Những điểm mới trong chế định đại diện liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp

(PLO) - Những sửa đổi, bổ sung của chế định đại diện trong Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hội nhập nhanh hơn, tận dụng được mọi cơ hội kinh doanh thông qua người đại diện bởi qua chế định này doanh nghiệp có thể mở rộng đáng kể hoạt động của mình thông qua một hoặc nhiều người đại diện hành xử nhân danh doanh nghiệp.
Ảnh minh họa nguồn internet
Ảnh minh họa nguồn internet

Người đại diện có thể là pháp nhân

Trước đây, Điều 139 BLDS 2005 quy định: “Đại diện là việc một người (sau đây gọi là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của người khác (sau đây gọi là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện”. Do sử dụng cụm từ “một người”, điều luật này đã khiến không ít người hiểu sai là người đại diện chỉ có thể là cá nhân. 

Để khắc phục điều này, Điều 134 BLDS 2015 đã cụ thể hóa cụm từ “một người” thành “cá nhân, pháp nhân” với quy định “Đại diện là việc cá nhân, pháp nhân (sau đây gọi chung là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác (sau đây gọi chung là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự”. Tuy đây chỉ là sự thay đổi mang tính kỹ thuật nhưng giá trị mà nó mang lại hết sức có ý nghĩa đối với xã hội bởi từ nay giúp cho cơ quan xét xử hiểu và áp dụng pháp luật một cách thống nhất.

Ngoài ra, Điều 137 BLDS 2015 cũng chỉ rõ: “Một pháp nhân có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật và mỗi người đại diện có quyền đại diện cho pháp nhân theo quy định tại Điều 140 và Điều 141 của Bộ luật này”. Có thể nói, quy định này giúp các doanh nghiệp có thể hoạt động hiệu quả hơn và đảm bảo sự tương thích của BLDS với các luật chuyên ngành.

BLDS 2015 còn bổ sung thêm người đại diện theo pháp luật của pháp nhân còn có thể là người do Tòa án chỉ định trong quá trình tố tụng tại Tòa án tương tự như trường hợp đại diện theo pháp luật của cá nhân. Những bổ sung này có vai trò rất tích cực bởi đảm bảo trong mọi trường hợp pháp nhân đều có người đại diện, nhờ đó có thể tránh được các tình huống người đại diện của doanh nghiệp bất hợp tác trong quá trình tham gia tố tụng.

Về hậu quả pháp lý của hành vi đại diện

Trong BLDS 2005, hậu quả pháp lý của hành vi đại diện được ghi nhận tại Điều 139: “Người được đại diện có quyền, nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch dân sự do người được đại diện xác lập”. Nội dung này có thể dẫn đến cách hiểu thiếu chính xác là người được đại diện bị ràng buộc với giao dịch do người đại diện xác lập với người thứ ba trong mọi trường hợp.

Tại Điều 139 BLDS 2015 quy định: “Giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện với người thứ ba phù hợp với phạm vi đại diện làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện”. Việc bổ sung thêm cụm từ “phù hợp với phạm vi đại diện” là rất quan trọng bởi nó cho phép xác định những trường hợp người được đại diện không bị ràng buộc với giao dịch do người đại diện xác lập, đây là vấn đề mà BLDS 2005 chưa làm được. 

Cùng với đó, Điều 139 BLDS 2015 còn bổ sung thêm quy định về quyền của người đại diện. Theo đó, người đại diện có thể xác lập, thực hiện những hành vi cần thiết để đạt được mục đích đại diện. Có thể nói đây là một quy định hết sức tích cực, cho phép người đại diện có thể chủ động, linh hoạt tìm kiếm các giải pháp nhằm phục vụ tốt nhất lợi ích của người được đại diện.

Về phạm vi đại diện

Phạm vi đại diện được quy định tại Điều 141 BLDS 2015 được xây dựng trên cơ sở kế thừa Điều 144 BLDS 2005 nhưng mang tính khái quát cao hơn. Điều luật này còn bổ sung thêm một khoản chỉ rõ trường hợp phạm vi đại diện không được xác định cụ thể dựa trên những căn cứ mà điều luật đã chỉ ra thì người đại diện theo pháp luật có quyền xác lập thực hiện mọi giao dịch dân sự vì lợi ích của người được đại diện. 

Kế thừa Điều 144 BLDS 2005, Điều 141 BLDS 2015 khẳng định nguyên tắc người đại diện không được nhân danh người được đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với chính mình hoặc với người thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó. Tuy nhiên, BLDS 2015 đã cụ thể hóa cụm từ “người đại diện” bằng cụm từ “một cá nhân, pháp nhân có thể đại diện cho nhiều cá nhân hoặc pháp nhân khác nhau”. Sự thay đổi này khẳng định minh thị một cá nhân, pháp nhân có thể đại diện cho nhiều cá nhân, pháp nhân khác và nhiều cá nhân, pháp nhân khác nhau cũng có thể đại diện cho một cá nhân, pháp nhân.

Đặc biệt, quy định này có một ý nghĩa quan trọng khi không phủ nhận tuyệt đối các giao dịch do người đại diện của pháp nhân xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với chính mình hoặc với bên thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó. Điều này thể hiện rõ thông qua các quy định tại khoản 1 Điều 67; khoản 1 Điều 86 và khoản 1 Điều 162 của Luật Doanh nghiệp năm 2014.

 Theo đó, các giao dịch do người đại diện xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với chính mình hoặc với bên thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó chỉ được thừa nhận nếu giao dịch được thực hiện vì  lợi ích của người được đại diện và những giao dịch này phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ để một mặt bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của người được đại diện, mặt khác kiểm soát được hành vi của người đại diện nhằm chống lại mọi hành vi, lạm quyền của người này. 

Đọc thêm