Những điểm du lịch đang “mất đi” bởi biến đổi khí hậu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Nhiều điểm đến nổi tiếng trên thế giới đang phải hứng chịu hậu quả nghiêm trọng bởi những hiện tượng khí hậu khắc nghiệt, thậm chí đối mặt với nguy cơ biến mất hoàn toàn.
Nhiều điểm đến đang hứng chịu tác động thảm khốc của biến đổi khí hậu.
Nhiều điểm đến đang hứng chịu tác động thảm khốc của biến đổi khí hậu.

Rặng san hô bị tổn thương và tẩy trắng

Trải dài hơn 2.200 km, rạn san hô Great Barrier nằm phía đông bắc nước Úc được đánh giá là hệ sinh thái san hô lớn nhất thế giới, thu hút hàng triệu du khách đến lặn biển. Tuy nhiên, nhiệt độ nước biển tăng cao những năm gần đây khiến san hộ bị tẩy trắng, tức hiện tượng san hô chuyển sang màu trắng và chết hàng loạt.

Năm 2020, một cuộc khảo sát của Tổ chức Rạn san hô Great Barrier cho thấy, đợt tẩy trắng hàng loạt thứ ba trong vòng 5 năm trở lại đã khiến 60% số lượng san hô tại đây bị chết đi.

Còn tại Ấn Độ Dương, hòn đảo san hô Maldives cũng nổi tiếng là điểm đến hoàn hảo để du ngoạn bãi biển, với nhiệt rơi vào khoảng 27-29 độ C. Tuy nhiên, Maldives cũng là quốc gia nằm ở vị trí thấp nhất trên thế giới, chỉ cao trung bình 1,3 mét so với mực nước biển.

Trong các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên Hợp quốc vào tháng 12/2019, quốc gia nhỏ bé này đã cầu xin tài trợ từ các nước khác vào cơ sở hạ tầng. Đồng thời, các nhà lãnh đạo cũng cảnh báo nếu không hành động, có thể toàn bộ các hòn đảo sẽ sớm bị nuốt chửng bởi các vùng nước dâng cao.

Là một đảo quốc nằm trên Ấn Độ Dương, ngoài khơi bờ biển đông nam bộ của đại lục châu Phi, Madagascar có rất nhiều loài động vật hoang dã đa dạng, với khoảng 90% các loài động thực vật bản địa của quốc gia này là loài đặc hữu như vượn cáo, tắc kè hoa nhỏ nhất thế giới…

Tuy nhiên, với tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu, hệ sinh thái ở đảo quốc này đang gặp nguy hiểm. Mùa khô kéo dài khiến nguồn cung măng tươi bị thiếu hụt – đây cũng là nguồn thức ăn chính cho quần thể vượn cáo. Lũ lụt thường xuyên và mực nước biển dâng cao đang phá hủy các môi trường sống dễ bị tổn thương như rừng ngập mặn. Trong khi đó, hiện tượng tẩy trắng san hô ở các rạn san hô ven biển đang đe dọa sự tồn tại của nhiều loài sinh vật biển.

Mất đi sức hút vì băng tan

Công viên Quốc gia Glacier trải rộng trên một triệu mẫu Anh ở bang Montana, ngay trên biên giới Mỹ - Canada, đã thu hút hơn 3 triệu du khách vào năm 2019. Hệ sinh thái nguyên sơ này là nơi sinh sống của hàng trăm loài động vật và hàng nghìn loài thực vật. Nhưng khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên, điểm đến này đang mất đi điểm thu hút chính: những dòng sông băng đã tạo nên tên gọi của nó.

Theo dữ liệu do Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ và Đại học Bang Portland công bố vào tháng 5/2017, khí hậu ấm lên đã làm giảm đáng kể kích thước của 39 dòng sông băng khác nhau trong công viên kể từ năm 1966. Mức giảm tồi tệ nhất được công bố là 85%.

Sự thu hẹp các dòng sông cũng không có dấu hiệu chậm lại. Khi các dòng sông băng tan chảy, toàn bộ hệ sinh thái sẽ bị thay đổi. Các nhà khoa học dự đoán sẽ chỉ còn lại rất ít băng sau vài thập kỷ nữa, thậm chí sẽ không có tảng băng nào vào cuối thế kỷ này ở đây.

Tại bán đảo Yamal (Nga), những người Nenets bản địa đã phải thay đổi cách thức chăn nuôi tuần lộc bởi biến đổi khí hậu bởi lớp băng của vùng cực bắc của Nga đang dần dần tan chảy, mùa đông bị rút ngắn.

Vào mùa đông năm 2013, nhiệt độ ấm áp bất thường đã tạo nên những cơn mưa bất chợt trên bán đảo. Sau đó nước mưa bị đóng băng và bao phủ các đồng cỏ một lớp băng dày. Đàn tuần lộc không thể đào xuyên băng để tìm thức ăn, dẫn đến hàng chục nghìn con chết đói.

Các nhà khoa học khí hậu dự đoán rằng kiểu thời tiết này có thể trở nên thường xuyên hơn khi trái đất tiếp tục ấm lên - một điềm báo nguy hiểm cho đàn tuần lộc của Nga và các cộng đồng chủ yếu dựa vào chăn nuôi tuần lộc để kiếm sống.

Dãy núi Alps ở châu Âu từ lâu đã đóng vai trò là “thiên đường” cho những người thích trượt tuyết bởi nó trải dài trên tám quốc gia và cung cấp một số dốc đủ thử thách cho mọi tín đồ của bộ môn trượt tuyết. Tuy nhiên, với nhiệt độ ngày càng tăng, lượng tuyết tan đáng kể, điểm đến này ngày càng mất dần sức hút đối với du khách đam mê các bộ môn thể thao mùa đông.

