Những điều kiêng kỵ của người Việt ngày Tết

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo một chuyên gia nghiên cứu tôn giáo thuộc ĐH Quốc gia TP HCM, những tập tục này chủ yếu được truyền miệng phổ biến trong dân gian, giá trị chân lý của những điều này gần như không thể kiểm định được.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Không quét nhà, đổ rác vào ngày mùng 1

Đây là một phong tục khá lâu đời và xuất phát từ một truyền thuyết tại Trung Quốc, truyện kể về một ông lái buôn được Thủy thần dành tặng cho một cô người hầu tên là Như Nguyệt. Kể từ ngày có Như Nguyệt, nhà ông trở nên phát tài và giàu có. Đến một năm, vào ngày mùng 1 tết, Như Nguyệt sơ ý mắc lỗi liền bị ông chủ đánh đập rất tàn nhẫn. Tủi thân, nàng hóa thành đống rác cạnh cửa ra vào. Lái buôn không biết điều đó đã sai người mang rác đổ đi. Từ đấy, ông ta trở nên nghèo khó.

Chính vì vậy mà người ta tin rằng, không nên quét nhà, đổ rác vào ngày mùng 1 tết. Nếu làm những việc đó vào ngày này thì tài lộc sẽ tan biến hết, gặp nhiều khó khăn.

Nếu có quét nhà, người Việt thường quét tấp vào một góc nhà, chờ qua đủ 3 ngày Tết hoặc tới ngày cúng đưa ông bà mới bắt đầu hốt đi đổ.

Kiêng ở tủ

Giống với việc quét nhà hay đổ rác, hành động mở cửa tủ được xem là làm thoát vận may và tài lộc ra bên ngoài. Người xưa quan niệm rằng, tiền thường được cất kín trong các ngăn tủ, mà việc mở cửa tủ tương tự như đang chi tiền liên tục.

Một số gia đình ở miền Trung vào trước giao thừa còn niêm phong tất cả các cánh cửa tủ để phòng trẻ em, khách đến chơi không biết mà mở ra. Một số gia đình còn tỉ mỉ lấy hết vật dụng cần thiết, quần áo trong 3 ngày Tết ra ngoài để không đụng đến tủ đồ.

Kiêng làm vỡ đồ đạc

Một số gia đình Việt ngày nay vẫn cho rằng chén bát, ly tách hay đồ sành sứ mà bị vỡ bể, sứt mẻ trong những ngày đầu năm thì đó là dấu hiệu của "điềm xui rủi", gia đình dễ có những chuyện rạn nứt, bất hòa trong năm mới.

Không chỉ Tết, mà với những ngày trong năm, nhiều người cũng cho rằng khi ly chén bể thì đó là dấu hiệu có những điều không hay sắp xảy đến.

Kiêng nói to, cãi nhau và nói điều xui xẻo

Tết là dịp cả gia đình được quây quần sum họp bên nhau, gia đình nào cũng mong muốn không khí đầm ấm, hạnh phúc như vậy được duy trì xuyên suốt cả năm. Do đó, nhiều người cho rằng ngày Tết mọi người phải vui vẻ để tạo bầu không khí của ngày xuân.

Bên cạnh đó, nhiều người thường kiêng kỵ nói những điều xui xẻo ngày đầu năm mới vì không chỉ khiến bản thân đen đủi mà còn ảnh hưởng đến những người xung quanh.

Kiêng cho vay mượn tiền bạc đầu năm

Dân gian quan niệm rằng ngày đầu năm mà cho mượn tiền hay trả nợ giống như dâng tài lộc của cả năm vào tay người khác, khiến gia đình năm đó rơi vào cảnh túng thiếu, nợ nần nên rất kiêng cữ chuyện vay mượn tiền bạc, của cải đầu năm.

Kiêng mặc đồ đen

Liên quan đến màu sắc ngày Tết, ông cha ta thường có quan niệm kiêng màu trắng, màu đen là màu tang tóc, ưu tiên những màu vui vẻ của năm mới. Theo quan niệm phương Đông màu đỏ là màu của hỷ khí. Màu đỏ thuộc hành hoả, tượng trưng cho văn minh, phát triển, tượng trưng cho sự vui mừng. Còn màu đen, màu tím là màu thuộc hành thuỷ, thuộc về âm. Âm là tĩnh mà tĩnh thì không phát triển, đình trệ, không may mắn.

Ngày đầu năm mới là sự khởi đầu của một chu kỳ mới thì người ta thường hướng đến sự phát triển, vận mệnh mới thì đương nhiên ông cha ta sẽ kiêng màu đen, chọn những màu sắc vui vẻ như màu đỏ.

Kiêng ăn món xui

Mùng 1, mùng 2, mùng 3 nhiều người Việt có quan niệm không ăn những món như thịt chó, thịt mèo, cá mè, thịt ngỗng, thịt vịt vì theo dân gian thì đó chính là những món ăn rất không tốt cho ngày đầu Xuân.

Thậm chí có một số vùng còn không ăn tôm, vì sợ đi giật lùi như tôm, còn nếu ăn chúng trong ngày Tết công việc trong năm sẽ không thể tiến tới mà toàn bị thụt lùi lại.

Kiêng cắt tóc

Theo người xưa, cắt bỏ một thứ gì đó khỏi cơ thể vào ngày mùng 1 chính là cắt đi sự may mắn. Không chỉ tóc, người ta còn hạn chế cắt móng tay vào ngày mùng 1 nữa.Những kiêng kỵ trên đây chỉ là quan niệm dân gian, không có cơ sở khoa học, vì vậy bạn chỉ cần biết để có thêm kiến thức về văn hóa, phong tục chứ không cần câu nệ làm theo.

Những gia đình có tang kiêng đi chúc Tết

Nhà nào có đại tang thì tuyệt đối kị việc đi chúc Tết và mừng tuổi làng xóm, bạn bè, vì hành động này bị coi là mang đến điều buồn đau, không may mắn cho gia đình người khác.

Nhà nào không may có người mất trong dịp Tết cũng không được phát tang vội để không ảnh hưởng đến niềm vui chung của hàng xóm, láng giềng trong dịp Tết đến xuân về khi vạn vật đang khởi bừng sức sống.

Nếu gia đình có người mất vào ngày 30 Tết, tốt nhất nên chôn cất trong ngày đó, tránh để sang mùng 1. Còn nếu người mất vào mùng 1 Tết thì phải chờ sang mùng 2 mới được phát tang.

Đọc thêm