Bộ luật Dân sự (sửa đổi): Tháo gỡ nhiều vướng mắc cho doanh nghiệp

(PLO) - Sáng 18/12, phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp, Bộ Tư pháp đã tổ chức tọa đàm về một số nội dung mới của Bộ luật Dân sự (sửa đổi) liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Bàn về vai trò của Bộ luật Dân sự (BLDS) trong việc đảm bảo thực hiện quyền tự do kinh doanh đã được Hiến pháp 2013 ghi nhận, Giám đốc Trung tâm Thông tin, tư vấn pháp luật và bồi dưỡng pháp luật Dương Đăng Huệ cho biết, BLDS giúp tăng cường nền tảng kinh tế cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tăng cường cơ sở pháp lý cho việc thực hiện quyền tự do hợp đồng và tăng cường cơ chế bảo vệ quyền dân sự. 
Do vậy, BLDS 2015 đã góp phần to lớn vào việc tạo thêm cơ chế để thực hiện được quyền tự do kinh doanh của các doanh nghiệp trong thời gian tới. Ông Huệ cho biết thêm, ngoài việc hoàn thiện chế định quyền sở hữu, ghi nhận thêm các tài sản khác của doanh nghiệp thì một điểm thay đổi đáng lưu ý khác của BLDS là đưa ra nguyên tắc ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành, qua đó đảm bảo thái độ tôn trọng của Nhà nước đối với quyền tự do thỏa thuận của các bên trong giao kết, thực hiện các hợp đồng trong một số lĩnh vực kinh doanh đặc thù,
Những sửa đổi, bổ sung về chế định đại diện của BLDS năm 2015 cũng là nội dung được đánh giá cao khi khắc phục được những hạn chế của chế định này trong BLDS năm 2005 và tiếp cận gần hơn với pháp luật thế giới. 
Bà Bùi Thị Thanh Hằng (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh: “Những quy định cụ thể về pháp nhân cùng các vấn đề liên quan như hậu quả pháp lý của hành vi đại diện, phạm vi đại diện đã giúp các doanh nghiệp tháo gỡ nhiều vướng mắc, tạo điều kiện tận dụng được mọi cơ hội kinh doanh, mở rộng đáng kể hoạt động của mình và hội nhập kinh tế quốc tế”.
BLDS 2015 còn quy định những điểm mới trong chế định bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm Nguyễn Chi Lan cho biết, BLDS 2015 đã bổ sung hai biện pháp bảo đảm mới là cầm giữ tài sản và bảo lưu quyền sở hữu. “Điều này rất hợp lý vì cầm giữ tài sản và bảo lưu quyền sở hữu có tính chất bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, đồng thời cũng phù hợp với thông lệ quốc tế” – bà Lan đánh giá. 
Ngoài ra, các luật sư, đại diện doanh nghiệp tham gia thảo luận tại tọa đàm cũng nêu lên những băn khoăn về các nội dung của BLDS có thể mang đến rủi ro cho doanh nghiệp như khả năng vô hiệu vẫn cao; xác định đại diện thế nào khi mua hàng ở cửa hàng, siêu thị; khó khăn về xử lý tài sản bảo đảm… 

Đọc thêm