Những hình ảnh xúc động mùa Vu Lan báo hiếu

 Rằm tháng Bảy (âm lịch), những ngôi chùa ở TP.Hồ Chí Minh trở nên đông đúc hơn bao giờ hết. Báo hiếu là việc làm của cả đời con người, nhưng vẫn cần có một mùa Vu Lan, để những người con còn và mất mẹ nhìn lại, nhớ và yêu thương nhiều hơn nữa...

Rằm tháng Bảy (âm lịch), những ngôi chùa ở TP.Hồ Chí Minh trở nên đông đúc hơn bao giờ hết. Báo hiếu là việc làm của cả đời con người, nhưng vẫn cần có một mùa Vu Lan, để những người con còn và mất mẹ nhìn lại, nhớ và yêu thương nhiều hơn nữa.

Những hình ảnh xúc động mùa Vu Lan báo hiếu ảnh 1
 

Ý nghĩa của bông hồng trắng, bông hồng đỏ không còn xa lạ với mỗi người Việt. Nhưng dịp lễ Vu Lan, đến những ngôi chùa, được Phật tử tận tay cài lên ngực áo bông hoa, mới thấy mỗi màu hoa vẫn tạo nên một niềm rưng rưng trong lòng, cái chạnh buồn của những người cài hoa trắng và niềm nhẹ nhõm có chút tự hào của những người con được cài bông hoa đỏ.

Niềm cảm động ở cả người cài và được cài. Và những ngày Vu Lan tháng Bảy, điều đẹp nhất mà người ta trông thấy là hình ảnh người ta cài hoa cho nhau trước cửa các ngôi chùa. Hôm ấy, khắp nơi có rất nhiêu hoa hồng trắng và đỏ...

Hình ảnh cảm động ngày lễ Vu Lan
Hình ảnh cảm động trong mùa Vu Lan

Vu Lan, có rất nhiều người không theo tín ngưỡng Phật giáo hoặc không theo một tôn giáo nào đến chùa. Có người đơn giản là thắp hương lạy Phật, có người kiên nhẫn ngồi trong sảnh chùa nghe tụng kinh Báo hiếu.

Sài Gòn là nơi dân nhập cư, tạm cư gấp nhiều lần số dân tại chỗ. Những ngày Rằm tháng Bảy, chùa chiền không còn là chốn dành riêng cho tín ngưỡng, đó là nơi rất cần cho những người con xa quê, xa cha mẹ gửi tình yêu thương và niềm mong nhớ của mình đến các bậc sinh thành đang ở rất xa.

Những ngày 14, 15, 16 chùa Vĩnh Nghiêm (Nguyễn Văn Trỗi, quận 3) đông chật người hành hương đại lễ; sân chùa rộng lớn của chùa Viên Giác trải chiếu mộc đón hơn 300 người con đến ngồi cùng tụng kinh, cầu an, cầu siêu cho cha mẹ, chùa Pháp Quang (Nơ Trang Long, Bình Thạnh), người ta đến cúng gạo, làm từ thiện…

Rất nhiều trong số Phật tử và không phải Phật tử ấy là công nhân, sinh viên và cả những người đã nhập khẩu và thành danh ở TP.HCM, nhưng sau lưng vẫn có một quê nhà. Cũng đã có rất nhiều cuộc gọi đến cha mẹ vào lễ Vu Lan, nhưng những người đến chùa chia sẻ rằng họ tin những tình yêu thương chân thành gửi trong lời khấn nguyện vào ngày Vu Lan sẽ ứng nghiệm…

Những ngày Rằm tháng Bảy, cũng có rất nhiều người không đến chùa. Đó là những người con ở nhà, tự tay nấu cho cha mẹ bữa ăn dù rất đỗi bận rộn, hay làm một mâm cơm nho nhỏ để dâng lên bàn thờ, mong vong linh cha mẹ bình yên.

Các công viên ở TPHCM những đêm mùa báo hiếu bỗng đông hơn, bởi rất nhiều người con đưa mẹ đến dạo mát, bởi những mẹ- con, cha- con ngồi chuyện trò ở các hàng ghế đá…

Mùa Vu Lan, vốn xuất phát từ một câu chuyện trong kinh Phật, về Đức Mục Kiền Liên không quản nguy nan xuống địa ngục cứu mẹ, đến nay đã vượt ra khỏi ý nghĩa của một tín ngưỡng, một tôn giáo. Và đền đài duy nhất mà mỗi người, từ thành thị đến nông thôn, miền sâu miền xa hướng đến vào ngày Rằm tháng Bảy, Đại lễ Vu Lan là đền đài tình thương yêu và lòng biết ơn thành kính dành cho các bậc sinh thành.

Ngọc Mai