Những "đại sứ" lan tỏa vẻ đẹp An Nhơn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới, đời sống, thu nhập người dân không ngừng nâng lên, -  những "đại sứ" đặc biệt đang góp phần làm đổi mới, lan tỏa vẻ đẹp của thị xã An Nhơn - Bình Định.

Sản phẩm OCOP - những "đại sứ" của làng nghề truyền thống An Nhơn

Phải thừa nhận, Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu địa phương, góp phần bảo tồn và phát huy làng nghề truyền thống, giá trị văn hóa để phát triển kinh tế địa phương của thị xã An Nhơn (Bình Định).

Xu hướng sản phẩm OCOP gắn với mô hình du lịch cộng đồng cũng đã giúp cho nhiều địa phương quy hoạch được các vùng nguyên liệu đặc sản, phát triển các ngành nghề nông thôn, nhất là các làng nghề truyền thống.

Các sản phẩm OCOP mang vai trò như một "đại sứ" chuyển tải những câu chuyện mang tính nhân văn, lịch sử của vùng, miền nhất là ở các xã, phường làng nghề Truyền thống như Nhơn Lộc, Nhơn Hậu, Nhơn An, Nhơn Thành ….

Đến nay, An Nhơn có 46 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP (trong đó sản phẩm đạt hạng OCOP 3 sao có 35; sản phẩm đạt hạng OCOP 4 sao có 11 sản phẩm) của 36 chủ thể. Xét về quy định Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP còn thời hạn, có 41 sản phẩm (trong đó sản phẩm đạt hạng OCOP 3 sao có 32 sản phẩm; sản phẩm đạt hạng OCOP 4 sao có 9 sản phẩm).

Cây mai cảnh An Nhơn là một trong số các sản phẩm đạt hạng OCOP 4 sao của tỉnh Bình Định

Cây mai cảnh An Nhơn là một trong số các sản phẩm đạt hạng OCOP 4 sao của tỉnh Bình Định

Xuyên suốt từ năm 2021 đến nay, UBND thị xã An Nhơn đã tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo các phòng, cơ quan, đơn vị và các xã, phường tập trung thực hiện 19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao cũng như Chương trình OCOP, qua đó đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Theo đó, đến hết tháng 6/2024, Kinh tế - xã hội khu vực nông thôn của địa phương không ngừng phát triển, nổi bật là hệ thống đường giao thông, trường học, các thiết chế Văn hóa - Thể thao cơ sở... tạo ra diện mạo mới khu vực nông thôn.

Một góc Thị xã An Nhơn

Một góc Thị xã An Nhơn

Cơ cấu kinh tế nông thôn cũng chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ, nâng cao chất lượng - hiệu quả sản xuất, nhất là các sản phẩm thế mạnh của địa phương (lúa gạo, gia súc, gia cầm, rau, hoa các loại…).

Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, tái cơ cấu ngành nông nghiệp đang đi đúng hướng, một số cây trồng, vật nuôi chuyển đổi có hiệu quả cao như: Mai cảnh, liên kết sản xuất lúa giống, rau an toàn, gia súc gia cầm, bò thịt chất lượng cao, trồng nấm ... gắn với phát triển Chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập người dân.

Tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới

Được biết, qua báo cáo của các xã và đánh giá dự ước, đến 6 tháng đầu năm 2024, các xã trên địa bàn Thị xã An Nhơn đã đạt được 172/190 tiêu chí, đạt tỷ lệ 90,53%; tương ứng với 710/745 chỉ tiêu (tỷ lệ 95,3%). Trong đó, có 5 xã đạt 19/19 tiêu chí là: Xã Nhơn An, xã Nhơn Lộc, xã Nhơn Phong, xã Nhơn Khánh và xã Nhơn Tân (xã Nhơn Tân vừa được các sở ngành thẩm định hồ sơ trình UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023); các xã còn lại có tỷ lệ đạt các tiêu chí Bộ tiêu chí NTM nâng cao như sau: Xã Nhơn Hạnh đạt 12/19; xã Nhơn Hậu đạt 17/19; xã Nhơn Mỹ đạt 12/19; xã Nhơn Phúc đạt 18/19; xã Nhơn Thọ đạt 18/19 tiêu chí.

Thị xã An Nhơn đang hướng tới mục tiêu nâng cấp lên thành phố vào năm 2025

Thị xã An Nhơn đang hướng tới mục tiêu nâng cấp lên thành phố vào năm 2025

Theo kế hoạch 6 tháng cuối năm 2024, UBND Thị xã An Nhơn đặt mục tiêu các xã Nhơn Hạnh và xã Nhơn Mỹ tập trung nỗ lực hoàn thành 100% các tiêu chí, phấn đấu xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2024. Đối với các xã Nhơn An, Nhơn Lộc, Nhơn Khánh và Nhơn Tân trước đó đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao thì tiếp tục duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt, để làm điểm nhân rộng cho các xã khác, đồng thời xã Nhơn Tân tiếp tục xây dựng xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu năm 2025.

Đồng thời tham mưu UBND thị xã củng cố, nâng cấp sản phẩm đã được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Phối hợp nguồn vốn khoa học công nghệ hỗ trợ 10 sản phẩm OCOP xây dựng mã số mã vạch hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở xây dựng hoàn thiện hồ sơ sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP, trong tháng 9/2024.

Theo ông Lê Thanh Tùng Chủ tịch UBND thị xã An Nhơn chia sẻ: Để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả triển khai các Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và mỗi xã một sản phẩm OCOP, thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao các tiêu chí NTM nâng cao, phát triển cơ sở hạ tầng bê tông hóa đường giao thông; phát triển sản xuất phù hợp gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; xây dựng và nhân rộng các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả; mô hình liên kết giữa nông hộ với doanh nghiệp và các đối tác kinh tế khác gắn với phát triển Chương trình OCOP.

Ông Lê Thanh Tùng tại buổi làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn về triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024. Nguồn: Cổng TTĐT tỉnh Bình Định

Ông Lê Thanh Tùng tại buổi làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn về triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024. Nguồn: Cổng TTĐT tỉnh Bình Định

Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn; chú trọng đào tạo nghề theo các dự án, mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả; Xây dựng cảnh quan - môi trường “sáng – xanh – sạch – đẹp”; cũng như xây dựng đời sống văn hóa nông thôn và hoàn thiện cơ sở vật chất văn hóa, thể thao thiết thực với người dân, tạo điều kiện để phát triển các hoạt động văn hóa - văn nghệ; thể dục - thể thao.

Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình ở các cấp, các ngành cũng như tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thường niên; Kiểm tra, giám sát việc duy trì điều kiện sản xuất của các chủ thể và chất lượng sản phẩm OCOP sau khi được đánh giá, công nhận.

Đọc thêm