và mong muốn nếu tìm thấy làm ơn cho họ biết tin. Nhưng tôi nghĩ chắc không có manh mối gì nên đã không giữ được số điện thoại của họ”.
Những người đàn ông ấy cũng cho biết, họ cũng đã tìm hiểu qua các tư liệu và tại các bảo tàng nhưng cũng chỉ biết thông tin chung chung rằng đây là chiếc máy bay do quân dân Hà Nội bắn hạ.
“Chỉ gần đây chúng tôi mới biết chính xác những người đã bắn rơi chiếc máy bay khi rất nhiều đoàn đến quay phim và kể lại. Nhưng cũng lâu rồi không thấy toán người tự xưng là phi công Mỹ lái chiếc máy bay quay lại. Tôi thấy mình thật thiếu sót khi đã không giữ lại số điện thoại của họ” – chị Huyền nuối tiếc.
Ông Nguyễn Đức Toàn, nguyên Trung đội trưởng Phòng không, hiện ở làng Cao Hy, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ông là người đã chỉ huy và trực tiếp bắn rơi máy bay Mỹ, bắt sống viên phi công cuối cùng của Mỹ trên bầu trời Quảng Trị, vào đêm trước ngày ký Hiệp định Paris.
Ông Toàn cho biết, ông cũng nghe được thông tin về việc các cựu phi công Mỹ đi tìm kiếm ekip bắn rơi máy bay của họ vào đêm 27/12 trong một lần hội ngộ với các đồng đội, trong cuộc gặp mặt cựu chiến binh phòng không.
Với việc thường xuyên sang Mỹ nói chuyện tại các diễn đàn sinh viên về lịch sử cuộc chiến tranh ở Việt Nam và mối liên hệ gắn bó với Hội Cựu chiến binh Mỹ ở NewYork, ông Toàn đã lên tiếng ông sẽ là chiếc cầu nối để hai bên có thể gặp lại nhau.
Ông cho biết, ông chỉ lo lắng giờ những người phi công Mỹ ấy không còn nữa vì cũng đã vài năm kể từ ngày họ sang tận hồ Hữu Tiệp để tìm kiếm.
Lo lắng thế nhưng ông Toàn vẫn hy vọng mong manh vào một cuộc gặp có một không hai. Chắc hẳn cuộc gặp gỡ này (nếu nó xảy ra) sẽ lại là một cuộc gặp gỡ lịch sử. Ở đấy, các cựu chiến binh ở hai chiến tuyến sẽ cùng nhau đối mặt, kể lại và đo lại… tinh thần khi nói lại trận chiến hơn 40 năm trước.
Có lẽ chúng ta, ai cũng mong muốn sớm được chứng kiến cuộc gặp lại, để được nghe những người lái máy bay trên bầu trời Hà Nội kể lại giây phút họ bị bắn hạ như thế nào.
Một cuộc tìm kiếm chưa từng có vẫn đang diễn ra./.