Thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm 2022 đến nay cho thấy cả nước đã ghi nhận hơn 5.500 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có một trường hợp tử vong tại Bình Thuận. Tay chân miệng thường bùng phát mạnh vào gian đoạn tháng 3-5 và tháng 9-11 bởi đây là thời điểm giao mùa, thuận lợi cho virus phát triển.
Tại Hà Nội, cộng dồn từ đầu năm 2022 cho đến nay, Hà Nội có 175 ca mắc tay chân miệng và đang có dấu hiệu tăng lên.
Theo các chuyên gia, tay chân miệng thường bùng phát vào thời điểm từ tháng 3 đến tháng 5 nên hiện tại đang vào giai đoạn đỉnh dịch, riêng tại Khoa hồi sức tích cực Nhi, bệnh viện Đa khoa Đức Giang, số bệnh nhi mắc tăng đột biến trong 2 tuần trở lại đây. ThS.Bs Hoàng Văn Kết, Trưởng khoa Hồi sức tích cực nhi, Bệnh viện đa khoa Đức Giang, trong 2 tuần trở lại đây trẻ đi học lại cho nên là số ca mắc tay chân miệng cũng gia tăng theo.
Chị Hoàng Thu Hương, quận Long Biên, TP Hà Nội, một trong những phụ huynh có con mắc tay chân miệng cho hay, khi thấy con có biểu hiện sốt, nổi các nốt mọng nước ở lòng bàn tay, chân, ngay ngày thứ 2, chị đã đưa con đến bệnh viện đa khoa Đức Giang thăm khám và bé được chẩn đoán mắc tay chân miệng, tuy nhiên bệnh tiến triển khá nhanh, bệnh nhi thậm chí bị biến chứng vào phổi, các bác sĩ đã phải điều trị tăng cường, đến nay sau 7 ngày, bé đã đỡ hơn.
“Ngày thứ 3 thì bé bắt đầu nổi nốt đầy người , sốt thì cao toàn trên 39 độ không hạ, bác sĩ cho uống thuốc điều trị thì đến nay bé đã đỡ mệt hơn, chơi được và cũng hạ sốt dần”, chị Hương chia sẻ.
Chị Huệ cũng trú tại quận Long Biên, TP Hà Nội cho hay, con của chị cũng nhập viện trong tình trạng sốt cao, nổi nhiều nốt mọng nước và loét họng. Sau 9 ngày điều trị tại bệnh viện, tình trạng đang thuyên giảm dần.
“Tôi thấy con nổi nhiều nốt lắm, nó ngứa nó quấy rồi bỏ ăn, đến nay thì cũng đỡ hơn, sắp được ra viện, nguồn lây là từ chị gái đi học mẫu giáo, chị cũng bị lây ở lớp”, chị Huệ nói.
|
ThS.Bs Hoàng Văn Kết, Trưởng khoa Hồi sức tích cực nhi, Bệnh viện đa khoa Đức Giang. |
Theo bác sĩ Kết, mặc dù tay chân miệng là bệnh lành tính tuy nhiên nếu chủ quan bệnh cũng có thể dễ chuyển biến nặng và để lại nhiều biến chứng như viêm não - viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, nguy cơ dẫn đến tử vong. Do đó, phụ huynh cần theo dõi các dấu hiệu của trẻ để kịp thời xử lý.
“Trẻ mà sốt nhẹ và nổi một vài nốt thì có thể cho trẻ ở nhà, tuy nhiên nếu có những dấu hiệu sau thì phải đưa trẻ nhập viện ngay để được điều trị theo phác đồ: sốt cao, nổi các nốt dày đặc, tự nhiên giật mình. Giai đoạn toàn phát là sau 3-5 ngày nên phụ huynh cần theo dõi con chặt chẽ để đưa đến cơ sở y tế kịp thời”, bác sĩ Kết cho biết.
Để phòng tránh căn bệnh tay chân miệng, bác sĩ Kết khuyến cáo: “Hiện tại cũng chưa ghi nhận tỷ lệ các ca nặng tăng cao bất thường so với mọi năm, nhưng nếu dịch bùng phát mạnh, số ca mắc tăng nhanh cũng sẽ gây khó khăn trong việc thu dung điều trị, và nguy cơ dịch chồng dịch bởi thời điểm giao mùa thích hợp cho các loại virus phát triển. Vì vậy các bậc phụ huynh cần tăng cường đề kháng cho trẻ, giữ vệ sinh môi trường xung quanh trẻ như nơi ở, lớp học”.