Năm 2017, mùa đông ngắn hơn 38 ngày so với năm 1960. Các nhà khoa học dự đoán rằng vào cuối thế kỷ này, du khách sẽ phải leo lên đến mốc 3048 km để có thể nhìn thấy tuyết trên các ngọn núi. Nhiều khu nghỉ dưỡng đã bắt đầu bù đắp bằng cách cung cấp các liệu pháp spa và các hoạt động ngoài trời như cưỡi ngựa hoặc chơi tennis để thu hút nhiều du khách trái vụ hơn.

Mặt khác, với diện tích hơn gấp đôi Texas, vùng hoang dã Alaska rộng lớn cung cấp trải nghiệm tuyệt vời cho những du khách thích mạo hiểm ngoài trời, ví như chèo thuyền kayak trên sông Kenai hay đi bộ trong Vườn quốc gia Denali.

Nhưng với vị trí gần Bắc Cực, Alaska đang trải qua những thay đổi lớn bởi hiện tượng băng tan, xói mòn bờ biển. Nhiều chỏm băng của bang đang rút đi với tốc độ bất thường, gây ra hiện tượng lở đất dữ dội.

Một tác động tàn phá khác của nhiệt độ cao hơn là cháy rừng. Hệ sinh thái rừng ở Alaska trong thập kỷ qua đã bị phá huỷ nhiều hơn so với trước đây. Các nhà khoa học dự đoán số vụ cháy rừng thậm chí sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050.

Một số điểm đến đối mặt với nguy cơ sớm bị biến mất.

Một số điểm đến đối mặt với nguy cơ sớm bị biến mất.

Các thành phố du lịch bị nhấn chìm

Các chuyên gia khí hậu đã dự đoán rằng Rio de Janeiro sẽ là thành phố Nam Mỹ bị tổn thương nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu. Các dự báo cho thấy nếu nhiệt độ tiếp tục tăng, mực nước biển xung quanh Rio sẽ tăng lên 81cm vào năm 2100 - đủ để bao phủ các bãi biển nổi tiếng của thành phố, sân bay và thậm chí một số khu vực lân cận trong đất liền.

Bên cạnh những lo ngại về lũ lụt, nước dâng cao cũng sẽ dẫn đến lở đất, thiếu nước và lây lan dịch bệnh. Hiện nay, các nhà lãnh đạo thành phố đã hợp tác với NASA để hiểu rõ hơn về những mối đe dọa này, sử dụng dữ liệu từ các vệ tinh của NASA để tìm ra cách thích ứng tốt hơn với nhiệt độ ngày càng tăng.

Là nơi sinh sống của gần 20 triệu người, Mumbai tại Ấn Độ là một trong những thành phố đông dân và sầm uất nhất thế giới. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu có thể khiến các khu vực chính của thành phố chìm trong nước trong những thập kỷ tới nếu nhiệt độ toàn cầu tiếp tục tăng. Dù mực nước chỉ tăng 5cm vào năm 2050 thì cũng sẽ khiến Mumbai có nguy cơ bị ngập lụt thường xuyên.

Theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA), mực nước biển toàn cầu hiện đang tăng với tốc độ khoảng 0.3cm mỗi năm. Tình trạng lũ lụt sẽ thường xuyên xảy ra, ảnh hưởng không nhỏ đến nhóm người di cư và người nghèo - nhiều người trong số họ hiện đang sống trong các khu ổ chuột trên đường bờ biển của thành phố.

Thành phố Osaka nằm ở vùng Kansai, giữa Tokyo và Hiroshima, là một trong những trung tâm thương mại lớn nhất của Nhật Bản. Ở đây không chỉ có kiến trúc hiện đại xen kẽ các công trình cổ xưa đặc sắc, mà còn là một điểm đến ẩm thực đường phố nhộn nhịp. Tuy nhiên, giống như nhiều thành phố lớn của Nhật Bản, thành phố dễ bị ảnh hưởng bởi bão và lũ lụt lớn. Nếu nhiệt độ toàn cầu tăng 3 độ C như một số nhà khoa học dự đoán, khả năng cao đô thị sầm uất này sẽ sớm bị đại dương vùi lấp.

Thành phố Venice của nước Ý thu hút du khách với kiến trúc cổ điển quyến rũ, cảnh biển Adriatic chảy qua các con kênh, hay cuộc dạo chơi lãng mạn lênh đênh trên thuyền bên dưới Cầu Than thở. Thế nhưng, biến đổi khí hậu đang thực sự là vấn đề của thành phố này. Nếu như trước đây, người dân địa phương hay trải qua lũ lụt ở Piazza San Marco và các khu vực khác nằm ở vùng trũng của thành phố thì hiện nay, khi mực nước biển dâng cao hơn, toàn bộ Venice có thể sẽ bị ngập lụt nghiêm trọng.

Năm 2017, nghệ sĩ người Ý Lorenzo Quinn đã tạo ra một tác phẩm điêu khắc đồ sộ với hình bàn tay vươn ra khỏi kênh đào Grand Canal nhằm thu hút sự chú ý của dư luận đến thành phố đang bị chìm dần. Dù các nhà quản lý thành phố đã cho phép đầu tư vào các cửa xả lũ tiên tiến và các công nghệ khác để ngăn chặn các đợt lũ sắp xảy ra, nhưng nếu hiện tượng biến đổi khí hậu vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, điểm đến này có thể sẽ “bay màu” trên bản đồ du lịch thế giới.

Đọc thêm